Thống lĩnh thị trường toàn cầu, cá da trơn Việt Nam 'nhòm ngó' cơ hội từ EU, Trung Quốc
Cá tra xuất Mỹ được giảm thuế | |
Doanh nghiệp cá tra chuyển hướng xuất khẩu | |
Ngành cá tra trước cơ hội lớn | |
Ngành cá tra Việt Nam: Hướng đến mục tiêu xuất khẩu 2,4 tỷ USD |
Ảnh minh họa |
Lợi thế lớn cho cá tra - basa Việt
Trong các nguồn cung cá cho thị trường thế giới, cá tra - basa của Việt Nam có nhiều lợi thế nổi trội. Trong khi các nước như Ấn Độ, Bangladesh và Indonesia sản xuất cá tra thịt vàng có giá trị thấp, sản lượng chỉ đủ đáp ứng cho nhu cầu trong nước thì Việt Nam nhờ điều kiện thổ nhưỡng đặc trưng và kinh nghiệm nuôi lâu đời đã tạo ra được sản phẩm cá tra thịt trắng, mùi dịu, hợp thị hiếu người tiêu dùng tại nhiều nước phát triển.
Được phát triển từ những năm 1940 tại An Giang và Đồng Tháp, sau đó lan rộng rất nhanh ra toàn vùng đồng bằng sông Cửu Long, vào năm ngoái, xuất khẩu cá tra - basa của Việt Nam đạt kim ngạch tới 2,26 tỷ USD, theo công bố của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Các thống kê của Trung tâm Thương mại quốc tế (ITC) cho thấy hiện nay, cá tra - basa của Việt Nam đang thống lĩnh gần như hoàn toàn thị trường cá da trơn toàn cầu.
Thị phần xuất khẩu cá da trơn 2018 và sản lượng cá tra thu hoạch tại các nước sản xuất chính - Nguồn: ITC |
Triển vọng đối với ngành hàng này thậm chí còn tươi sáng hơn nữa. Tổ chức Nông Lương Liên hiệp quốc (FAO) dự báo dân số thế giới sẽ vượt 8,5 tỷ người vào năm 2030, trong khi nhu cầu tiêu thụ cá sẽ tăng lên mức bình quân 18,2 kg/người/năm vào năm 2030 (năm 2010 là 17,2 kg/người/năm).
Nhưng đáng chú ý, theo FAO, ngành đánh bắt cá từ tự nhiên sẽ không tăng trưởng theo nhu cầu tiêu thụ nói trên để đảm bảo đa dạng sinh học. Vì vậy, nhu cầu đối với thủy sản nuôi trồng sẽ tăng nhanh hơn tốc độ tăng dân số. Tỷ lệ thủy sản nuôi trong tổng nguồn cung được dự báo sẽ tăng từ 47% trong năm 2016 lên 54% vào năm 2030.
Dân số toàn cầu, nhu cầu cá đến 2030 và tỷ trọng thủy sản đánh bắt so với nuôi trồng trên toàn cầu - Nguồn: FAO |
Đánh giá về tiềm năng xuất khẩu thủy sản của Việt Nam, FAO cho rằng, với những lợi thế nuôi trồng tương đối bền vững cùng nhu cầu tiêu dùng ngày càng tăng, Việt Nam đang có những yếu tố thuận lợi cho hoạt động xuất khẩu trong dài hạn. Mặc dù, các bất ổn liên quan đến căng thẳng thương mại Mỹ - Trung, Mỹ - Châu Âu và sự kiện Brexit có thể kéo giảm giá xuất khẩu trong ngắn hạn.
EVFTA, Trung Quốc là động lực tăng trưởng trong dài hạn
Đánh giá về triển vọng xuất khẩu cá tra sang châu Âu (EU), CTCP Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng, hiệp định thương mại từ do Việt Nam - EU (EVFTA) được ký kết tháng 6/2019 sẽ là nhân tố tích cực hỗ trợ ngành cá tra phục hồi tại thị trường này.
Theo các cam kết, thuế nhập khẩu vào châu Âu sẽ giảm từ 5,5% về 0% trong vòng 3 năm đối với cá tra phi lê đông lạnh và từ 7% xuống còn 0% trong vòng 7 năm đối với cá tra chế biến.
Bên cạnh thị trường châu Âu, hiện nay Trung Quốc cũng đang nổi lên là thị trường tiềm nhiều tiềm năng cho Việt Nam. Số liệu từ VASEP cho thấy, xuất khẩu cá tra vào Trung Quốc đã tăng tốc kể từ năm 2013 với tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm (CAGR) giai đoạn 2013-2018 đạt 42%/năm.
Xuất khẩu cá tra vào Trung Quốc và sản lượng thủy sản của Trung Quốc giảm dần - Nguồn: VASEP, CTCK Rồng Việt |
Đặc biệt, ngành thủy sản Trung Quốc cũng đang ghi nhận nhiều thay đổi có lợi cho xuất khẩu cá tra Việt Nam, trong đó có việc Trung Quốc nâng cao các quy định bảo vệ môi trường và nuôi trồng bền vững dẫn đến việc giảm sản lượng sản xuât.
Ngoài ra, từ tháng 7/2018, Trung Quốc cũng đã giảm thuế nhập khẩu cá tra đông lạnh từ 12% xuống còn 7%, đồng thời giảm thuế VAT thủy sản từ 10% xuống 9% từ tháng 4/2019. Đây đều được coi là những động lực tăng trưởng cho hoạt động xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường Trung Quốc trong dài hạn.
Chất lượng và hợp chuẩn giúp “bùng nổ”
Tuy nhiên, chất lượng và tính hợp chuẩn của sản phẩm là những thách thức đáng kể nhất mà ngành cá tra - basa của Việt Nam phải vượt qua.
Thực tế thời gian qua cho thấy, các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam là Mỹ và châu Âu không chỉ ngày càng đòi hỏi cao hơn về các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, nuôi trồng bền vững, đóng gói, ghi nhãn và kiểm dịch mà còn có động cơ bảo vệ nền sản xuất trong nước. Qua đó, chính phủ nhiều nước đã có các biện pháp áp thuế nhập khẩu và thuế chống bán phá giá lên cá tra nhập khẩu từ Việt Nam.
Đối với thị trường trọng điểm là Mỹ, đạo luật Farm Bill 2014 của Mỹ có hiệu lực từ giữa năm 2017 hiện vẫn đang gây những khó khăn nhất định cho hoạt động xuất khẩu của Việt Nam.
Theo Farm Bill 2014, tất cả các lô hàng cá da trơn nhập khẩu vào Mỹ phải được kiểm tra bởi Cục Kiểm dịch và An toàn thực phẩm (FSIS) thuộc Bộ Nông nghiệp Mỹ. Farm Bill cũng đòi hỏi Việt Nam phải chứng minh được sự tương đồng trong hệ thống giám sát an toàn vệ sinh thực phẩm với Mỹ để được tiếp tục xuất khẩu vào Mỹ.
Với những rào cản kỹ thuật đó, xuất khẩu vào Mỹ trong thời gian đầu đã gặp nhiều khó khăn do số lượng cơ sở được FSIS ủy quyền thực hiện kiểm tra rất ít so với lượng hàng cần kiểm tra. Mặc dù vậy, vào tháng 9/2018, Mỹ đã sơ bộ công nhận tương đồng cho hệ thống quản lý cá tra của Việt Nam.
Ngoài ra, với việc không chú trọng hoạt động truyền thông đã khiến sản lượng xuất khẩu vào thị trường châu Âu sụt giảm liên tục trong 8 năm từ năm 2010-2017 dưới tác động của nhiều thông tin sai lệch. Điển hình là vụ “bôi nhọ” hình ảnh cá tra trên một kênh truyền hình Tây Ban Nha trong năm 2017 với cáo buộc các cơ sở nuôi tại Việt Nam gây ảnh hưởng xấu đến môi trường và cho cá ăn các thức ăn tự sản xuất không đảm bảo vệ sinh và các thành phần dinh dưỡng.
Tuy nhiên, với việc Mỹ bước đầu công nhận hệ thống quản lý cá tra Việt Nam tương đồng với hệ thống của Mỹ sẽ là một bảo chứng cho hình ảnh cá tra đối với không chỉ người tiêu dùng Mỹ mà cả thế giới.
Cho nên, chất lượng và khả năng đảm bảo sản phẩm phù hợp tiêu chuẩn của các thị trường… sẽ là nhân tố giúp xuất khẩu cá tra - basa của Việt Nam phát triển bùng nổ trong thời gian tới.