Thị trường bán lẻ khởi sắc
Doanh nghiệp bán lẻ và cuộc đua giành thị phần |
Theo đánh giá của Tổng cục thống kê, tháng 1/2023 có kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, nhu cầu tiêu dùng, mua sắm của người dân tăng cao, nên hoạt động thương mại và dịch vụ diễn ra khá sôi động và có mức tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 1/2023 tăng 20% so với cùng kỳ năm trước. Theo đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 1/2023 ước đạt 544,8 nghìn tỷ đồng, tăng 5,2% so với tháng trước và tăng 20% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu bán lẻ hàng hóa tháng 01/2023 ước đạt 435,4 nghìn tỷ đồng, tăng 18,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Hàng may mặc tăng 27%; đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình tăng 23,8%; lương thực, thực phẩm tăng 17,9%; phương tiện đi lại tăng 14,8%; vật phẩm văn hóa, giáo dục tăng 7,2%...
Các DN bán lẻ kỳ vọng thị trường khởi sắc trong năm 2023 |
Là một trong những DN bán lẻ hàng đầu, Saigon Co.op đã và đang mở rộng hệ thống bán lẻ trên toàn quốc. Ông Nguyễn Anh Đức, Tổng giám đốc Saigon Co.op cho biết, năm 2022, đơn vị đạt doanh số 30.888 tỷ đồng, vượt 216 tỷ đồng so với cùng kỳ và đạt 99% kế hoạch đề ra. Trong đó, mảng thương mại điện tử đóng góp hơn 1.200 tỷ đồng.
Đặc biệt, trong mùa mua sắm cao điểm đón năm mới Quý Mão 2023, hơn 130 siêu thị Co.opmart và Co.opXtra trên toàn quốc đã chính thức tung ra hàng loạt ưu đãi hấp dẫn, giảm giá lên đến 50%. Theo ông Đức, thị trường bán lẻ Việt Nam rất tiềm năng và đang trên đà hồi phục mạnh mẽ sau đại dịch. Doanh số năm 2022 của Saigon Co.op gần cán mốc 31.000 tỷ đồng, dẫn đầu thị trường bản lẻ. Trong năm 2023, Saigon Co.op phấn đấu tăng trưởng 4,5% so với cùng kỳ trên cơ sở nâng cao chất lượng dịch vụ khách hàng, đẩy mạnh thương mại điện tử và logictics dựa vào sức mạnh cốt lõi là phân phối bán lẻ.
Đánh giá về thị trường bán lẻ năm 2023, bà Nguyễn Thị Phương - Phó Tổng Giám đốc thường trực WinCommerce chia sẻ, WinCommerce hiện là nền tảng bán lẻ hiện đại lớn nhất Việt Nam với hơn 3.400 siêu thị và cửa hàng tiện ích, có mặt tại 62 tỉnh thành. Năm 2022, WinCommerce đã tăng tốc mở rộng quy mô với 10 siêu thị WinMart, 777 cửa hàng WinMart+ được mở mới. Đồng thời, ra mắt thành công hệ sinh thái WINLife, khai trương gần 100 cửa hàng WIN. Dự báo kinh tế năm 2023 vẫn còn nhiều khó khăn nhưng thị trường bán lẻ đang trên đà hồi phục mạnh mẽ. Trong năm 2023, WinCommerce sẽ tập trung tối ưu hóa hiệu quả chuỗi cung ứng với các giải pháp: Tinh lọc danh mục hàng hóa trên cả 2 chuỗi WinMart/WinMart+; xây dựng chiến lược giá ổn định nhằm kích cầu mua sắm; tìm hiểu văn hóa tiêu dùng nông thôn và thành thị để lên kế hoạch phát triển sản phẩm phù hợp với điểm bán và đổi mới quy cách đóng gói nhằm đẩy mạnh hiệu quả trong vận chuyển, trưng bày hàng hóa...
Theo Sở Công thương TP. Hà Nội, thị trường hàng hóa trong những ngày trước và trong Tết tương đối ổn định. Các doanh nghiệp bán lẻ, hộ kinh doanh triển khai nhiều chương trình khuyến mại và chuẩn bị nguồn hàng hóa đa dạng, phong phú về chủng loại và số lượng nhằm kích cầu. Giá các mặt hàng lương thực, thực phẩm tươi sống, quần áo, bánh kẹo, nước giải khát… có tăng nhẹ nhưng không biến động lớn. Chính vì vậy, trong tháng 1/2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ trên địa bàn Hà Nội ước đạt 68,5 nghìn tỷ đồng, tăng 18% so với cùng kỳ năm 2022.
Đại diện Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) cho biết, trong dịp Tết Nguyên đán vừa qua, nhu cầu tiêu dùng của người dân tăng mạnh cũng là cơ hội để các DN bán lẻ đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như tăng lượng bán hàng. Chính vì vậy Hapro đã chủ động nguồn hàng hóa dồi dào. Toàn hệ thống bán lẻ của Tổng công ty bao gồm: hệ thống siêu thị, cửa hàng, hệ thống chợ, cửa hàng chuyên doanh kim khí, điện máy, thời trang, hệ thống nhà hàng ăn uống, dịch vụ... đều hoạt động xuyên Tết để phục vụ người dân.
Đặc biệt, hệ thống siêu thị BRGMart, Hapromart, Haprofood đã thu hút lượng lớn khách hàng cả trực tiếp lẫn online trong cả trong và sau Tết. Tổng lượng hàng hóa dự trữ của Hapro ước đạt xấp xỉ 1.000 tỷ đồng, trong đó đã bao gồm lượng hàng hóa các đơn vị tham gia chương trình Bình ổn thị trường các mặt hàng thiết yếu trên địa bàn TP. Hà Nội. Nhằm kích cầu sức mua của người tiêu dùng nhân dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 và sau Tết, Hapro đã phối hợp với Công ty TNHH bán lẻ BRG (BRG Retail) triển khai nhiều chương trình khuyến mại, giảm giá, tặng kèm sản phẩm, chính sách giao hàng tại nhà… Bên cạnh hình thức mua bán trực tiếp tại điểm bán, hệ thống siêu thị BRGMart, Hapromart, Haprofood còn tập trung đẩy mạnh hình thức mua sắm trực tuyến qua App BRG Shopping, fanpage, hotline, thẻ khách hàng thân thiết BRG Elite… nhằm phục vụ tốt nhất nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng.
Quyền Giám đốc Sở Công thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, ước tính, tổng lượng hàng hóa dự trữ của hệ thống phân phối, bán lẻ trên địa bàn phục vụ thị trường trong và sau Tết Nguyên đán trị giá khoảng 39,5 nghìn tỷ đồng. Đơn vị cũng triển khai tổ chức các chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng thiết yếu với 37 đơn vị sản xuất kinh doanh của Hà Nội và các tỉnh, thành phố tham gia, thực hiện cung ứng hàng hóa tới hơn 13,8 nghìn điểm bán, trong đó có 132 siêu thị, trên 8 nghìn cửa hàng kinh doanh tổng hợp và chuyên doanh; 1,3 nghìn sạp hàng tại các chợ...
Bên cạnh đó, thành phố cũng đã chỉ đạo các đơn vị liên quan không để đứt gãy chuỗi cung ứng, khan hiếm hàng hóa, khiến giá cả bị đẩy lên cao. Trong những tháng đầu năm 2023, Sở Công thương cùng các DN bán lẻ tiếp tục triển khai các chương trình khuyến mãi nhằm kích cầu tiêu dùng.