Thành lập Trung tâm Thiết kế vi mạch và trí tuệ nhân tạo đầu tiên ở Việt Nam
Ngày 26/1/2024, UBND TP. Đà Nẵng đã tổ chức công bố quyết định thành lập Trung tâm Thiết kế vi mạch và trí tuệ nhân tạo (DSAC). Tại lễ công bố, ông Lê Hoàng Phúc được bổ nhiệm làm Giám đốc DSAC. Trung tâm có bộ máy tinh gọn gồm: Ban giám đốc và 2 phòng chuyên môn (Phòng Hành chính và đào tạo; Phòng Nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế).
Trung tâm DSAC có 3 chức năng chính gồm: đào tạo, bồi dưỡng lĩnh vực thiết kế vi mạch, bán dẫn và trí tuệ nhân tạo; hỗ trợ thu hút đầu tư trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn và trí tuệ nhân tạo; liên kết, hợp tác với các đối tác trong và ngoài nước hỗ trợ, thúc đẩy hoạt động nghiên cứu, ươm tạo các doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực thiết kế vi mạch, bán dẫn và trí tuệ nhân tạo.
Trung tâm Thiết kế vi mạch và trí tuệ nhân tạo đầu tiên ở Việt Nam đã được thành lập ở Đà Nẵng. |
Trước mắt, trung tâm sẽ tập trung hoàn thiện khung pháp lý về cơ cấu tổ chức hoạt động, đề án vị trí việc làm, củng cố kiện toàn bộ máy nhân sự và cơ sở vật chất; đề xuất dự thảo cơ chế chính sách phát triển lĩnh vực vi mạch, trí tuệ nhân tạo TP.Đà Nẵng; triển khai hoạt động đào tạo, bồi dưỡng; hoạt động hợp tác quốc tế, hỗ trợ các doanh nghiệp. Từ năm 2025 trở đi, sẽ xây dựng lộ trình hợp tác với các đối tác để triển khai bồi dưỡng các lớp chuyên sâu công nghệ lõi qua đó từng bước hình thành các doanh nghiệp start-ups, spin-off trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn và trí tuệ nhân tạo ở địa phương...
Việc thành lập Trung tâm DSAC là một trong những hoạt động cụ thể hóa quyết tâm chính trị của Đà Nẵng trong thực thi nhiệm vụ cấp bách, chiến lược phát triển lĩnh vực thiết kế vi mạch và trí tuệ nhân tạo của thành phố. Phát biểu tại lễ công bố thành lập DSAC, ông Lê Trung Chinh, Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng cho biết, việc khẩn trương hình thành hệ thống các chính sách đi cùng và bộ máy chuyên trách để tận dụng được các cơ hội lớn trong phát triển lĩnh vực vi mạch, bán dẫn, trí tuệ nhân tạo mở ra trong bối cảnh hiện nay được lãnh đạo thành phố xác định như là một nhiệm vụ vừa cấp bách, vừa có tính chiến lược, lâu dài đối với Đà Nẵng.
Đà Nẵng có bước đi mạnh mẽ trong việc chuẩn bị cho việc đón làn sóng đầu tư phát triển ngành thiết kế vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo. |
Để Trung tâm DSAC phát triển, ông Lê Trung Chinh đề nghị Sở Thông tin và Truyền thông chỉ đạo, hướng dẫn DSAC nhanh chóng hoàn thiện khung pháp lý về cơ cấu tổ chức hoạt động, đề án vị trí việc làm, củng cố kiện toàn bộ máy nhân sự và cơ sở vật chất cho DSAC ngay trong tháng 2/2024. Đồng thời, xây dựng lộ trình đầu tư Khu công viên phần mềm số 2, phấn đấu đưa vào sử dụng trong quý II/2024; đầu tư cơ sở hạ tầng công nghệ cho DSAC đáp ứng yêu cầu về đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu thiết kế vi mạch và trí tuệ nhân tạo.
Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng cũng yêu cầu, các cơ quan chức năng khẩn trương tham mưu thành phố dự thảo cơ chế chính sách phát triển lĩnh vực vi mạch, trí tuệ nhân tạo TP. Đà Nẵng như: Đề án ‘Phát triển chip bán dẫn và vi mạch của thành phố Đà Nẵng’, Nghị quyết của HĐND thành phố về các cơ chế chính sách cho đào tạo phát triển nguồn nhân lực, thu hút chuyên gia có nhiều kinh nghiệm về địa phương làm việc; nội dung chính sách phát triển lĩnh vực vi mạch, trí tuệ nhân tạo Đà Nẵng trong Nghị quyết Quốc hội về cơ chế đặc thù TP. Đà Nẵng.
Phát biểu tại buổi lễ công bố quyết định thành lập Trung tâm Thiết kế vi mạch và trí tuệ nhân tạo đầu tiên trong cả nước, ông Nguyễn Huy Dũng, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, công nghiệp bán dẫn là một lĩnh vực công nghệ và kỹ thuật phức tạp, đòi hỏi kết nối toàn cầu hết sức chặt chẽ. Bởi vậy, sự hợp tác và tín nhiệm giữa Việt Nam và các đối tác quốc tế là yếu tố quan trọng. Điều đáng mừng là chúng ta đang có nhiều mối quan hệ chiến lược toàn diện với các cường quốc bán dẫn và cường quốc bán dẫn mới nổi trên thế giới.
Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2030 có khoảng 50 nghìn kỹ sư thiết kế chip, 200 nghìn kỹ sư điện tử về bán dẫn. |
Ông Nguyễn Huy Dũng cũng chúc mừng Đà Nẵng có bước đi mạnh mẽ trong việc chuẩn bị cho việc đón làn sóng đầu tư phát triển ngành thiết kế vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo. Đà Nẵng là địa phương đầu tiên thành lập trung tâm thiết kế vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo. Với những quyết tâm hành động cụ thể của Đà Nẵng, Bộ Thông tin và Truyền thông Bộ cam kết sẽ đồng hành cùng thành phố cũng như DSAC. Đồng thời mong muốn trung tâm sẽ sớm có các hoạt động cụ thể thúc đẩy kinh tế số, kinh tế xã hội của địa phương.
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cũng thông tin thêm, Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2030 có khoảng 50 nghìn kỹ sư thiết kế chip, 200 nghìn kỹ sư điện tử về bán dẫn, 500 nghìn công nhân làm việc trong lĩnh vực công nghiệp bán dẫn. Việt Nam chọn 5 cơ sở đào tạo trọng điểm về nhân lực bán dẫn, bao gồm Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học FPT, Đại học Bách khoa Đà Nẵng.
Xây dựng, phát triển Mạng lưới Trung tâm nghiên cứu thiết kế và chế tạo bán dẫn quốc gia đến năm 2030 gồm 3 Trung tâm đặt tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và Đà Nẵng phù hợp với thế mạnh và đặc thù từng vùng, đưa vào hoạt động muộn nhất vào năm 2025.