Tấp nập cập nhật thông tin trước giờ “khóa sim”
Trong những ngày gần đây, dư luận rất quan tâm đến thông tin về việc các thuê bao điện thoại di động sẽ bị khoá từ ngày 31/3/2023 nếu thông tin cá nhân chưa trùng khớp với hệ thống Cơ sở Dữ liệu quốc gia về dân cư. Theo Cục Viễn thông, Bộ Thông tin và Truyền thông, đến ngày 31/3, tất cả các thuê bao sai thông tin phải được chuẩn hóa, nếu không thực hiện, sẽ bị khóa. Theo quy định tại Nghị định 49/2017/NĐ-CP, các thuê bao di động cần phải được cập nhật đầy đủ, chính xác thông tin cá nhân (họ và tên, CMND, ngày cấp và nơi cấp,…). Quy định này nhằm giúp bảo vệ quyền lợi của khách hàng sử dụng các dịch vụ viễn thông đồng thời hạn chế tình trạng SIM rác trên thị trường.
Theo đó, kể từ ngày 15/3/2023, các nhà mạng sẽ tiến hành nhắn tin thông báo đến thuê bao di động trên cả nước để yêu cầu kiểm tra và cập nhật lại thông tin cho đúng với dữ liệu quốc gia về dân cư. Số điện thoại sẽ bị khóa một chiều nếu không thực hiện chuẩn hóa thông tin sau 15 ngày nhận thông báo, dừng hai chiều nếu không thực hiện sau 15 ngày tiếp theo; 30 ngày sau đó, thuê bao không cập nhật sẽ bị chấm dứt hợp đồng.
Theo ghi nhận của phóng viên tại nhiều điểm giao dịch của các nhà mạng như Viettel, Vinaphone, MobiFone trên địa bàn Hà Nội, khách hàng đến cập nhật thông tin đông hơn những ngày trước đây cũng có rất nhiều các thuê bao đang sử dụng số điện thoại không chính chủ hoặc đăng ký dưới tên người khác hoang mang, lo lắng. Anh Nguyễn Đức Thắng (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, ngay từ hôm qua, 15/3/2023, cả 2 số anh đang dùng của nhà mạng Viettel và Vinaphone đều nhắn tin thông báo về tình trạng thông tin thuê bao chưa trùng khớp với Cơ sở Dữ liệu quốc gia về dân cư. Theo nội dung tin nhắn, để thuê bao không bị tạm ngừng dịch vụ, anh phải cập nhật thông tin trước ngày 25/3/2023. Theo anh Thắng, cả 2 số anh mua từ nhiều năm trước đều đăng ký dưới tên người khác mà anh cũng không biết họ là ai và hiện chưa thay đổi thông tin chính chủ. Trước đây các nhà mạng cũng đã thông báo về việc này, yêu cầu người dùng phải đăng ký chính chủ, cập nhật các loại thông tin cần thiết... Do đó, anh Thắng rất lo lắng không biết có thể làm được thủ tục chính chủ lại theo CCCD của mình hay không.
Tuy nhiên trên thực tế việc đăng ký là khá đơn giản. Tại điểm giao dịch của Vinaphone, 49 Nguyễn Thái Học, Ba Đình, Hà Nội, chị Trần Thị Thu (Ba Đình) chia sẻ, chị đã mua và sử dụng số điện thoại hơn 10 năm, do vẫn sử dụng bình thường nên chưa có nhu cầu đi cập nhật thông tin. Sáng ngày 15/3, ngay sau khi nhận được tin nhắn của nhà mạng Vinaphone về tình trạng thông tin thuê bao chưa trùng khớp với Cơ sở Dữ liệu quốc gia về dân cư, chị gọi điện cho tổng đài để tra cứu về thông tin thuê bao thì mới biết thuê bao mình đang dùng được đăng ký dưới tên người khác nhưng thông tin còn thiếu. Để cập nhật thông tin chính chủ chị cần ra điểm giao dịch/đại lý điểm bán của nhà mạng. Ngay sau đó chị đã đến điểm giao dịch của Vinaphone tại 49 Nguyễn Thái Học, Ba Đình, Hà Nội và được nhân viên đăng ký theo CCCD mới. Chị Thu cho biết, thủ tục sang tên chính chủ khá thuận lợi và nhanh chóng, nhân viên điểm giao dịch cập nhật thông tin trên CCCD và chụp ảnh chân dung của chị, sau đó xác minh bằng mã OTP gửi về số điện thoại là xong.
Thực tế rất nhiều khách hàng trước đây mua sim từ các cửa hàng và đã được kích hoạt sẵn, đăng ký dưới tên của đại lý nên cũng không để ý đến việc cập nhật thông tin chính chủ và sử dụng bình thường. Tuy nhiên với quy định mới này buộc các thông tin thuê bao chưa trùng khớp với Cơ sở Dữ liệu quốc gia về dân cư phải cập nhật thông tin mới. Hiện Vinaphone cũng hỗ trợ cho khách hàng sang tên và cập nhật thông tin qua nhiều hình thức, như cập nhật tại các đại lý, điểm giao dịch, trên ứng dụng của nhà mạng hay trên trang web... Đối với những thuê bao chưa chính chủ mà được đăng ký từ đại lý hoặc sim số đẹp thì khách hàng không tự cập nhật trên app được mà phải mang CCCD đến trực tiếp điểm giao dịch để nhân viên làm các thủ tục sang tên và cập nhật thông tin mới.
Để hỗ trợ khách hàng, các nhà mạng lớn cho biết sẽ hỗ trợ khách hàng cập nhật thông tin qua ứng dụng, trang web và tại hệ thống cửa hàng trên toàn quốc. Đại diện Viettel cho biết, thực hiện chỉ đạo của cơ quan quản lý, từ 17/3 đến 31/3, Viettel sẽ thực hiện chặn 1 chiều với các thuê bao chưa đi chuẩn hoá thông tin. Để biết thông tin thuê bao đã chính xác chưa, khách hàng Viettel chỉ cần soạn tin nhắn TTTB gửi 1414, tra cứu ngay trên ứng dụng MyViettel hoặc liên hệ tổng đài giải đáp miễn phí 198. Nhằm hỗ trợ người dân tuân thủ quy định của các cơ quan quản lý Nhà nước, Tổng Công ty Viễn thông Viettel đã triển khai 3 cách thức giúp người dân cập nhật dễ dàng thông tin thuê bao như sau: thứ nhất, khách hàng đến điểm giao dịch/đại lý điểm bán gần nhất có đủ điều kiện tiếp nhận chuẩn hóa thông tin thuê bao để được hỗ trợ trực tiếp. Hiện tại Viettel có hơn 30.000 điểm có thể thực hiện nghiệp vụ này trên toàn quốc; Thứ 2, khách hàng thao tác cập nhật thông tin thuê bao ngay trên điện thoại bằng cách tải app MyViettel và làm theo hướng dẫn; Thứ 3, khách hàng thực hiện xác nhận bổ sung thông tin trên website của Viettel tại địa chỉ: http://viettel.vn.
Cung cấp thông tin thuê bao chính xác là quyền và nghĩa vụ của mọi người dân. Các thuê bao có thông tin chưa trùng khớp với Cở sở Dữ liệu quốc gia về dân cư có thể gặp khó khăn khi phát sinh nhu cầu thực hiện các giao dịch hành chính. Do đó, để bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình; hạn chế tình trạng tranh chấp số, đặc biệt với những sim số đẹp khi thuê bao không đăng ký thông tin chính chủ đồng thời loại bỏ SIM rác, từ đó hạn chế tình trạng tin nhắn rác/cuộc gọi rác; tin nhắn/cuộc gọi lừa đảo, trong trường hợp phát hiện thông tin thuê bao của mình không đúng hoặc khi nhận được thông báo của doanh nghiệp viễn thông về thông tin thuê bao có sai sót, công dân có trách nhiệm cập nhật lại thông tin thuê bao theo đúng quy định. |