Thúc đẩy công nghệ blockchain phát triển: Cần tạo hành lang pháp lý
Ứng dụng Blockchain: Còn nhiều thách thức Ứng dụng blockchain cần có cơ chế Thị trường blockchain Việt Nam có nhiều điểm sáng |
Những nội dung đáng chú ý trên được các đại biểu Quốc hội thuộc Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban: Kinh tế, Pháp luật, Tài chính - Ngân sách, Tư pháp, Quốc phòng - An ninh, Đối ngoại... trao đổi tại Hội thảo “Ứng dụng công nghệ Blockchain trong nền kinh tế số”, diễn ra ngày 29/9, do Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường và Hiệp hội Blockchain Việt Nam tổ chức.
Chuyển đổi công nghệ đột phá là cơ hội để bứt phá, vươn lên
|
Toàn cảnh hội thảo |
Công nghệ blockchain với những ứng dụng vượt trội
Theo ông Hoàng Văn Huây, Chủ tịch VBA, nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, công nghệ blockchain được biết đến nhiều hơn trong vòng 5 năm trở lại đây. Công nghệ này trong sản xuất được ví như một "cuốn sổ cái" để theo dõi quá trình sản xuất, giúp nâng cao hiệu quả và quản lý toàn diện quá trình sản xuất; trong lĩnh vực y tế, chăm sóc sức khỏe với ứng dụng quản lý bệnh lý, thiết bị theo dõi sức khỏe và đưa ra phản hồi; trong giáo dục giúp tự động thực hiện các điều khoản của nội quy đào tạo, xử lý các trường hợp vi phạm nội quy.
Trong lĩnh vực thương mại điện tử, blockchain giúp cho vấn đề bảo mật quản lý chuỗi cung ứng, quá trình vận chuyển hàng hóa đến người tiêu dùng, giảm chi phí so với cách làm truyền thống vốn tạo nên nhiều rào cản giữa người tiêu dùng và nhà sản xuất; trong lĩnh vực bán lẻ giúp ghi chép thông tin chính xác với tính bảo mật cao. Nó cho phép quản lý hồ sơ về từng mặt hàng, vị trí của nó, cách xử lý, mọi thiệt hại trong quá trình phân phối, từ đó hỗ trợ hiệu quả cho các nhà bán lẻ.
Trong lĩnh vực nông nghiệp, blockchain giúp quản lý chuỗi cung ứng sản phẩm, hàng tồn kho, lưu trữ thông tin hàng hóa, quy trình chăm sóc, các tiêu chuẩn cho thực phẩm sạch, truy xuất nguồn gốc, kiểm soát vòng đời sản xuất nông sản.
Ngoài ra, blockchain còn được ứng dụng trong lĩnh vực vận tải, logicstis và nhiều lĩnh vực khác nữa.
Thông tin thêm về ứng dụng này, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy cho biết: Hiện nay, ứng dụng blockchain ở trên thế giới rất mạnh mẽ, trong nhiều lĩnh vực với quy mô ngày càng lớn.
Trong khi đó với Việt Nam, chiến lược đổi mới sáng tạo và công nghệ đến năm 2030 là ứng dụng khoa học công nghệ mới vào trong các lĩnh vực. Để thúc đẩy kinh tế - xã hội và công nghệ sáng tạo, chủ trương của Đảng, Nhà nước cũng nêu rõ ưu tiên các ứng dụng công nghệ hiện đại như trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây, blockchain...
Trên thực tế, các ưu thế, tiềm năng phát triển và ứng dụng thực tiễn của công nghệ blockchain cũng đã được sử dụng nhiều tại Việt Nam, như dịch vụ tài chính, quản lý danh tính, chuỗi cung ứng và giao dịch tài chính...
Để tạo hành lang pháp lý cho công nghệ blockchain phát triển, nhiều Luật, Nghị quyết đã được Quốc hội đưa ra với mục đích ứng dụng khoa học công nghệ vào đời sống như: Dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi), dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) có đề cập đến chiến lược chuyển đổi số quốc gia...
Ứng dụng Blockchain được sử dụng nhiều trong lĩnh vực tài chính |
Tạo hành lang pháp lý để thúc đẩy công nghệ blockchain phát triển
Tuy nhiên, theo ông Lê Quang Huy, ngoài những thuận lợi, tiện ích của các ứng dụng công nghệ mới như blockchain mạng lại thì việc ứng dụng những công nghệ này vào trong thực tiễn cuộc sống cũng đặt ra những thách thức.
Chẳng hạn, vấn đề liên quan đến hành lang pháp lý nhằm thúc đẩy công nghệ blockchain, kinh nghiệm tiếp cận và quản lý tài sản số từ các quốc gia, nền kinh tế lớn... đang đặt ra những thách thức và cơ hội đối với các nhà lập pháp Việt Nam.
Hiện nay, tại Việt Nam, tài sản số tuy chưa có hành lang pháp lý đầy đủ nhưng đã được đề cập tại một số văn bản quy phạm pháp luật, thể hiện sự chủ động tiếp cận các vấn đề mới của các cơ quan quản lý và các cơ quan lập pháp trong việc thúc đẩy tiến trình phát triển nền kinh tế số và thực hiện thành công cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 theo Nghị quyết số 52-NQ/TW của Bộ Chính trị và phát triển nền kinh tế số theo định hướng chỉ đạo của Đại hội Đảng XIII.
Trong khi đó, ông Hoàng Văn Huây thông tin, nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ đã ban hành quy định quản lý tài sản số như Hoa Kỳ, Trung Quốc, Liên minh châu Âu, Nhật Bản, Hồng Kông (Trung Quốc), Singapore,... nhằm tăng cường bảo vệ người dùng và nhà đầu tư, phòng chống tội phạm tài chính, thúc đẩy đổi mới và cạnh tranh công bằng...
“Việt Nam cần gấp rút nắm bắt thời cơ hiện tại để triển khai hệ thống pháp lý hoàn chỉnh nhằm thúc đẩy sự phát triển của công nghệ nói chung và công nghệ blockchain nói riêng”, ông Huây khuyến nghị.
Đồng quan điểm, ông Vũ Văn Xứng - Cục trưởng Cục Quản lý Mật mã dân sự và Kiểm định sản phẩm mật mã (Ban Cơ yếu Chính phủ) góp ý thêm rằng cần có sự nghiên cứu về việc thay đổi khung khổ pháp lý để xử lý những vi phạm về tài sản "ảo".
Cùng chia sẻ về chủ đề này, bà Lưu Hương Ly - Trưởng phòng Pháp luật Dân sự, Vụ Pháp luật Dân sự - Kinh tế (Bộ Tư pháp), cho rằng một số người khởi nghiệp lo ngại về tài sản "ảo", tội phạm lừa đảo khi sử dụng công nghệ mới, trong đó có công nghệ blockchain. Điều này cũng có thể ảnh hưởng tới môi trường đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam.
Theo bà Ly, các cơ quan lập pháp cần nghiên cứu công nghệ blockchain và các tài sản "ảo" có những rủi ro gì để đưa ra những quy định quản lý chặt chẽ hay thay đổi về khung khổ pháp lý một cách kịp thời.
Ông Phan Đức Trung, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Blockchain, đề xuất các nhà lập pháp tiếp cận các hình thái tài sản mới, tài sản số dưới góc độ Bộ luật Dân sự năm 2015 trong lúc nghiên cứu, soạn thảo các bộ luật mới.