![]() |
Ông Troy Griffiths, phó Giám đốc Điều hành Savills Việt Nam. |
Ông nhận định như thế nào về tình hình thị trường bất động sản Việt Nam 2023 trong mối tương quan toàn cầu, thưa ông?
Không thể phủ nhận 2022 là một năm khó khăn đối với nền kinh tế toàn cầu, tác động mạnh đến thị trường bất động sản nói chung. Việt Nam cũng như vậy. Bên cạnh đó, nhu cầu của thị trường có xu hướng giảm, nhất là đơn hàng từ các doanh nghiệp Mỹ và châu Âu.
Tại Việt Nam, hiện đang có nhiều thay đổi gây tác động lên thị trường bất động sản, và có thể nói đây cũng là thời gian khó khăn của các doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán. Cùng với đó là những động thái nhằm thanh lọc và tăng tính minh bạch của thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Rõ ràng, điều này sẽ gây ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế nói chung cũng như cấu trúc nợ của các chủ đầu tư.
Tuy nhiên, có thể thấy rõ sự tăng trưởng mạnh mẽ ở nhiều phân khúc trong năm qua. Ví dụ, đối với nhóm đất công nghiệp, ghi nhận mức tăng 30-40% về giá. Đối với phân khúc nhà ở tại TP.HCM, đang có sự mất cân đối giữa nguồn cung sản phẩm mới ra thị trường và tốc độ tăng trưởng bị chậm lại. Sự sụt giảm này đến từ một vài nguyên nhân, thứ nhất là nguồn cung mới cho thị trường rất nhỏ giọt, giảm 82% so với cùng kỳ năm trước, khoảng 2.500 căn hộ. Tỷ lệ hấp thụ cũng chỉ ở mức 20% so với mức độ thông thường là 60-70% trước đây.
Ông có cho rằng, sắp tới thị trường bất động sản sẽ có nhiều sự thay đổi với viễn cảnh tích cực nhờ “sự thanh lọc”?
Điều chúng ta kỳ vọng là quá trình điều chỉnh sẽ giúp môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện theo hướng minh bạch và phát triển mạnh mẽ hơn. Nhiều quốc gia khác đã trải qua quá trình tương tự. Các doanh nghiệp sẽ phải tìm đến những nguồn vốn khác trong trung và ngắn hạn. Tuy nhiên, điều này chỉ là tạm thời và cuối cùng sẽ được giải quyết để mang lại lợi ích cho toàn bộ thị trường vì nó sẽ minh bạch hơn, quy định chặt chẽ hơn và sau đó sẽ ít rắc rối hơn.
Một điểm tích cực cần chú ý trong năm vừa qua là về quy hoạch. Điều này cũng sẽ thúc đẩy nhu cầu bất động sản dịch chuyển sang các tỉnh lân cận khác ngoài các đô thị lớn.
Vậy theo ông, bức tranh bất động sản Việt Nam năm 2023 sẽ có gam màu gì và ông đưa ra khuyến nghị gì cho nhà đầu tư?
Thị trường bất động sản toàn cầu trong năm 2023 sẽ diễn biến chậm hơn. Điều này đồng nghĩa với nhu cầu bất động sản nói chung sẽ có chiều hướng giảm và Việt Nam cũng không nằm ngoài xu thế đó.
Tuy nhiên, điểm thú vị của Việt Nam là tốc độ đô thị hóa nhanh. Trong mắt các nhà đầu tư, Việt Nam vẫn còn cả một chặng đường dài phía trước với quá trình đô thị hóa mạnh mẽ. Số lượng dân số ở tầng lớp trung lưu và giàu có ngày càng tăng, trong khi đó nguồn cung hạng C đang thiếu hụt khi các chủ đầu tư đang chạy theo các sản phẩm ở phân khúc cao hơn. Vì vậy, chắc chắn nhu cầu căn hộ hạng C sẽ tiếp tục tăng trong một thời gian dài.
Riêng đối phân khúc bất động sản công nghiệp sẽ tiếp tục phát triển khi thị trường đang chứng kiến rất nhiều dự án sản xuất đang và sẽ được tiến hành. Cùng lúc, hệ thống cơ sở hạ tầng đang dần phát triển trên khắp cả nước cũng giúp làm tăng giá trị của các dự án bất động sản công nghiệp ở nhiều địa phương. Một lĩnh vực ngách là dịch vụ về hậu cần, kho lạnh đang nổi lên nhờ sự tăng trưởng của ngành bán lẻ. Ngành khoa học dữ liệu cũng đang phát triển nhanh với nhu cầu cao về trung tâm dữ liệu (data center). Với tất cả những yếu tố đó, tôi thấy lạc quan về sự phát triển của phân khúc này trong năm 2023.
Đối với các nhà đầu tư cá nhân, 6 tháng đầu năm 2023 sẽ là thời gian quan trọng để họ quan sát trước khi đưa ra quyết định. Trong bối cảnh những bất ổn của nền kinh tế toàn cầu đang dịu lại, các nhà đầu tư không nên vội vã rút khỏi thị trường. Bất động sản là một khoản đầu tư dài hạn. Nhìn vào bức tranh tổng thể, thị trường bất động sản Việt Nam đang có vị thế rất tốt!
Xin cảm ơn ông!
Minh Tuyết thực hiện
Nguồn: