Tạo thế và lực cho xuất khẩu gạo
Ngành lúa gạo: Thành công nhờ chất lượng 161 thương nhân đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo |
Gạo Việt đắt hàng, được giá
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2023 mục tiêu của ngành lúa gạo là xuất khẩu khoảng 7 triệu tấn gạo. Song, kết thúc năm xuất khẩu gạo đạt con số ấn tượng: 8,1 triệu tấn với kim ngạch đạt gần 4,7 tỷ USD, mức cao nhất từ khi Việt Nam bắt đầu xuất khẩu gạo tới nay. Đáng chú ý, tỷ trọng giống lúa chất lượng cao của Việt Nam tăng từ 50% năm 2015 lên 74% năm 2020 và hiện đạt 85%. Khối lượng gạo xuất khẩu được giữ ở mức 6 triệu tấn, có xu hướng tăng trưởng qua các năm, giá trị xuất khẩu liên tục trên 3 tỷ USD/năm.
Những tín hiệu tích cực của thị trường xuất khẩu đã và đang được phản ánh vào giá gạo xuất khẩu. Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), trong tuần đầu tiên của năm mới 2024, giá gạo 5% tấm của Việt Nam đứng ở mức 653 USD/tấn, giá loại gạo này ước đạt mức tăng theo năm là 44% trong năm nay. Phó Chủ tịch VFA Đỗ Hà Nam đánh giá, những năm qua, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam diễn biến theo thị trường, có lên có xuống, nhưng luôn duy trì chiều hướng tích cực. Cụ thể, đầu năm 2021, giá gạo đạt ngưỡng 550 USD/tấn, đến khoảng giữa năm 2022, con số này giảm xuống sát 460 USD/tấn, sau đó tăng cao đột biến trong năm 2023.
Xuất khẩu gạo tăng cả về số lượng và giá trị |
Số lượng và giá trị xuất khẩu gạo liên tục tăng, tạo ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp mở rộng sản xuất kinh doanh. Đầu tháng 11/2023, Công ty cổ phần Tập đoàn Lộc Trời đã ký kết loạt biên bản ghi nhớ với đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh An Giang, Kiên Giang, Sóc Trăng cùng đại diện hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã tại các địa phương để triển khai vùng nguyên liệu liên kết sản xuất lúa trên 300.000 ha. Qua đó, hình thành chuỗi liên kết sản xuất lúa gạo chất lượng cao với mục tiêu sản xuất 5 triệu tấn lúa/năm, tương đương hơn 2 triệu tấn gạo và phụ phẩm/năm kể từ năm 2024 trở đi. Doanh nghiệp cũng được Ngân hàng Phát triển doanh nghiệp Hà Lan (FMO) trao ý định thư về việc thu xếp gói thỏa thuận tín dụng trị giá 90 triệu USD (khoảng 2.100 tỷ đồng) để hỗ trợ tài chính cho các dự án mở rộng mới.
Doanh nghiệp có nhiều đơn hàng, giá gạo xuất khẩu tăng giúp thu nhập của người nông dân trồng lúa ngày càng được cải thiện. Bà Võ Thị Út (Đồng Tháp) cho biết, trước đây cơ sở làm đơn lẻ, năng suất thấp, giá phụ thuộc vào thương lái, nhưng nhờ liên kết với doanh nghiệp xuất khẩu, cơ sở được hỗ trợ về cây giống, vật tư nên cho năng suất cao, giá tốt hơn hẳn. Chưa kể doanh nghiệp thu mua trực tiếp nên giảm chi phí trung gian, doanh nghiệp còn cộng thêm cho bà con 200 - 300 đồng/kg lúa nếu đảm bảo chất lượng hàng xuất khẩu đi các thị trường khó tính.
Đón thời cơ “vàng”
Phân tích tình hình thị trường xuất khẩu gạo năm 2024, đại diện Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, sản lượng gạo toàn cầu có thể đạt kỷ lục gần 520 triệu tấn, trong khi mức tiêu thụ lên đến 525 triệu tấn. Như vậy, thế giới sẽ thiếu hụt 5 triệu tấn gạo trong năm tới, trong khi lượng gạo tồn kho toàn cầu giảm, chỉ còn hơn 160 triệu tấn.
Bổ sung thêm, ông Nguyễn Văn Đôn, Giám đốc Công ty TNHH Việt Hưng cho rằng, thị trường toàn cầu thiếu hụt nguồn cung khi Ấn Độ - quốc gia có sản lượng gạo xuất khẩu thường bằng Thái Lan, Việt Nam, Pakistan và Myanmar cộng lại - có thể tiếp tục hạn chế xuất khẩu đến trước kỳ bầu cử tháng 4-5/2024. Trong khi đó, tác động của các yếu tố thời tiết khô hạn do hiện tượng El Nino gây ra cũng khiến cho nhiều quốc gia lo ngại về việc mất an ninh lương thực, gia tăng tích trữ gạo.
Gạo Việt dần tạo được thương hiệu với đối tác quốc tế |
Với Việt Nam, thị trường xuất khẩu gạo của nước ta chủ yếu là Philippines, Trung Quốc và Indonesia. Trong khi đó, chính phủ Philippines mới đây đã yêu cầu các thương nhân trong nước tăng cường nhập khẩu gạo để đảm bảo an ninh lương thực và cảnh báo các doanh nghiệp nếu không thực hiện tốt sẽ bị đưa vào “danh sách đen”; Indonesia dự báo thời điểm thu hoạch vụ lúa đầu tiên trong năm 2024 có thể trễ đến 2 tháng so với thông thường là vào tháng 3 - 4 năm sau nên cần nhập khẩu khoảng 2 triệu tấn trong cả năm 2024… Do đó, theo các chuyên gia đây là thời cơ lớn cho ngành hàng lúa gạo Việt Nam.
Trong tình hình nguồn cung gạo thiếu hụt so với nhu cầu, Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho biết, ngành nông nghiệp Việt Nam sẵn sàng hợp tác với các quốc gia để cung cấp lúa gạo trong thời gian dài và các quốc gia nhập khẩu gạo nên “đặt hàng trước” với Việt Nam bằng việc ký kết các bản ghi nhớ. Điều này sẽ giúp Việt Nam có thêm động lực để xây dựng những vùng nguyên liệu chuyên canh phục vụ xuất khẩu.
Tuy nhiên, để duy trì tăng trưởng bền vững, Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho rằng, ngành lúa gạo cần tiếp tục cơ cấu lại theo hướng nâng cao chất lượng, giá trị; bảo đảm gia tăng về giá trị hơn số lượng; các doanh nghiệp, hợp tác xã và người dân cần đẩy mạnh liên kết sản xuất gạo chất lượng cao, chuyển dịch cơ cấu, chủng loại... nhằm đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, phù hợp với Chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu gạo Việt Nam đến năm 2030.
Bên cạnh đó, Bộ sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Công thương, tham tán đại sứ quán các nước để nghiên cứu, chia sẻ thông tin thị trường; đưa ra đánh giá, dự báo dài hạn về nhu cầu, thị hiếu để có định hướng sản xuất; phối hợp với các bộ, ngành để bảo đảm nguồn vốn ưu đãi cho các doanh nghiệp xuất khẩu, giúp các chuỗi liên kết phát triển bền vững.
Nhằm đảm bảo chất lượng, uy tín thương hiệu gạo Việt cũng như giữ được thị trường xuất khẩu ổn định trong thời gian tới, ông Nguyễn Duy Thuận, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Lộc Trời cho rằng, cần phải tổ chức vùng nguyên liệu, chuyển giao quy trình sản xuất cho nông dân; gắn quy hoạch diện tích trồng lúa với các nhà máy chế biến để đảm bảo sự ổn định trong chuỗi canh tác và chế biến lúa gạo. Mỗi nhà máy sẽ đăng ký sản xuất cho một nhóm thị trường có chất lượng tương đồng để có thể tạo ra sự ổn định trong cung cấp lúa gạo; ban hành quy định về lượng giống sử dụng không được vượt quá 100 kg/ha, lượng phân bón hóa chất, lượng thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hóa chất và quy định xử phạt đối với gạo có dư lượng hóa chất cao hơn quy định. Các bên cần cùng nhau chia sẻ lợi ích từ chuỗi lúa gạo một cách hợp lý, để nông dân đồng hành gắn bó lâu dài.
Dưới góc nhìn của các chuyên gia, những thuận lợi nêu trên có thể chỉ là tạm thời, còn trong dài hạn các thị trường xuất khẩu đang ngày càng trở nên khó tính, yêu cầu quản lý chất lượng, truy xuất nguồn gốc sẽ ngày càng cao, đòi hỏi doanh nghiệp phải chủ động đáp ứng nhanh và đồng bộ. Để làm được điều này, chỉ nỗ lực của doanh nghiệp là chưa đủ, mà còn cần sự tham gia của người nông dân để thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp; các bộ, ngành có liên quan cần tiếp tục hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ gia đình mở rộng vùng nguyên liệu, chứng nhận sản phẩm, xây dựng quảng bá thương hiệu để phát triển sản xuất nông sản và lúa hữu cơ.