Thị trường bất động sản Đà Nẵng cuối năm 2019: Nhiều tín hiệu tích cực
Phân khúc khách sạn bình dân có tận dụng được cơ hội từ sự bùng nổ du lịch | |
HoREA hiến kế hóa giải đất hỗn hợp | |
Tháo gỡ bất cập về ghi nợ tiền sử dụng đất |
Ông Nguyễn Trọng Thức - Quản lý cấp cao Phòng Nghiên cứu thị trường và Tư vấn phát triển CBRE Việt Nam cho hay, về thị trường căn hộ bán, từ nay đến hết năm 2019, thị trường Đà Nẵng không có thêm nguồn cung căn hộ bán nào. Tổng nguồn cung lũy kế ghi nhận là 5.031 căn từ 16 dự án. Giá bán trung bình của các phân khúc lần lượt là 3.820 USD/m2; 2.250 USD/m2; 1.190 USD/m2 cho phân khúc hạng sang, cao cấp và trung cấp.
Trong bối cảnh hành lang pháp lý cho sản phẩm condotel còn chưa rõ ràng gây hoang mang cho một số nhà đầu tư, các dự án căn hộ sắp ra mắt ở Đà Nẵng đang nhận được khá nhiều tín hiệu tích cực từ thị trường. Hiện nay, loại hình căn hộ đang cho thấy một số ưu điểm hơn condotel như quyền sử dụng lâu dài, quyền nhập hộ khẩu trong khi người mua vẫn có thể tận hưởng các chính sách cam kết cho thuê từ một số chủ đầu tư. Như vậy, nó có thể đáp ứng nhu cầu cho cả người mua đầu tư và người mua để ở, ông Thức chia sẻ.
Thị trường BĐS Đà Nẵng có nhiều tín hiệu tích cực |
Xét về nguồn cung tương lai, có thể kể đến một số dự án nổi bật như Premier Sky Residences, Center Point Residency và Century Bay, dự kiến cung cấp thêm cho thị trường khoảng 1.900 căn hộ.
Đánh giá về thị trường văn phòng, bà Đặng Phương Hằng - Tổng giám đốc Điều hành CBRE (Việt Nam) cho hay, trong năm 2019, thị trường văn phòng Đà Nẵng chào đón một tòa nhà hạng B, Thành Lợi Building 2, tọa lạc ở quận Thanh Khê với quy mô 21 tầng và không có nguồn cung mới nào ở phân khúc hạng A. Nguồn cung lũy kế loại A đạt mức 119.718 m2. Trong quý II/2019, trong bối cảnh không có thêm nguồn cung mới nào đến từ tòa nhà hạng A, giá chào thuê vẫn được giữ ở mức 26,7 USD/m2/tháng, không có sự thay đổi so với cùng kỳ năm ngoái. Ở phân khúc hạng B, giá thuê trung bình có sự thay đổi do sự xuất hiện của những tòa nhà mới, nâng mức giá cho thuê đạt mức 13 USD/m2/tháng, tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước.
Trong quý II/2019, tỷ lệ trống của phân khúc hạng A đạt mức 7,8%, giảm 3 điểm phần trăm so với quý trước do không có nguồn cung mới. Tỷ lệ trống của phân khúc hạng B đạt 18,7%. Theo ghi nhận của CBRE, nhu cầu thuê mặt bằng văn phòng với diện tích lớn ở Đà Nẵng hiện chủ yếu đến từ các ngành IT, ngân hàng, bảo hiểm, không gian làm việc linh hoạt.
Trong những tháng cuối năm 2019, thị trường dự kiến đón nhận thêm sự gia nhập của một tòa nhà hạng B, DITP Tower với diện tích khoảng 5.100 m2. Ngoài ra, dự án The Summit (trên đường Nguyễn Văn Linh) có thể trở thành dự án kinh doanh theo mô hình “căn hộ văn phòng” đầu tiên ở Đà Nẵng khi được giới thiệu ra thị trường, dự kiến vào cuối năm 2019.
Theo bà Đặng Phương Hằng, do sự hạn chế về nguồn cung tương lai và lực cầu vẫn đang ở mức ổn định, giá thuê và tỷ lệ lấp đầy dự kiến sẽ có xu hướng được cải thiện trong thời gian tới.
Đối với thị trường khách sạn, nguồn cung thị trường khách sạn 4-5 sao ở Đà Nẵng đón nhận thêm năm khách sạn 4 sao, cung cấp thêm tổng cộng 548 phòng, tăng trưởng 15% so với cùng kỳ năm 2018. Đa số các khách sạn mới trong thời gian gần đây nằm ở phân khúc 4-sao, tọa lạc dọc bờ biển Mỹ Khê. Ngoài ra, trong nửa đầu năm 2019, có một khách sạn 5 sao là Pullman Danang đã hoàn thiện nâng cấp và trùng tu lại cơ sở vật chất nhằm phục vụ khách tốt hơn.
Theo Sở Du lịch Đà Nẵng, hiện tổng lượt khách do cơ sở lưu trú du lịch tại Đà Nẵng phục vụ ước đạt 2,72 triệu lượt, tăng 21% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó lượt khách quốc tế đạt 1,76 triệu lượt, tăng 29% so với cùng kỳ năm 2018, khách nội địa đạt 959.243 lượt, tăng 9% so với cùng kỳ. Ngày lưu trú bình quân khách quốc tế ước đạt 2,7 ngày, khách nội địa ước đạt 2,5 ngày.
Cũng theo Sở Du lịch, hiện tại có tổng cộng 31 đường bay quốc tế đến Đà Nẵng (17 đường bay thường kỳ và 14 đường bay thuê chuyến) với tần suất 419 chuyến/tuần, và 11 đường bay nội địa với tần suất 654 chuyến/tuần. Trong nửa đầu năm 2019, có 6 đường bay nội địa và 1 đường bay quốc tế mới được đưa vào khai thác.
Ông Nguyễn Trọng Thức cho biết, giá phòng bình quân (ADR) của khối 4-5 sao ghi nhận mức giảm 17% so với cùng kỳ năm 2018, trong khi công suất phòng giảm nhẹ 2,4 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm 2018. Điều này có thể phần nào được lý giải bởi sự gia tăng nguồn cung ở phân khúc khách sạn 4 sao trong thời gian gần đây làm giảm giá phòng bình quân của khối khách sạn 4-5 sao, trong khi khối này đang ngày càng chịu nhiều áp lực hơn khi một số dự án condotel và một loạt các khách sạn 3 sao bắt đầu đi vào vận hành. Tuy nhiên, CBRE ghi nhận tại một số dự án đã xây dựng được hệ thống phân phối, tiếp thị ổn định và đã có tên tuổi trên thị trường, tình hình hoạt động vẫn rất khả quan.