Tháo gỡ điểm nghẽn thể chế, thúc đẩy đổi mới sáng tạo
Thúc đẩy ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo trong sản xuất nông nghiệp Cần có cơ chế mới thúc đẩy đổi mới sáng tạo |
Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê năm 2022, hiện Việt Nam có khoảng hơn 1 triệu doanh nghiệp đang hoạt động; khoảng gần 8 triệu hộ kinh doanh. Trong đó, doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm khoảng 97%. Đây là kết quả của việc môi trường kinh doanh Việt Nam liên tục được cải thiện, nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư, phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh, cùng với hàng triệu hộ kinh doanh có đủ điều kiện nâng lên thành doanh nghiệp...
Theo Báo cáo Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (Global Innovation Index - GII) năm 2021 của Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO), Việt Nam xếp thứ hạng 44/132 trên thế giới và đứng thứ 4 trong khối ASEAN. Với những nỗ lực không ngừng, thứ hạng của Việt Nam hiện đã tăng nhiều so với giai đoạn 2014-2016.
Mặc dù vậy, mức độ đầu tư cho đổi mới sáng tạo ở Việt Nam vẫn còn thấp hơn các nước trong khu vực. Tỷ lệ chi cho khoa học công nghệ bao gồm cả khu vực Nhà nước và tư nhân chỉ khoảng 0,44% GDP, đứng sau Singapore (2,22%), Malaysia (1,44%), Thái Lan (0,78%)...
Mức độ đầu tư cho ĐMST ở Việt Nam vẫn còn thấp hơn các nước trong khu vực |
Một cuộc khảo sát của Bộ Khoa học và Công nghệ cũng cho thấy, phần lớn các doanh nghiệp thực hiện đổi mới sáng tạo thông qua việc "đầu tư vào công nghệ mới được gắn liền với hàng hóa, máy móc, thiết bị" hoặc "nâng cấp, chỉnh sửa công nghệ, thiết bị hiện tại" chiếm 39,3% mà ít đầu tư cho nghiên cứu và phát triển.
Theo đó, các doanh nghiệp Việt chi 1,6% doanh thu hằng năm cho hoạt động nghiên cứu và phát triển, thấp hơn nhiều nước trong khu vực như: Lào (14,5%), Philippines (3,6%), Malaysia (2,6%)… Khoảng 80% doanh nghiệp cho biết chưa có hợp tác với đơn vị/tổ chức khác để thực hiện các hoạt động đổi mới sáng tạo.
Theo TS. Nguyễn Thị Thùy Dung, Học viện Chính trị khu vực I, Việt Nam đã có khá nhiều cơ chế, chính sách, cũng như xây dựng được bộ máy quản lý và cơ chế vận hành thúc đẩy đổi mới sáng tạo ở doanh nghiệp. Tuy nhiên, thể chế để thúc đẩy vấn đề này vẫn còn một số bất cập, hạn chế. Theo đó, hệ thống chính sách, pháp luật về đổi mới sáng tạo ở doanh nghiệp còn chưa đồng bộ, chậm được hoàn thiện. Chẳng hạn như các quy định pháp luật đã ban hành hướng dẫn nội dung chi cho hoạt động đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp mới chỉ tập trung cho hoạt động nghiên cứu và phát triển mà chưa đáp ứng các nhu cầu trong hoạt động đổi mới sáng tạo, chưa có nội dung chi cho đổi mới quy trình quản trị…
Đối với các hoạt động chuyển giao công nghệ, mua bí quyết công nghệ… gặp rất nhiều khó khăn khi thực hiện các quy định của Luật Đấu thầu đối với việc mua sắm tài sản, vì mua sắm liên quan đến công nghệ có sự khác biệt so với việc mua sắm các hàng hóa thông thường khác. Cùng với đó, mục đích của Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia là nhằm hỗ trợ đổi mới sáng tạo trong khu vực doanh nghiệp, nhưng trong quá trình thực hiện, do các quy định về tài chính có những điều khoản khiến việc vận hành quỹ này gặp một số khó khăn nhất định. Không chỉ vậy, mà nhiều cơ chế, chính sách khác để hỗ trợ đổi mới sáng tạo cũng gặp khó khăn khi thực hiện.
Cùng với đó, bộ máy quản lý và cơ chế vận hành thúc đẩy đổi mới sáng tạo còn phân tán với nhiều bên tham gia, đôi khi không có sự phối hợp, điều phối và thậm chí còn cạnh tranh với nhau, dễ dẫn đến khả năng trùng lặp và lãng phí nguồn lực. Việc xây dựng và thực thi chính sách cũng còn đang thiếu sự tham vấn của khu vực tư nhân và quy trình phản hồi có hệ thống để có thể thiết kế chính sách đổi mới sáng tạo sát thực hơn.
Nhằm hoàn thiện thể chế thúc đẩy đổi mới sáng tạo ở doanh nghiệp Việt trong thời gian tới, TS. Nguyễn Thị Thùy Dung cho rằng, cần tiếp tục đổi mới tư duy về xây dựng thể chế theo hướng tạo môi trường thuận lợi và huy động sự tham gia của toàn xã hội cho khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Các chính sách, chương trình, dự án… về đổi mới sáng tạo cần phải phù hợp với các chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, chính sách giáo dục, đào tạo đại học…
Bên cạnh đó là hoàn thiện chính sách, pháp luật về đổi mới sáng tạo ở doanh nghiệp; chú trọng xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội, thúc đẩy ứng dụng, chuyển giao công nghệ. Thực hiện cơ chế thử nghiệm chính sách mới, vượt trội để thúc đẩy triển khai và ứng dụng công nghệ mới, đổi mới sáng tạo, mô hình kinh doanh mới dựa trên công nghệ.
Xây dựng, ban hành cơ chế, quy chế phối hợp giữa cơ quan đầu mối quản lý nhà nước về đổi mới sáng tạo. Đẩy mạnh huy động nguồn lực đầu tư cho khoa học và công nghệ và đổi mới sáng tạo; Nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia, lấy doanh nghiệp làm trung tâm; phát triển mô hình kinh doanh mới; nâng cao năng lực đổi mới, hấp thụ và làm chủ công nghệ của doanh nghiệp; tập trung phát triển công nghệ cao, công nghệ chủ chốt của cuộc CMCN 4.0 có khả năng ứng dụng cao.
Cùng với đó là đẩy mạnh hội nhập, hợp tác quốc tế về khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo nhằm phát huy thế mạnh của Việt Nam và huy động tối đa nguồn lực quốc tế, qua đó tạo bứt phá nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế, góp phần đổi mới mô hình tăng trưởng…