Tập huấn quản lý ngoại hối việc vay, trả nợ nước ngoài của DN
Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Đào Xuân Tuấn – Vụ trưởng Vụ Quản lý ngoại hối, NHNN cho biết, trong giai đoạn vừa qua, NHNN đã nhận thấy vai trò của các TCTD đối với công tác quản lý ngoại hối.
Theo đó, TCTD được giao nhiệm vụ, vừa thực hiện nhiệm vụ kinh doanh nhưng cũng giúp NHNN thực hiện vai trò quản lý đối với hoạt động chuyển tiền xuyên biên giới. Đối với giao dịch vãng lai, trên cơ sở các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân xuất trình giấy tờ chứng minh giao dịch, TCTD là người xác nhận thông tin, đối chiếu chứng từ xem phù hợp hay không và quyết định chuyển tiền, đây là điều rất quan trọng.
Khi hoạt động giao dịch ngoại hối ngày càng nhiều hơn, các TCTD đóng vai trò “chốt chặn” trước khi dòng tiền được chuyển ra, vì vậy TCTD phải thấy vai trò và trách nhiệm của mình trong câu chuyện này, qua đó sẽ giúp ích rất nhiều trong công tác quản lý ngoại hối.
Ông Đào Xuân Tuấn – Vụ trưởng Vụ Quản lý ngoại hối, NHNN phát biểu khai mạc Hội nghị |
Vụ trưởng Vụ Quản lý ngoại hối, NHNN cho biết, đây vừa là quyền lợi, vừa là trách nhiệm của TCTD, khi đứng trước giao dịch xác định đúng hay không đúng. Tới đây, sẽ có nhiều buổi tập huấn hơn nữa để giúp TCTD hiểu đúng, thực hiện đúng, tránh những sai sót đáng tiếc có thể xảy ra trong giao dịch ngoại hối.
Trình bày những điểm quan trọng của Thông tư, đại diện Vụ Quản lý ngoại hối thông tin, Thông tư 12 gồm 8 chương, 52 điều.
Các nhóm quy định tại Thông tư 12 đó là Trang điện tử; chia tách, hợp nhất, sáp nhập bên đi vay; thủ tục đăng ký, đăng ký thay đổi khoản vay nước ngoài; xử lý khoản vay không đủ điều kiện xác nhận đăng ký, bị chấm dứt hiệu lực văn bản xác nhận đăng ký; tài khoản thực hiện khoản vay nước ngoài; bảo đảm cho khoản vay nước ngoài; trách nhiệm của các bên liên quan và báo cáo thống kê.
Cụ thể, về trang điện tử, đối tượng sử dụng gồm bên đi vay; công chức thuộc Vụ Quản lý ngoại hối, NHNN chi nhánh; các đơn vị thuộc NHNN được phân quyền khai thác số liệu vay, trả nợ nước ngoài.
Với bên đi vay, trình tự đăng ký, đăng ký thay đổi thông tin tài khoản truy cập sẽ là điền tờ khai đăng ký/đăng ký thay đổi thông tin trên Trang điện tử; in nộp tờ khai trực tiếp hoặc qua bưu chính đến NHNN chi nhánh; tờ khai được chi nhánh duyệt trong vòng 3 ngày làm việc kể từ ngày nhận được tờ khai và thực hiện cấp tài khoản.
Toàn cảnh buổi tập huấn |
So với Thông tư 03/2016/TT-NHNN, Thông tư 12 đã yêu cầu 100% bên đi vay phải mở tài khoản truy cập để thực hiện chế độ báo cáo; 100% tài khoản truy cập của bên đi vay do chi nhánh duyệt….
Ngoài ra, Điều 11 của Thông tư quy định, khoản vay phải thực hiện đăng ký với NHNN bao gồm: Khoản vay trung, dài hạn nước ngoài; khoản vay ngắn hạn được gia hạn thời gian trả nợ gốc mà tổng thời hạn của khoản vay là trên 1 năm; khoản vay ngắn hạn không có thỏa thuận gia hạn nhưng còn dư nợ gốc (bao gồm cả nợ lãi được nhập gốc) tại thời điểm tròn 1 năm kể từ ngày rút vốn đầu tiên, trừ trường hợp bên đi vay hoàn thành thanh toán dư nợ gốc nói trên trong thời gian 30 ngày làm việc kể từ thời điểm tròn 1 năm tính từ ngày rút vốn đầu tiên.
Đối với việc báo cáo tình hình thực hiện khoản vay nước ngoài, bên đi vay phải sử dụng trang điện tử để thực hiện chế độ báo cáo trực tuyến theo quy định tại Thông tư này.