Thanh toán phi tiền mặt nhìn từ đô thị thông minh
Thúc đẩy thanh toán phi tiền mặt trong ngành giáo dục | |
Khách hàng hưởng lợi khi ngân hàng nâng cấp công nghệ |
Giới trẻ đô thị sử dụng quẹt mã QR thanh toán mua hàng hóa ở siêu thị nhiều hơn tiền mặt |
Quẹt mã thanh toán dịch vụ hàng ngày
Theo NHNN chi nhánh TP.HCM, do các cơ quan ban ngành của thành phố đã vào cuộc từ nhiều năm nay nên đến nay việc thanh toán không dùng tiền mặt đối với một số dịch vụ công đã đạt được những bước phát triển sớm hơn so với các tỉnh thành phố khác.
Chẳng hạn, ngành điện và nước đã triển khai thu tiền qua hệ thống ngân hàng 15 năm nay, nên đến nay có đến 90% số hộ gia đình thực hiện thanh toán các dịch vụ này qua kênh trực tuyến. Trong ngành giáo dục hiện nay cũng đã hình thành thẻ học đường SSC, người dân có tài khoản ngân hàng, ví điện tử đều có thể đấu nối trực tiếp thanh toán học phí phi tiền mặt 100% với các trường THPT và hệ thống các cơ sở trực thuộc Sở GD-ĐT.
Bên cạnh đó, ngành y tế trong năm 2019 cũng đã triển khai thanh toán phi tiền mặt đến tận các trung tâm y tế phường. Ở các quận trung tâm và các bệnh viện quận, huyện cũng đã chấp nhận thanh toán thẻ ngân hàng thông qua POS. Đặc biệt, một số bệnh viện đã đạt tiêu chuẩn bệnh viện thông minh, trong đó có thanh toán phi tiền mặt theo quy chuẩn của Bộ Y tế như: Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM; một số bệnh viện đã áp dụng thanh toán di động bằng phương thức quét mã QR, gồm Bệnh viện Nhi đồng 1, Bệnh viện Da Liễu…
Việc các dịch vụ công thiết yếu như điện, nước, y tế, giáo dục nhanh chóng áp dụng được những phương thức thanh toán phi tiền mặt bằng quét mã QR, thẻ ngân hàng, là do các đơn vị đầu mối như công ty điện lực, công ty nước, cơ quan quản lý giáo dục, y tế ở TP.HCM đã đồng hành với các TCTD để xây dựng nên kho dữ liệu dân cư sử dụng dịch vụ công để tạo điều kiện cho các ngân hàng, ví điện tử kết nối thanh toán dịch vụ công.
Không chỉ những dịch vụ thiết yếu áp dụng thanh toán phi tiền mặt kể trên, trong hơn một năm trở lại đây, các dịch vụ thu phí thường xuyên: dịch vụ thu phí đậu xe ô tô ở các tuyến đường trung tâm TP.HCM, thu phí xe container ra vào cảng Cát Lái… cũng đã áp dụng hình thức này. Ngoài ra, các dịch vụ khai hồ sơ thuế, đăng ký chuyển nhượng nhà đất, đăng ký kinh doanh, đăng ký thuế môn bài ở chợ… cũng thực hiện thanh toán bằng ví điện tử, thẻ ngân hàng.
Hứa hẹn thị trường thanh toán của 13 triệu dân
TP.HCM có 13 triệu dân, với khoảng hơn 200 siêu thị, 45 trung tâm thương mại, hơn 230 chợ cùng hàng triệu quán ăn, nhà hàng, quán cà phê… Tổng mức bán lẻ hàng hóa dịch vụ tiêu dùng bình quân mỗi năm trên 1 triệu tỷ đồng và năm sau luôn tăng cao hơn năm trước. Có thể nói đó chính là thị trường đầy tiềm năng cho các ngân hàng và công ty công nghệ tài chính khai thác.
Chưa kể, các ngân hàng còn có cơ hội mở rộng dịch vụ thanh toán vào lĩnh vực du lịch, khi hàng năm thành phố thu hút một lượng lớn khách du lịch trong nước và quốc tế thường xuyên qua lại, với 1.926 khách sạn (công suất phòng bình quân của hệ thống khách sạn đạt 70,7%).
Cùng với đó, với 8,1 triệu xe máy, hơn 800.000 xe ô tô, nhu cầu thanh toán tiền xăng, tiền sửa chữa, bảo dưỡng hàng ngày rất lớn và với khoảng 2600 xe buýt hoạt động thì việc ứng dụng thẻ điện tử để thanh toán vé cũng sẽ rất tiềm năng. Do là thành phố có lượng dân nhập cư lớn nhất nước, hàng năm TP.HCM còn phải đáp ứng một lượng lớn dân nhập cư mua vé tàu, xe, máy bay đi và trở về thành phố. Số liệu 10 tháng 2019, doanh thu từ vận tải hành khách của thành phố đạt 21.440 tỷ đồng tăng 7% so với cùng kỳ năm 2018.
Theo thống kê của NHNN chi nhánh TP.HCM, do đặc điểm là một trung tâm kinh tế lớn của cả nước nên TP.HCM hội tụ khoảng 100 thương hiệu tổ chức tín dụng với nhiều loại hình khác nhau từ ngân hàng thương mại, công ty tài chính, đến công ty fintech. Các dịch vụ tài chính ngân hàng cơ bản cung cấp rộng khắp các quận huyện phường xã như: giao dịch tiền gửi, cho vay cá nhân, cho vay tiêu dùng, sản phẩm thẻ, chuyển tiền, dịch vụ ngân hàng điện tử, ví điện tử, bảo hiểm...
Cụ thể như: Visa vừa qua đã ký kết hợp tác với Sở GTVT TP.HCM phát triển giao thông thông minh, trong đó cung cấp dịch vụ thanh toán di động phi tiếp xúc thông qua các thiết bị thông minh. Theo kế hoạch của ngành giao thông thành phố, vào tháng 3/2020 sẽ thí điểm vận hành giao thông thông minh với Visa và tháng 9/2020 sẽ triển khai chính thức ở một số tuyến giao thông thông minh, hứa hẹn sẽ thu hút lưu lượng nhiều người tham gia.
Mặc dù thị trường cho dịch vụ tài chính - ngân hàng rất lớn và trong những năm qua tỷ lệ tăng rất nhanh về phát triển mở rộng các công cụ thanh toán không dùng tiền mặt, nhưng số lượng giao dịch phi tiền mặt vẫn còn rất thấp.
Đơn cử, hệ thống hơn 800 siêu thị, trung tâm thương mại của Sài Gòn Co.op nối dài ra cả nước, đang đón tiếp mỗi ngày hơn 1 triệu lượt khách tham quan mua sắm. Tuy nhiên theo ông Nguyễn Anh Đức - Phó tổng giám đốc Sài Gòn Co.op, tỷ trọng thanh toán phi tiền mặt đến 2019 mới chỉ đạt khoảng 3% tổng số lượng giao dịch thanh toán của toàn hệ thống Sài Gòn Co.op.
Để đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, thời gian qua Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM đã phối hợp với VietinBank xây dựng một thẻ bệnh án điện tử phát hành tích hợp công cụ thanh toán cho người bệnh mỗi khi đến khám chữa bệnh. Trên mỗi tấm thẻ bệnh án điện tử có chuỗi mã số người bệnh, chỉ cần đọc dãy số trên thẻ cho người nhà ở bên ngoài bệnh viện là đã có thể chuyển tiền bằng các phương thức khác nhau cho bệnh viện để thanh toán cho bệnh nhân. Theo đó, sẽ phân tán được lượng người đứng xếp hàng chờ đóng tiền hoặc những người chưa quen sử dụng thanh toán phi tiền mặt. Hệ thống trừ nợ của bệnh viện hoàn toàn tự động. Đến ngày xuất viện, nếu còn thừa tiền trong thẻ bệnh án điện tử, người bệnh hoặc thân nhân có thể rút tiền mặt hoặc chuyển khoản số tiền thừa trên tại ATM. Khi thanh toán viện phí bằng các công cụ thẻ ngân hàng, ví điện tử… hóa đơn điện tử xuất ra cũng nhanh chóng và minh bạch trong hoạt động tài chính của bệnh viện. Theo Phòng Công nghệ thông tin Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM, mặc dù tỷ lệ thanh toán phi tiền mặt mới chỉ đạt khoảng 35-40% tổng lượng thanh toán của bệnh viện, nhưng bình quân mỗi năm cũng đã tiết giảm được tiền in hóa đơn giấy khoảng hơn 300 triệu đồng, chưa kể các lợi ích không thể đong đếm được ngay như tiết kiệm thời gian chờ đợi cho bệnh nhân và thân nhân. |