Chuyển đổi công nghệ đột phá là cơ hội để bứt phá, vươn lên
Hoán chuyển những rủi ro, thách thức từ bên ngoài thành cơ hội cho Việt Nam |
Toàn cảnh phiên thảo luận |
Trao đổi về những thành tựu và những hạn chế của nền kinh tế, TS.Nguyễn Đình Cung - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, trong năm 2023, cân đối ổn định vĩ mô, duy trì an sinh xã hội tạo đà cho phát triển. Tuy nhiên, vẫn còn những điểm yếu mang tính cơ cấu như nền kinh tế còn bị phân mảnh. Nền kinh tế mở nhưng mức độ năng lực hội nhập của doanh nghiệp tư nhân trong nước còn thấp nên khó tận dụng cơ hội của hội nhập mang lại.
Mặt khác, hệ thống thể chế không còn phù hợp để huy động đủ nguồn lực và sử dụng nguồn lực có hiệu quả, tạo bứt phá cho tăng trưởng. Điều này thể hiện ở việc Quốc hội liên tục ban hành thể chế khác biệt cho các địa phương hay để thực hiện dự án quan trọng quốc gia.
Doanh nghiệp là động lực vô cùng quan trọng của nền kinh tế, tuy nhiên, hiện nay nhiều doanh nghiệp đã rút khỏi thị trường. Đề xuất giải pháp để huy động nguồn lực này, khai thông nguồn sức mạnh nội sinh của nền kinh tế, ông Nguyễn Đình Cung cho rằng, trong cái khó khăn luôn luôn ló ra những cơ hội. Nhiều doanh nghiệp có thể nắm bắt cơ hội đó. Tuy nhiên nhà nước phải tạo môi trường để họ nắm bắt cơ hội. Trong đó phải kể đến cải cách môi trường kinh doanh, tháo bỏ rào cản; giúp doanh nghiệp giảm chi phí, miễn phí, miễn thuế. Điều này sẽ tăng cầu tiêu dùng tốt hơn.
TS Nguyễn Đình Cung tham gia thảo luận tại Diễn đàn |
“Tuy nhiên doanh nghiệp cần nhà nước làm những việc này một cách nhất quán, mạnh mẽ hơn; đảm bảo lòng tin của doanh nghiệp. Các văn bản, chính sách phải công khai, minh bạch, đảm bảo tính chuẩn xác”, ông Cung đề nghị.
Bàn về động lực tăng trưởng kinh tế, TS.Nguyễn Đình Cung nêu rõ, nền kinh tế Việt Nam tiếp tục mở rộng độ mở nhưng thực tế quá trình hội nhập có phần nào chậm lại, có thể có đứt gãy và thay đổi định hướng. Các nước phát triển thay đổi tư duy củng cố nền tảng tăng tính tự lực, tự cường, từ đó thay đổi chuỗi cung ứng.
Bên cạnh đó, xu thế mới về tăng trưởng xanh, chuyển đổi số, kinh tế tuần hoàn… trở thành tiêu chuẩn, quy chuẩn của sản xuất, tiêu dùng ở những nước bạn hàng của Việt Nam. Vì vậy để duy trì tăng tưởng xuất khẩu đòi hỏi các doanh nghiệp phải thay đổi.
Trước bối cảnh trên, theo TS.Nguyễn Đình Cung cần làm sống động lại năng lực nội sinh của của doanh nghiệp, theo đó hỗ trợ doanh nghiệp.
Đồng thời, không thể tiếp tục dựa trên lợi thế chi phí thấp mà phải đầu tư để đổi mới công nghệ, quy trình sản xuất, chuyển đổi sản xuất xanh hơn, tuần hoàn, giảm phát thải. Phải đa dạng hóa thị trường, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi tối đa cho xuất khẩu, khuyến khích đổi mới sáng tạo, áp dụng khoa học công nghệ và xem như thước đo nội sinh để nâng cao năng lực cạnh tranh. Thay đổi chế độ khuyến khích đầu tư…
TS.Nguyễn Đình Cung nhấn mạnh, đổi mới sáng tạo phải trở thành động lực nội sinh của doanh nghiệp, để doanh nghiệp thực sự có động lực đổi mới.
Ở góc độ một ngành sản xuất lớn của Việt Nam cho xuất khẩu, ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch tập đoàn dệt may Việt Nam cho biết, chúng ta cần nhận định rõ vấn đề sụt giảm của 2023 là ngắn hạn thì phải tìm giải pháp ngắn hạn. Đối với ứng dụng công nghệ, đổi mới và phát triển bền vũng, đây được coi là giải pháp trung và dài hạn. Do đó, chúng ta phải áp dụng các giải pháp rất phù hợp cho tình hình này.
Trong khi kiến tạo động lực cho tăng trưởng và phát triển bền vững, ông Trường đề nghị cần tìm kiếm nguyên nhân, giải pháp cho vấn đề cụ thể. Những sụt giảm trong năm 2023 và tình thế ngắn hạn, phải đưa ra các giải pháp ngắn hạn. Còn phát triển bền vững, đổi mới mô hình tăng trưởng, đổi mới khoa học công nghệ là việc trung hạn và dài hạn. Nếu không tách bạch được hai nội dung này sẽ không đưa ra được giải pháp phù hợp.
Xuất khẩu dệt may của Việt Nam đã sụt giảm so với năm trước, trong khi đó Bangladesh là quốc gia hiếm hoi tăng trưởng. Vừa qua, Hiệp hội nhập khẩu dệt may Hoa Kỳ đã đưa ra 12 tiêu chí đánh giá, lựa chọn quốc gia, nhập khẩu hàng hóa dệt may. Việt Nam được đánh giá đạt được nhiều tiêu chí về phát triển bền vững hơn Trung Quốc và Bangladesh.
Điều này đòi hỏi chúng ta phải tìm phương thức sản xuất hợp lý nhất. Nhưng về vĩ mô cần cân đối lãi suất, tỷ giá, cách tiếp cận vốn để duy trì ổn định. Do đó, chúng ta phải phân biệt rõ giải pháp ngắn hạn, trung hạn và dài hạn.
Dưới góc nhìn của mình, TS. Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright cho rằng, nếu chúng ta nhìn nhận kinh tế xanh như một nền kinh tế sử dụng hiệu quả, tiết kiệm tài nguyên và hạn chế tác động tới môi trường, như vậy sẽ tác động ngay lập tức tới các lĩnh vực, mọi mặt của đời sống xã hội, làm thay đổi thói quen tiêu dùng. Như vậy, đòi hỏi phải có tầm nhìn và quan điểm khác hoàn toàn so với trước.
TS. Vũ Thành Tự Anh cho biết, kinh nghiệm của thế giới cho thấy, chỉ khi nào có sự chuyển đổi của những công nghệ đột phá và những xu hướng mới thì đó là cơ hội của những quốc gia đi sau bứt phá và vươn lên. Đây cũng chính cơ hội của Việt Nam và chúng ta cần phải nắm bắt cơ hội này.
TS. Vũ Thành Tự Anh khẳng định, xu thế về chuyển đổi xanh là xu thế của tương lai, đây chính là sự đánh đổi giữa ngắn hạn và dài hạn. Nếu chúng ta đầu tư vào chuyển đổi xanh ở thời điểm này thì sẽ tốn rất nhiều chi phí. Vấn đề là chúng ta có chấp nhận tăng trưởng và làm tổn hại đến thiên nhiên và tài nguyên hay không. Do đó, TS. Vũ Thành Tự Anh đề nghị cần có một tầm nhìn, lộ trình cụ thể để đi từ ngắn hạn đến dài hạn, phát triển bền vững.