Tiền triều Trần (1225 - 1400) - Kỳ I
![]() |
Bối cảnh lịch sử
Năm 1211, Thái tử Lý Sảm lên ngôi (tức vua Lý Huệ Tông). Do bệnh tình liên miên nên phần lớn triều chính được giao cho Điện tiền chỉ huy sứ Trần Thủ Độ. Vua Lý Huệ Tông chỉ có hai con gái, trưởng nữ là Thuận Thiên công chúa, thứ nữ là Chiêu Thánh công chúa (tức Lý Phật Kim). Tuy mới 7 tuổi nhưng Lý Phật Kim được vua Lý Huệ Tông tin yêu và truyền ngôi vào năm 1224 (còn gọi là Lý Chiêu Hoàng). Năm Ất Dậu (1225), Lý Chiêu Hoàng nhường ngôi cho chồng là Trần Cảnh (con trai Trần Thừa) lúc đó mới 8 tuổi. Vương triều Trần được thành lập, trải qua 13 đời vua trị vì đất nước 175 năm (1225 - 1400). Triều Trần được các sử gia đánh giá là một trong những triều đại lớn, có nhiều công lao đối với đất nước.
Triều Trần vẫn đóng đô ở Thăng Long và tiếp tục phát triển sự hưng thịnh từ triều Lý. Dưới triều Trần, quyền lực tối cao nằm trong tay người đứng đầu là nhà vua cùng với tầng lớp quý tộc trong tôn thất. Nhà Trần thực hiện chế độ hôn nhân đồng tộc; ban cấp thái ấp (đất thang mộc) cho các quý tộc và quan lại trong triều.
Nước Đại Việt dưới triều Trần uy danh lừng lẫy, với hàng loạt nhân vật lịch sử sáng chói, mà nổi bật là Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn.
Triều Trần thực thi các chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp, tổ chức làm thủy lợi trong phạm vi cả nước, đặt chức quan Hà đê chánh sứ, phó sứ trông coi việc đắp và sửa đê, khuyến khích khai hoang lập ấp, xây dựng hệ thống giao thông thủy bộ trong cả nước để phát triển mạng lưới thương nghiệp và các hoạt động buôn bán trao đổi hàng hóa.
Triều Trần đã có những biện pháp khuyến khích thủ công nghiệp và thương nghiệp, chưa áp dụng chính sách ức thương ngặt nghèo như các triều Lê, Nguyễn sau này. Chợ có ở khắp nơi, họp đều kỳ. Kinh thành Thăng Long có 61 phường buôn bán tấp nập, nhộn nhịp cả về ban đêm. Vân Đồn vẫn là địa điểm giao thương quốc tế có từ thời Lý (năm 1149), trao đổi hàng hoá giữa Đại Việt và các nước khác ở Đông Nam Á và Đông Á. Triều Trần đã phát triển bộ phận kinh tế quý tộc quan liêu, với chế độ điền trang thái ấp, sử dụng lao động của tầng lớp nông nô, nô tỳ.
Nhìn chung, dưới triều Trần, một thế cân bằng ổn định về kinh tế đã được duy trì giữa các yếu tố công hữu và tư hữu, giữa nông nghiệp và nền kinh tế hàng hóa, giữa quyền lực, lợi ích của nhà nước, với các đẳng cấp quý tộc tôn thất cũng như khối bình dân trong làng xã.
Tiền các đời vua triều Trần
Tiền tệ dưới thời Trần được sử dụng tương đối phổ biến với nhiều hình thức như mua bán ruộng đất bằng tiền, nộp tiền để lấy quan chức, thu tô thuế bằng tiền. Quan hệ tiền tệ cũng thâm nhập vào cả đời sống chính trị và tín ngưỡng. Đồng tiền còn là vật tùy táng trong các ngôi mộ của tầng lớp quý tộc… Điều này thể hiện chức năng đồng tiền của triều Trần đã mở rộng. Do đó, các vua triều Trần đều cho đúc tiền. Việc đúc tiền do Quan xưởng đảm nhiệm. Trong 13 đời vua Trần, đến nay mới tìm được các loại tiền của 5 vị vua là Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông, Trần Minh Tông, Trần Dụ Tông và Trần Nghệ Tông.
Tiền đồng của triều Trần sử dụng tất cả các loại thư pháp: Chân thư, Thảo thư, Hành thư, Triện thư, Giản thư… Lưng tiền trơn hoặc có chữ. Tiền triều Trần cũng có sự kế thừa một số đặc điểm của tiền triều Lý. Các vua Trần, sau khi lên ngôi cho đúc tiền mang niên hiệu của mình kèm với hai chữ thông bảo và nguyên bảo, biên tiền có vành rộng, đều... Do nhu cầu của thương mại, triều Trần cho đúc tiền số lượng nhiều hơn so với triều Lý. Kỹ thuật đúc tiền và hình thức tiền cũng thể hiện bước tiến bộ, gần đạt tới tiêu chuẩn của tiền Hồng Đức thông bảo thời Lê sơ sau này. Nhưng hiện nay, tiền của triều Trần còn lại rất ít. Rất có thể, do vào cuối triều Trần, Hồ Quý Ly cho phát hành tiền giấy và thu hồi tiền đồng để đúc súng nên ngày nay chúng ta không tìm thấy nhiều loại tiền của thời kỳ này.
Đón đọc ký II: Tiền đời vua Trần Thái Tông (1225 - 1258)
Nguồn: Tác phẩm: ''Lịch sử Đồng tiền Việt Nam'' của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam
Biên tập: Mạnh - Thắng | Đồ họa: Văn Lâm
Tin liên quan
Tin khác

Thiết kế tiền Việt Nam: Lịch sử và nhân chứng

Ngoảnh lại một hành trình
