Thanh toán qua ngân hàng hạn chế rủi ro
PGS.-TS. Lý Hoàng Ánh, Hiệu trưởng Trường Đại học Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh |
Ông đánh giá thế nào về tốc độ phát triển của TMĐT thời gian qua?
Thời gian gần đây, tại Việt Nam, hình thức TMĐT đã phát triển khá nhanh chóng, nhưng so với nhiều nước trên thế giới, Việt Nam vẫn là quốc gia đi sau. Nhất là về hành lang pháp lý, sự đồng bộ, chặt chẽ trong khâu quản lý, trình độ công nghệ, kỹ thuật… Thậm chí, ngay cả các loại hình dịch vụ và phương thức thanh toán liên quan đến TMĐT tại Việt Nam cũng mới ở giai đoạn sơ khai, tự phát.
Theo định nghĩa, TMĐT là sự mua bán sản phẩm, dịch vụ trên các hệ thống điện tử như mobile, internet và các mạng máy tính dựa trên một số công nghệ như hệ thống thu thập dữ liệu tự động, giao dịch trực tuyến, chuyển tiền điện tử…
Như vậy, khía cạnh thanh toán điện tử là yếu tố quan trọng và không thể thiếu đối với TMĐT. Song thực tế tại Việt Nam, các giao dịch mua bán hàng hóa, sử dụng dịch vụ qua mạng vẫn được chi trả qua hình thức tiền mặt là chủ yếu.
Gần đây, việc phát triển tài khoản cá nhân và DN được nhiều ngân hàng đẩy mạnh. Điều này có hỗ trợ gì cho TMĐT, thưa ông?
Trên thực tế, muốn giao dịch, chuyển tiền cho đối tác, thu lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh trên mạng thông qua ngân hàng đòi hỏi cả người bán và người mua phải có tài khoản tại ngân hàng. Mà muốn có tài khoản tại ngân hàng bắt buộc tổ chức, cá nhân đều phải thông qua khâu đăng ký với thông tin đầy đủ, rõ ràng.
Chính vì vậy, khi thanh toán rất dễ dàng kiểm soát về tư cách pháp nhân, giao dịch kinh doanh hàng ngày, hàng giờ cũng như có thể biết rõ nguồn tiền chuyển đi chuyển đến, lợi nhuận như nào. Nên khi có xảy ra tranh chấp, rất dễ để cơ quan tham gia vào cuộc.
Thời gian gần đây, có nhiều thông tin về việc thất thu thuế đối với tổ chức, cá nhân kinh doanh TMĐT thì việc thanh toán qua ngân hàng cũng có thể giúp hạn chế vấn đề này do tài khoản đã được quản lý một cách minh bạch rõ ràng, làm căn cứ tính thuế và thu thuế.
Nhưng theo phản ánh của người mua, việc dùng tiền mặt chi trả sẽ giúp họ hạn chế bớt được việc khó lấy lại tiền khi hàng hóa không đảm bảo chất lượng?
Vấn đề ở đây không phải đăng ký mua hàng trên mạng rồi lại lo trả lại vì hàng hóa không đảm bảo chất lượng, đúng như hình ảnh, quảng bá trên mạng. Mấu chốt chính là ở chỗ phải kiểm soát chặt chẽ ngay từ đầu trong khâu cấp phép để khách hàng khi tham gia TMĐT không gặp phải những tình huống trên.
Khác biệt ở chỗ, thay vì chỉ có những DN uy tín, có tên tuổi, sản phẩm, dịch vụ đảm bảo đã được kiểm chứng trên thị trường mới có đủ tư cách cung cấp ra thị trường thì hiện nay các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động TMĐT tại Việt Nam lại khá bát nháo, thậm chí không cần công ty, không cần đăng ký kinh doanh vẫn có thể bán hàng qua mạng.
Vì vậy, nếu không thể kiểm soát, siết chặt ngay từ khâu đầu vào thì có thể coi việc bắt buộc thanh toán qua ngân hàng sẽ giúp TMĐT hạn chế bớt được những rủi ro cũng như đưa lĩnh vực này trở thành đóng góp quan trọng cho nền kinh tế, thương mại của đất nước.
Để quy chuẩn lại hoạt động TMĐT, theo ông nên bắt đầu từ đâu?
Trước tiên, với đăng ký kinh doanh TMĐT cần có quy định rõ ràng các DN phải đảm bảo thanh toán. Hoặc, chỉ cho phép khách hàng tham gia TMĐT thanh toán trực tuyến hoặc chuyển khoản qua ngân hàng với những giao dịch với số tiền có giá trị lớn từ vài triệu đồng trở lên. Sau đó, có thể dần tiến tới thanh toán chuyển khoản 100%.
Tiếp đến là tuyên truyền, nâng cao ý thức cộng đồng của DN và khách hàng về vấn đề này, đặc biệt là việc thực hiện đúng quyền hạn và nghĩa vụ của DN, tổ chức về thuế, trách nhiệm xã hội. Bên cạnh đó, có thể tổ chức hình thức TMĐT thông qua các sàn giao dịch TMĐT, các cổng thông tin giao dịch TMĐT để quy hoạt động này về một đầu mối, giúp dễ kiểm soát…
Xin cảm ơn ông!
Phương Nam thực hiện