Tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi
Khi ngân hàng chung lưng đấu cật cùng nền kinh tế | |
Chính sách hỗ trợ phục hồi: Không vì “điểm” quên “diện” | |
Hỗ trợ để khôi phục sản xuất kinh doanh |
Cũng như hầu hết các nước trên thế giới, nền kinh tế Việt Nam đã bị ảnh hưởng mạnh mẽ bởi đại dịch Covid-19. Tăng trưởng GDP năm 2020 giảm còn 2,91%. Những ảnh hưởng nghiêm trọng của Covid-19, không chỉ về kinh tế vĩ mô mà còn đến với cả cộng đồng doanh nghiệp và hộ gia đình. Các doanh nghiệp trong hầu hết các lĩnh vực đều bị ảnh hưởng và đang phải vật lộn để tồn tại. Hai đợt khảo sát diện rộng với trên 130 nghìn doanh nghiệp của Tổng cục Thống kê (tháng 4 và tháng 9/2020) cho thấy có tới trên 83% số doanh nghiệp khẳng định bị ảnh hưởng tiêu cực. Tương tự, các cá nhân, hộ gia đình, các nhóm người đặc biệt dễ bị tổn thương đang bị tác động mặc dù gói hỗ trợ của Chính phủ đã được cung cấp từ rất sớm.
Tập trung mọi nguồn lực để hỗ trợ doanh nghiệp |
Trước bối cảnh đó, ông Trần Quốc Phương, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh, chúng ta đã có những biện pháp kịp thời và hiệu quả trong việc ngăn chặn sự lây lan của Covid-19 đã giúp Việt Nam giữ được ổn định kinh tế vĩ mô. Đây cũng là nền tảng cho quá trình phục hồi kinh tế trong năm 2021 và trung hạn 2021-2025. Song song với đó, Covid-19 cũng hình thành hoặc đẩy nhanh nhiều xu hướng mới, định hình lại các dòng tài chính quốc tế, thương mại và đầu tư, đặc biệt là chuyển dịch chuỗi cung ứng, vừa tạo ra nhiều thách thức và cả cơ hội phục hồi kinh tế trong dài hạn.
Việc tận dụng được những cơ hội mới để phục hồi kinh tế năm 2021 và bứt phá trong giai đoạn 2021-2025 có ý nghĩa quan trọng nhằm đạt được các mục tiêu đã đặt ra trong Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025. Các giải pháp, định hướng chính sách được kịp thời cập nhật và điều chỉnh để thực hiện được nhiệm vụ này. Đặt trong bối cảnh FDI toàn cầu suy giảm tới 40%, thì kết quả thu hút FDI của Việt Nam vẫn tương đối khả quan với tổng vốn đăng ký đạt hơn 28,5 tỷ USD, cho thấy Việt Nam vẫn là một địa điểm hấp dẫn đầu tư của các doanh nghiệp FDI. Quan trọng hơn, các nhà đầu tư ngoại vẫn tập trung đổ vốn nhiều vào lĩnh vực năng lượng, công nghiệp chế biến. Cùng với sự phục hồi các thị trường đối tác lớn Mỹ, EU, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc sẽ hỗ trợ gia tăng xuất khẩu, đi kèm với các điều kiện thuận lợi từ hàng loạt các FTA đã được ký kết… là nhân tố tích cực hỗ trợ kinh tế Việt Nam phục hồi.
Theo ông Jonathan Pincus, chuyên gia kinh tế của UNDP tại Việt Nam, muốn tăng trưởng, Việt Nam cần phải đưa ra các chính sách hỗ trợ phù hợp, đúng đối tượng, đúng trọng tâm, trọng điểm và phải có hiệu quả. Trong năm 2021 cũng như các năm tiếp theo, Việt Nam phải tập trung thu hút FDI, thực hiện nhiều chính sách ưu đãi nhằm thu hút FDI và hiện nay, Việt Nam đang có rất nhiều điều kiện, lợi thế để làm việc này trước làn sóng dịch chuyển đầu tư kể từ khi nổ ra chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, đặc biệt kể từ khi đại dịch Covid-19 xảy ra. Tuy nhiên, cần tập trung thu hút doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu, hàng thay thế nhập khẩu, sử dụng công nghệ cao, ít thâm dụng lao động…
Dịch Covid-19 đã chứng minh sức hấp dẫn đáng kể của Việt Nam đối với nhà đầu tư nước ngoài và Việt Nam có khả năng được hưởng lợi từ sự dịch chuyển các chuỗi cung ứng từ đại lục sang các quốc gia có chi phí thấp hơn. Bằng chứng là Apple mới đây đã chọn Việt Nam là nơi sản xuất Ipad và Macbook đầu tiên ngoài Trung Quốc. Song giới phân tích kinh tế cũng cảnh báo, các lợi thế vốn có của Việt Nam đang dần mất đi, đồng nghĩa một số thách thức mới đã xuất hiện. Trong đó có các yêu cầu về lao động tay nghề cao và sự đồng bộ của chuỗi cung ứng trong nước. Do đó, có ý kiến cho rằng, ngoài ưu tiên chính sách cho doanh nghiệp nước ngoài, Việt Nam cần có những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong nước mạnh mẽ và phù hợp hơn nữa, không chỉ trực tiếp hỗ trợ, thúc đẩy doanh nghiệp nội gia tăng năng lực cạnh tranh, mà còn gián tiếp góp phần giúp Việt Nam từng bước cải thiện vị trí trong chuỗi cung ứng toàn cầu, tạo nền tảng thu hút FDI chất lượng hơn.
Thủ tướng Chính phủ đã thành lập Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân nhằm hỗ trợ tháo gỡ khó khăn mà các công ty tư nhân có thể gặp phải khi sản xuất kinh doanh tại Việt Nam, cũng như xúc tiến, tìm kiếm cơ hội, thị trường mới. Mặt khác, để giải quyết bài toán khó về tiếp cận vốn, Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) trực thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã được thành lập, với số vốn điều lệ ban đầu 2.000 tỷ đồng.
Quỹ này hoạt động theo mô hình công ty TNHH một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, là giải pháp tài chính hữu hiệu nhằm hỗ trợ cộng đồng DNNVV đổi mới sáng tạo; DNNVV tham gia cụm liên kết ngành và chuỗi giá trị phát huy tiềm năng, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh. Ngoài ra, nguồn vốn điều lệ do ngân sách nhà nước cấp cho quỹ được coi là vốn mồi để thu hút các nguồn lực khác từ bên ngoài cùng chung tay hỗ trợ phát triển DNNVV.
Đặc biệt, năm 2020, do tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế, Chính phủ đã cho phép quỹ này thực hiện chức năng cho vay bao gồm cho vay trực tiếp, vay gián tiếp và tài trợ vốn cho DNNVV. Kết quả, từ tháng 6/2020, Quỹ Phát triển DNNVV đã công bố giảm lãi suất cho vay về mức 2,16% đối với cho vay ngắn hạn và 4% đối với cho vay trung, dài hạn. Có thể thấy đây là mức lãi suất hỗ trợ rất ưu đãi cho các DNNVV để có thể phục hồi sản xuất kinh doanh và phát triển.
Việc chuyển hoạt động cho vay từ gián tiếp sang trực tiếp, theo các chuyên gia, hình thức cho vay trực tiếp này có thể tự chủ trong tất cả các khâu trong quy trình cho vay từ thẩm định, giải ngân, giám sát và thu hồi nợ. Có thể xây dựng và phát triển một mô hình kinh doanh và quản lý phù hợp với mục đích và tiêu chí của quỹ. Đặc biệt là khả năng nhận được sự hỗ trợ mạnh mẽ hơn từ các tổ chức tài chính quốc tế.
Tuy nhiên, vì đây là một chức năng mới, mô hình thành công tại Việt Nam chưa nhiều, cũng như hạn chế những rủi ro sẽ gặp phải trong thực tế, Quỹ Phát triển DNNVV cần sớm tập trung hoàn thiện khung pháp lý, bổ sung quy trình như theo dõi nợ, thu hồi nợ, xử lý nợ xấu, tăng cường nguồn vốn đầu vào, cho vay tín chấp kết hợp với các quỹ bảo lãnh tín dụng…