Thu hút đầu tư vào khu du lịch quốc gia
Theo quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, hiện tại, cả nước có 49 địa điểm tiềm năng phát triển KDLQG. Trong đó, có 28 địa điểm đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch phát triển tổng thể KDLQG; 06 địa điểm được công nhận là KDLQG.
Đặc biệt, việc doanh nghiệp tham gia vào quản lý và điều hành đã giúp tách bạch chức năng quản lý và khai thác. Các cơ quan chuyên môn của tỉnh thực hiện công tác quản lý nhà nước đối với khu du lịch. Doanh nghiệp đầu tư tự chủ về tài chính nên các quyết định quản lý và phát triển khu du lịch rất nhanh chóng, hiệu quả.
Ảnh minh họa |
Tuy nhiên, việc đầu tư xây dựng khu du lịch phụ thuộc vào chủ đầu tư. Trong trường hợp chủ đầu tư không có đủ tiềm lực tài chính hoặc không có đủ khả năng huy động vốn sẽ dẫn tới chậm tiến độ, thậm chí dừng triển khai thực hiện dự án, ảnh hưởng không nhỏ tới quy hoạch và kế hoạch phát triển du lịch của địa phương. Mặt khác, đôi khi vì tối đa hóa lợi nhuận, các doanh nghiệp chưa thực hiện đúng những quy định của pháp luật. Chính vì vậy, cần có sự quản lý của nhà nước trong quá trình đầu tư xây dựng và khai thác.
Vấn đề này cũng đã được đặt ra tại dự thảo nghị định mô hình ban quản lý KDLQG (sau đây gọi tắt là Dự thảo) mà Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang lấy ý kiến hoàn thiện. Cụ thể, khoản 1 Điều 3 Dự thảo quy định “Khu du lịch quốc gia do doanh nghiệp đầu tư hình thành là khu du lịch, trong đó doanh nghiệp trực tiếp đầu tư xây dựng, hình thành, phát triển...”.
Tuy nhiên, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phân tích, chiểu theo quy định này, doanh nghiệp chỉ được phép quản lý KDLQG do chính doanh nghiệp xây dựng, hình thành từ đầu, đối với các KDLQG đã có từ trước thì doanh nghiệp không được tham gia quản lý, khai thác. Việc này là loại trừ khả năng chuyển đổi quyền quản lý khu du lịch từ nhà nước sang doanh nghiệp.
Vì vậy VCCI đề nghị xem xét mở rộng chính sách cho phép doanh nghiệp được tham gia quản lý các KDLQG đã có sẵn. Bởi Luật Du lịch hiện không giới hạn chủ thể hình thành khu du lịch là cơ quan nhà nước hay doanh nghiệp, cũng không cấm doanh nghiệp tiếp nhận quản lý các KDLQG. Hơn thế, việc doanh nghiệp tham gia quản lý khu du lịch là phương án quản lý đang được triển khai trên thế giới, như mô hình phối hợp quản lý giữa chính quyền địa phương và tổ chức của người bản địa ở Công viên quốc gia Uluru-Kata Tjuta của Úc; Công viên lịch sử quốc gia Fort Sumter và Fort Moultrie của Mỹ.
Theo VCCI không có KDLQG nào đơn thuần hình thành từ đầu. Yếu tố quan trọng nhất của một KDLQG là “tài nguyên du lịch”, đây cũng là điều kiện tiên quyết khi xác định một địa điểm có thể phát triển thành khu du lịch hay không. Điều này được thể hiện tại Luật Du lịch và Nghị định 168/2017/NĐ-CP.
Trong khi đó, việc doanh nghiệp đầu tư hình thành hoặc phối hợp với địa phương quản lý KDLQG có nhiều lợi ích như: Thu hút nguồn lực xã hội, áp dụng kiến thức, kỹ năng chuyên môn sâu và hiện đại vào quản lý, bảo tồn, bảo vệ môi trường; vốn của doanh nghiệp sẽ được sử dụng hiệu quả hơn so với ngân sách nhà nước. Thực chứng ở Việt Nam mô hình hợp tác công - tư tại quần thể danh thắng Tràng An được coi là điển hình tốt về phát triển bền vững, hiệu quả trong bảo tồn và lan tỏa giá trị của di sản.
Do đó, cần tạo điều kiện cho doanh nghiệp gia nhập thị trường lĩnh vực này. “Tuy nhiên, cần thiết kế các quy định về cơ chế chuyển đổi, trình tự thủ tục dành cho việc chuyển đổi quyền quản lý KDLQG từ nhà nước sang doanh nghiệp”, VCCI đề xuất.
VCCI cũng chỉ ra dự thảo hiện không quy định riêng một điều về quản lý KDLQG do doanh nghiệp đầu tư hình thành. Khoản 4 Điều 8 Dự thảo chỉ quy định trách nhiệm của doanh nghiệp trong quản lý KDLQG mà chưa rõ điều kiện, trình tự, thủ tục thực hiện việc đầu tư này được thực hiện theo văn bản nào. Như đây có phải là lĩnh vực không có điều kiện gia nhập thị trường hay không? Cơ chế quản lý của doanh nghiệp như thế nào để bảo đảm nguồn tài nguyên thiên nhiên của quốc gia được giữ gìn, bảo tồn và phát triển?
“Những vấn đề này cần làm rõ để tạo động lực thu hút doanh nghiệp tham gia đồng thời cần xây dựng cơ chế giám sát, phối hợp cụ thể của cơ quan nhà nước ở các KDLQG do doanh nghiệp quản lý theo hướng đặc thù hơn”, VCCI cho biết.