Tháo gỡ khó khăn để dòng vốn lưu thông
Xử lý dứt điểm các vướng mắc trong việc triển khai Thông tư 01 | |
Vốn không thiếu, khả năng hấp thụ đến đâu? | |
Tác động của dịch bệnh Covid-19: Từ nền kinh tế… đến tài chính tiêu dùng |
Hải Phòng nằm trong Vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ, là trung tâm cảng biển, công nghiệp, thương mại và vận tải quan trọng của vùng, có quy mô tín dụng đạt gần 128 nghìn tỷ đồng, đứng thứ 2 khu vực Đồng bằng sông Hồng. Với đặc trưng là thành phố cảng, nên Hải Phòng có rất nhiều DN liên quan đến hoạt động xuất nhập khẩu, vận tải và du lịch - những lĩnh vực bị chịu ảnh hưởng trực tiếp từ dịch bệnh. Do vậy, hoạt động của các DN trên địa bàn gặp nhiều khó khăn, nhiều DN cho biết doanh thu sụt giảm từ 30-50%.
Ông Lương Văn Tuyến - Tổng giám đốc Công ty Ắc quy Tia Sáng cho biết, trước đây đều hàng tháng công ty có đơn hàng xuất khẩu đi Thụy Điển nhưng hiện tại, các đơn hàng bị đối tác hoãn lại, phải đến tháng 6 mới xuất được hàng. Dự kiến doanh thu trong 4 tháng đầu năm 2020 của công ty giảm hơn 40% so với cùng kỳ…
Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng phát biểu tại hội nghị |
Thực hiện chỉ đạo của NHNN, đặc biệt sau khi Thông tư 01/2020/TT-NHNN được ban hành, các TCTD trên địa bàn Hải Phòng đã vào cuộc mạnh mẽ triển khai các giải pháp hỗ trợ cho khách hàng. Theo đó, đến nay các TCTD đã thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 1.239 khách hàng với dư nợ 1.919 tỷ đồng; miễn, giảm, hạ lãi suất cho 2.037 khách hàng với dư nợ 10.728 tỷ đồng; cho vay mới lãi suất ưu đãi với doanh số lũy kế từ 23/1 đến nay đạt trên 10.566 tỷ đồng cho 1.997 khách hàng.
Tại Hội nghị kết nối ngân hàng – doanh nghiệp tại Hải Phòng do NHNN Việt Nam phối hợp với UBND Hải Phòng tổ chức ngày 21/5/2020, đại diện các DN trên địa bàn ghi nhận đánh giá cao nỗ lực hỗ trợ của ngân hàng. Ông Trần Trọng Hải - Chủ tịch HĐQT CTCP thép Trang Khanh cho biết, BIDV chi nhánh Đông Hải Phòng đã 3 lần liên tục giảm lãi suất cho vay về mức 5,5%/năm như hiện nay và giảm các phí giao dịch trực tuyến. “Có thể nói cùng với sự hỗ trợ hiệu quả, kịp thời từ BIDV cộng với sự nỗ lực, tự cường, đến nay Trang Khanh đã hoạt động kinh doanh ổn định trở lại, tiếp tục có những đóng góp cho sự phát triển chung của thành phố”, ông Hải cho biết.
Tương tự như Công ty Trang Khanh, Công ty Ắc quy Tia Sáng cũng được BIDV chi nhánh Hải Phòng hỗ trợ nhiệt tình. Đến nay công ty được BIDV giảm lãi suất xuống mức thấp nhất chỉ 5%/năm, đã giúp cho DN tiết giảm chi phí tài chính, có điều kiện giảm giá thành sản phẩm. “Tuy ngân hàng cũng là DN nhưng là DN đặc thù kinh doanh tiền tệ đi huy động vốn để cho DN vay. Trong thời điểm khó khăn này, ngân hàng chấp nhận giảm lợi nhuận để giảm lãi suất đồng hành chia sẻ với DN. Đó là nỗ lực rất lớn, chúng tôi đánh giá cao sự hỗ trợ của ngân hàng”, ông Tuyến bày tỏ.
Không chỉ BIDV mà tất cả các TCTD trên địa bàn đều vào cuộc để hỗ trợ DN, cá nhân gặp khó khăn do dịch bệnh gây ra. Ông Vũ Thanh Hải – Tổng giám đốc CTCP vận tải và xếp dỡ Hải An, Vietcombank Hải Phòng đã 2 lần giảm lãi suất cho DN. Tính chung cả 2 lần được ngân hàng giảm lãi suất, DN đã tiết giảm 180 triệu đồng.
Bày tỏ sự cảm kích trước những hỗ trợ của ngành Ngân hàng đối với các DN hội viên, bà Đoàn Thị Kim Ngân – Chủ tịch Hiệp Hội DNNVV Hải Phòng cho biết, thời gian qua NHNN Chi nhánh Hải Phòng đã chủ động chỉ đạo các TCTD trên địa bàn thành phố triển khai các cơ chế chính sách hỗ trợ DN như cơ cấu lại nợ, hoãn giãn nợ, giảm lãi cho DN... Mỗi ngân hàng đều xây dựng các cơ chế hỗ trợ rất cụ thể rõ ràng. Ví dụ như kéo dài nợ từ 8-9 tháng cho DN, giảm lãi cho DN từ 0,5 đến 2%/năm, thậm chí có ngân hàng giảm lãi suất tới 3%/năm.
Tuy nhiên theo bà Ngân, ngân hàng cũng là DN, cũng đang gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh gây ra. Nay các ngân hàng lại đang nỗ lực hết mình, hy sinh lợi nhuận để hỗ trợ cộng đồng DN. Vì vậy cần có cơ chế hỗ trợ để các ngân hàng yên tâm đồng hành với Chính phủ trong việc hỗ trợ phục vụ DN, hỗ trợ nền kinh tế tiếp tục phục hồi và phát triển.
Ông Nguyễn Văn Thành – Phó Chủ tịch UBND Hải Phòng cũng ghi nhận những nỗ lực các TCTD trên địa bàn thành phố trong việc tích cực tháo gỡ khó khăn cho DN và mong muốn thời gian tới các chính sách của NHNN, Chính phủ đối với các DN cần cụ thể hơn có thể xem xét từng đối tượng DN để có biện pháp hỗ trợ phù hợp.
Về phía DN, ngoài đề xuất tiếp tục mặt bằng lãi suất ổn định cũng như kéo dài cơ chế cơ cấu nợ, giãn hoãn thời gian trả nợ... thêm 6-12 tháng, các DN hy vọng trong thời gian tới tiếp tục được ngân hàng tạo điều kiện tiếp cận nguồn vốn vay mới ưu đãi hơn. Một số sở ban ngành tỉnh đề xuất triển khai gói tín dụng đặc thù theo lĩnh vực cho DN trên địa bàn.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, với sự triển khai quyết liệt Thông tư 01 và Chỉ thị 02 của NHNN, sau 2 tháng, tất cả các TCTD, kể cả công ty tài chính, ngân hàng nước ngoài đều vào cuộc mạnh mẽ, đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho trên 215 nghìn khách hàng với dư nợ 138 nghìn tỷ đồng, miễn, giảm, hạ lãi suất cho hơn 320 nghìn khách hàng với dư nợ gần 1,13 triệu tỷ đồng, cho vay mới lãi suất ưu đãi với doanh số lũy kế từ 23/1 đến nay đạt trên 659 nghìn tỷ đồng cho hơn 188 nghìn khách hàng, lãi suất thấp hơn phổ biến từ 0,5 – 2,5% so với trước dịch…
Ghi nhận những kiến nghị, đề xuất của DN, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng một lần nữa khẳng định, hệ thống TCTD sẵn sàng nguồn vốn để cho vay đối với các DN đủ điều kiện vay vốn. Còn về hạn mức cho vay sẽ do TCTD và DN tự thoả thuận trên cơ sở mức độ tín nhiệm của DN, khả năng tài chính, dự án SXKD… Tuy nhiên TCTD có vai trò rất quan trọng là trung gian tài chính, nên khi cho vay phải đảm bảo các nguyên tắc, tiêu chuẩn, điều kiện vay vốn. NHNN cũng chủ trương là không hạ chuẩn cho vay. Vì trên thế giới, nguyên nhân khủng hoảng tài chính toàn cầu diễn ra là từ việc cho vay dưới chuẩn. Nếu như các TCTD hạ chuẩn cho vay hoặc phá vỡ chủ trương đảm bảo an toàn TCTD, hệ thống TCTD có thể đối mặt nguy cơ bất ổn trở lại. Trong trường hợp đó sẽ gây ảnh hưởng cho cả nền kinh tế, cũng là gây khó khăn cho hoạt động của DN. Khi ngân hàng khó khăn thì không chỉ DN mà nền kinh tế cũng khó khăn.
Phó Thống đốc NHNN khẳng định, những kiến nghị tại Hội nghị kết nối ngân hàng – doanh nghiệp tại các địa phương sẽ được NHNN tổng hợp, cân nhắc, xem xét điều chỉnh nếu cần thiết, làm sao đảm bảo hệ thống ngân hàng vừa thực hiện các giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho DN người dân nhưng vẫn đảm bảo được tính an toàn hoạt động của hệ thống.