Thách thức và cơ hội cho ngành chế biến thực phẩm
Bất chấp đại dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia trên thế giới, nhưng kim ngạch xuất khẩu nông, thủy, hải sản năm 2020 dự kiến vẫn tăng 1,6% so với năm trước, đạt hơn 30 tỷ USD. Dù vậy, vẫn còn nhiều khó khăn đối với ngành chế biến thực phẩm khi chuỗi cung ứng nguyên liệu bị đứt gãy, hàng hóa và dòng vốn đều thiếu hụt hoặc dồn ứ tại kho… Đó là nhận định của các chuyên gia kinh tế tại Hội nghị quốc tế ngành thực phẩm Việt Nam (Vietnam Food Forum 2020) với chủ đề “Tương lai ngành thực phẩm - Thách thức và cơ hội” do Bộ Công thương tổ chức ở TP.HCM.
Việt Nam cần công nghệ chế biến thực phẩm hiện đại |
Ông Đỗ Thắng Hải - Thứ trưởng Bộ Công thương khẳng định, nhiều năm nay thực phẩm luôn là một trong những ngành kinh tế quan trọng và còn nhiều tiềm năng phát triển của Việt Nam. Các sản phẩm thực phẩm Việt Nam không chỉ đáp ứng nhu cầu thị trường nội địa mà còn thành công khi giữ vị thế cao trên bản đồ xuất khẩu thế giới. Việt Nam đang dần trở thành nguồn cung quan trọng, phong phú các sản phẩm nông sản, thực phẩm cho nhiều quốc gia trên thế giới. Các sản phẩm chế biến như cà phê Trung Nguyên (Tập đoàn Trung Nguyên) được ưa chuộng tại Hàn Quốc, phở Vifon (Công ty cổ phần Kỹ nghệ thực phẩm Việt Nam) được người tiêu dùng Thái Lan yêu thích, hay tiêu xanh sấy lạnh của Tập đoàn Phúc Sinh được xuất khẩu rộng rãi ở EU…
Tuy nhiên theo lãnh đạo Bộ Công thương, đại dịch Covid-19 đã gây ra cú sốc với nhiều xáo trộn, khiến ngành thực phẩm Việt Nam chịu tác động lớn. Cụ thể, chuỗi cung ứng nguyên liệu bị đứt gãy, tiêu thụ trong nước sụt giảm, đơn hàng xuất khẩu bị hủy bỏ hoặc giảm đáng kể; hoạt động logistics, vận tải hàng hóa bị đình trệ, ùn tắc tại các cảng; hàng hóa và dòng vốn đều thiếu hụt hoặc dồn ứ tại kho… Bên cạnh đó, những thay đổi về hành vi của người tiêu dùng cũng ảnh hưởng trái chiều lên DN thực phẩm Việt Nam, đòi hỏi DN cần có chiến lược thay đổi và ứng phó thích hợp.
Giải thích thêm về những thay đổi, bà Nguyễn Hương Quỳnh - Chủ tịch Công ty tư vấn kinh doanh The Blue Ocean cho biết, khi dịch xảy ra, đã có những bước thay đổi của hành vi tiêu dùng như bùng nổ giao thức ăn trực tuyến, mua sắm trực tuyến; người tiêu dùng cũng ưu tiên chọn lựa các loại thực phẩm giúp họ chế biến dễ dàng và có giá thành hợp lý hơn. Đặc biệt, nhiều người tiêu dùng có xu hướng chọn mua sản phẩm nội địa, địa phương vì cảm thấy an toàn hơn… Những thay đổi này đặt DN thực phẩm phải có sự chuyển hướng nhanh chóng để vực dậy sau Covid-19. Ngoài yếu tố ứng dụng số hóa trong kinh doanh, làm thương hiệu mạnh mẽ hơn, DN nên chú trọng nâng cao trải nghiệm khách hàng; sản xuất những loại thực phẩm tăng cường sức đề kháng và hệ miễn dịch, các thực phẩm có nguồn gốc tự nhiên, hữu cơ, thực phẩm sạch…
Về cơ hội cho DN ngành chế biến thực phẩm Việt Nam, bà Mary NG - Bộ trưởng Bộ Thương mại quốc tế, Xúc tiến xuất khẩu và Doanh nghiệp nhỏ Canada cho biết, kim ngạch xuất khẩu hai chiều Việt Nam - Canada đạt 25 tỷ USD/năm và duy trì tốc độ tăng trưởng 25%/năm. Các ngành chế biến lương thực thực phẩm Việt Nam sẽ có cơ hội lớn hơn để mở rộng thị phần tại Canada do người tiêu dùng ưa chuộng sản phẩm của Việt Nam. Tuy nhiên, để có thể gia nhập thị trường Canada nói riêng và thị trường khó tính trên thế giới nói chung một cách bền vững, về phía DN xuất khẩu phải chuẩn hóa quy trình sản xuất, đảm bảo tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm ngay từ khâu trồng trọt, chăn nuôi đến thu hoạch, chế biến, đóng gói, vận chuyển đến tận tay người tiêu dùng. Đặc biệt, phải ứng dụng công nghệ số hóa để đáp ứng yêu cầu truy xuất nguồn gốc, minh bạch thông tin sản phẩm của người tiêu dùng.
Theo các chuyên gia kinh tế, việc Việt Nam tham gia các Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới đã mở ra rất nhiều cơ hội cho DN ngành thực phẩm phát triển, tăng cơ hội xuất khẩu. Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương) cũng cho rằng DN phải nắm bắt những cơ hội này qua thay đổi phương thức kinh doanh, tiếp cận khách hàng; sản xuất theo hướng minh bạch hóa, đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm toàn cầu để sản phẩm được hưởng lợi về thuế quan cũng như đáp ứng các quy tắc xuất xứ theo cam kết của FTA...
Cục Xúc tiến thương mại cho biết Hội nghị Quốc tế ngành thực phẩm Việt Nam đã giúp DN ngành thực phẩm được hỗ trợ kịp thời, có cơ hội tiếp cận các sản phẩm phù hợp với xu thế mới của thị trường thực phẩm trong và ngoài nước, các thành tựu đổi mới về khoa học công nghệ bảo quản, chế biến thực phẩm; tạo môi trường xúc tiến thương mại thuận lợi cho việc tiếp cận, gặp gỡ trực tiếp các đối tác tiềm năng để quảng bá thương hiệu, mở rộng thị trường. |