Thiết kế tiền Việt Nam: Lịch sử và nhân chứng
Họa sĩ Trần Tiến |
Là người đã thiết kế nhiều đồng tiền, trong đó có mặt trước đồng tiền polymer mệnh giá 500 ngàn đồng đang lưu hành trên thị trường hiện nay, họa sĩ Trần Tiến có hơn 30 năm gắn bó cuộc đời với việc thiết kế tiền Việt Nam, nên ông là cả một “cuốn sách” của những câu chuyện về tiền thú vị...
Nhìn lại lịch sử thiết kế tiền Việt Nam, ông có thể đưa ra một bức tranh tổng thể và khái quát nhất như thế nào, thưa ông?
Từ năm 1945 đến năm 2021, Việt Nam trải qua rất nhiều giai đoạn lịch sử phát triển. Gắn với đó, lịch sử tiền tệ cũng có những bước cải tiến, phát triển ngày một đẹp hơn, chất lượng tốt hơn, thể hiện rõ nét nhất qua 6 bộ tiền:
Bộ tiền thứ nhất, phát hành và sử dụng những năm 1946 –1951 do Bộ tiền Tài chính phát hành (khi đó chưa thành lập Ngân hàng) nên được gọi là “Bộ tiền Tài chính”. Bộ tiền Tài chính gồm có tiền Tài chính, tiền Nam Bộ và tín phiếu Trung bộ.
Bộ thứ 2 là vào thời kỳ 1951-1958, (thường gọi là bộ tiền 51). Bộ tiền này được thiết kế, in ấn tại nước ngoài. Chất lượng về chế bản, in ấn, nguyên vật liệu tốt hơn so với bộ tiền Tài chính.
Bộ thứ 3 là vào những năm 1959-1978, sau khi miền Bắc giải phóng và cuộc kháng chiến chống Pháp kết thúc. Thời kỳ này chúng ta bước vào công cuộc phục hồi kinh tế, xây dựng xã hội chủ nghĩa và cải tạo công thương nghiệp trong những năm 1958 – 1964. Từ bộ tiền thứ 2 sang bộ tiền thứ 3 là một bước tiến mới về chuẩn hóa. Không chỉ chuẩn hóa về chất lượng chế bản, bắt đầu có in lõm... mà bộ tiền này còn hoàn toàn do họa sĩ Việt Nam tự thiết kế, có sự hỗ trợ về chế bản và công nghệ in ấn của nước bạn. Có thể nói bộ tiền này là một trong những bộ tiền đẹp cả về thẩm mỹ và kỹ thuật của tiền đồng Việt Nam.
Bộ tiền thứ 4 là bộ tiền giai đoạn 1978-1985 (còn gọi là bộ tiền Thống nhất). Ngay sau khi giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, đồng tiền giải phóng được phát hành. Ngày 25/4/1978, Chính phủ quyết định thống nhất tiền tệ trong cả nước, bộ tiền phát hành năm 1978 trở thành bộ tiền Thống nhất.
Bộ tiền thứ 5 được phát hành vào năm 1985, thời điểm mà tình hình kinh tế đất nước sau chiến tranh rất kiệt quệ, lạm phát ở mức phi mã 700 -800%/năm. Vì vậy, khi bộ tiền mới vừa phát hành đã bị lạm phát “tàn phá”, các tiêu chuẩn về mệnh giá bị phá vỡ. Cơ quan phát hành tiền phải phát hành nhiều loại tiền mới với chất lượng thấp, nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong xã hội. Chưa kể tới hàng chục mẫu ngân phiếu thanh toán được sử dụng như tiền được phát hành và thanh toán như tiền.
Bộ tiền thứ 6 là bộ tiền polymer. Những năm 1990, nạn tiền giả hoành hành ngày càng nghiêm trọng, gây nhức nhối và hoang mang trong đời sống xã hội, gây nguy hiểm cho nền kinh tế của đất nước. Vì vậy nhu cầu có một bộ tiền mới, hiện đại, bảo mật và chống giả cao như một đòi hỏi tất yếu của lịch sử. Đó cũng là lý do của sự ra đời đồng tiền polymer.
Sau 18 năm phát hành (2003-2021), bộ tiền mới polymer đã đáp ứng được các yêu cầu đề ra như đồng tiền sạch, đẹp, bền trong lưu thông, tiết kiệm chi phí in ấn, có khả năng chống giả cao, tính cơ giới hóa tốt, phục vụ tốt cho yêu cầu của giai đoạn phát triển mới, đánh dấu một thời kỳ mới về công nghệ sản xuất tiền giấy của Việt Nam.
Thời gian hoàn thành thiết kế một mẫu tiền mất trung bình khoảng bao lâu, thưa ông?
Trước năm 2000, các họa sĩ chúng tôi thường vẽ tay hoàn toàn, vì chưa được trang bị máy tính nên thời gian hoàn thành một mẫu mất từ 2 đến 4 tháng, tùy sự phức tạp của mẫu. Nói chung, mệnh giá càng lớn, chi tiết càng phức tạp thì thời gian vẽ càng lâu, và cần nhiều họa sĩ cùng hợp tác vẽ. Ví dụ như tờ 5 đồng của bộ tiền năm 1958 gồm 3 họa sĩ cùng làm: mặt trước do họa sĩ Lê Phả vẽ, mặt sau khung trang trí do họa sĩ Bùi Trang Chước vẽ, còn nội dung khai thác than do họa sĩ Mai Văn Hiến vẽ. Trong quá trình hợp tác đó, các họa sĩ phải có sự trao đổi thống nhất để 2 mặt đồng tiền ăn ý với nhau, nhất là cách sử dụng hoa văn.
Kể từ bộ tiền polymer năm 2003 trở đi, phần thiết kế mẫu được thực hiện hoàn toàn trên máy tính, vì vậy thời gian cũng được rút ngắn hơn (khoảng 2/5 thời gian). Mẫu phác thảo tinh vi hơn, việc sửa chữa thuận lợi hơn giúp cho công đoạn chế bản cũng dễ dàng hơn. Tuy nhiên, để đạt tới sự hoàn hảo nhất, trong quá trình thiết kế, chúng tôi luôn kết hợp giữa vẽ tay và vẽ trên máy tính.
Họa sĩ thiết kế có vai trò thế nào với vấn đề bảo an của đồng tiền, thưa ông?
Ngoài việc tạo cho đồng tiền có hình thức đẹp hài hòa giữa kỹ thuật và mỹ thuật, thì họa sĩ còn phải là một nhà công nghệ, một nhà bảo an với nhiều thủ thuật để có khả năng chống làm giả, kể cả các thiết bị sao chụp; tạo ra nhiều bẫy để vô hiệu hóa các máy in sao. Ví dụ, tạo các hình ẩn và các dòng chữ microtex của công nghệ in lõm, khai thác các tính năng đặc biệt của các thiết bị in hiện đại...
Đây cũng là lý do vì sao đào tạo một nhà thiết kế tiền đòi hỏi nhiều thời gian và không phải ai được đào tạo cũng trở thành họa sĩ thiết kế tiền giỏi.
Ngoài ra, để có thể thực hiện được quá trình sản xuất thì sản phẩm thiết kế phải phù hợp với công nghệ sản xuất, do đó, người thiết kế phải nắm vững công nghệ sản xuất. Việc này còn giúp tạo ra được sản phẩm đẹp, khai thác được tối đa khả năng chống giả của máy móc thiết bị, giấy, mực và có hiệu quả sản xuất cao.
Nhân đây, ông có thể cho biết cụ thể thêm về các yếu tố bảo an áp dụng cho một bộ tiền?
Bảo an là một trong những tiêu chí đặt lên hàng đầu khi thiết kế tiền nên yêu cầu bảo an cho tiền giấy được thực hiện trên tất cả các khâu. Từ vật liệu, các công đoạn in ấn, thủ thuật thiết kế cho đến các loại mực in chìm, nổi chỉ nhìn thấy bằng thiết bị đặc biệt… Trong quá trình vẽ, tất cả đều được các họa sĩ tính toán đến từng chi tiết, với câu hỏi thường trực: “Bọn tội phạm sẽ làm thế nào để đối phó với đồng tiền thật của mình?”.
Thông thường, một bộ tiền có từ 6 đến 7 mệnh giá, ví dụ bộ tiền polymer có 6 mệnh giá 10.000, 20.000, 50.000, 100.000, 200.000, 500.000. Trong đó, đồng 500.000 là mệnh giá lớn nhất nên được áp dụng yếu tố bảo an cao nhất. Theo đó giá thành cũng tăng lên. Chưa kể công nghệ in cũng đòi hỏi cao hơn, đòi hỏi họa sĩ thiết kế có nhiều kinh nghiệm mới có thể đảm nhận được.
Là người gắn bó cả đời với công việc thiết kế tiền, ông có thể chia sẻ một vài kỷ niệm sâu sắc nhất trong sự nghiệp của mình?
Sau hơn 30 năm làm công tác thiết kế giấy bạc cho NHNN Việt Nam, tôi có rất nhiều kỷ niệm không thể quên như: vẽ bộ tiền năm 1985; vẽ tiền cho nước bạn Campuchia hay 10 năm vẽ Ngân phiếu thanh toán. Nhưng kỷ niệm sâu sắc nhất là thời kỳ làm bộ tiền polymer.
Có thể nói, bao nhiêu kinh nghiệm, tâm huyết tôi dồn cả vào bộ tiền đó. Đây là bộ tiền tôi tham gia từ đầu, từ khi xây dựng đề án đến quá trình thiết kế, chế bản in và phát hành. Suốt hơn 10 năm tâm huyết, để hoàn thành công việc có những lúc hàng tháng không có ngày nghỉ. Ngày nào cũng 10 giờ đêm mới về đến nhà, mang theo bao lo âu, nhất là về bảo an cho bộ tiền. Bao nhiêu trăn trở về việc đồng tiền mình thiết kế có đạt yêu cầu bảo an không, khi mà đây là loại vật liệu mới, quá trình thiết kế chế bản, in có nhiều khó khăn, hàng loạt các sự cố xẩy ra trong quá trình thực hiện cần xử lý…
Rồi đến khi tiền được phát hành ra lưu thông, có nhiều ý kiến trái chiều gây nhiễu loạn thông tin đối với người tiêu dùng. Song sau 18 năm phát hành, đến nay đã có thể kết luận, chất lượng tiền polymer đã thực sự thành công ngoài mong đợi. Không chỉ sạch, đẹp, có độ bền cao gấp 4 lần so với tiền cotton, mà độ an toàn, bảo mật của bộ tiền polymer có lợi thế nổi trội hơn hẳn. Mặc dù bọn tội phạm luôn tìm mọi cách phá hoại, làm giả nhưng với chất liệu và công nghệ vượt trội của chất liệu polymer, đến nay có thể khẳng định, tiền polymer là bộ tiền tốt nhất trong 6 bộ tiền của nước ta từ trước đến nay. Tôi xem đây là chiến công của tập thể và có sự đóng góp nhỏ bé của mình trong đó.
Xin trân trọng cảm ơn ông!