Thức tỉnh văn hóa doanh nghiệp
Vũ khí để vượt qua khủng hoảng
Theo số liệu mới nhất từ Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, số doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn trong tháng 5/2020 là 3.342 doanh nghiệp, tăng 43,7% so với cùng kỳ năm 2019. Số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể là 3.083 doanh nghiệp, tăng 47,6% so với tháng 5/2019 và tăng 42,3% so với tháng 4/2020. Qua đó có thể thấy, Covid-19 đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội như thế nào.
Công ty Vũ Trụ Xanh sáng chế ra ATM gạo |
Tuy nhiên, giữa cuộc “sàng lọc” khắt khe của dịch bệnh, nhiều doanh nghiệp vẫn vượt qua, và có thể tăng tốc mạnh mẽ khi dịch bệnh chấm dứt. Ông Phạm Duy Hiếu, Ủy viên Ủy ban nhân sự ABBank cho rằng, nếu coi dịch Covid-19 là một liều thuốc thử thì những doanh nghiệp đã xây dựng được văn hóa của mình từ nhiều năm trước đây sẽ giữ được thăng bằng, thậm chí là có cơ hội “đảo ngược thế cờ”, vươn lên vượt xa đối thủ khi khủng hoảng qua đi.
Cũng đồng quan điểm, bà Hà Thu Thanh - Phó Chủ tịch VTCA, Chủ tịch Deloitte Việt Nam cho rằng văn hóa doanh nghiệp chính là sức mạnh tiềm ẩn phi tài chính, là yếu tố cốt lõi hàng đầu để duy trì giá trị, sức mạnh của doanh nghiệp và là “vũ khí” cạnh tranh đặc biệt quan trọng và khác biệt của doanh nghiệp.
Theo bà Thanh, khi có khủng hoảng, văn hóa doanh nghiệp là yếu tố nền tảng để trợ lực cho sự tăng trưởng, để doanh nghiệp có thể đứng vững và vực dậy mạnh mẽ hơn.
Dẫn một số ví dụ, bà Thanh cho biết, đơn cử như Công ty may TNG Thái Nguyên có 13.000 lao động, gặp nhiều khó khăn vì dịch bệnh nhưng không cắt giảm người nào, nộp tiền bảo hiểm đầy đủ, giãn thời gian thanh toán, giữ nguyên hợp đồng lao động khiến toàn bộ nhân viên rất tin tưởng, sẵn sàng đồng lòng cùng công ty vượt qua khủng hoảng. Công ty cổ phần Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) với 300 cửa hàng trên toàn quốc ngay lập tức đóng cửa vì dịch, thu nhập đi xuống nhưng gần chục nghìn nhân viên vẫn rất tin tưởng vào đội ngũ lãnh đạo, sẵn sàng tạm nghỉ không lương 6 tháng để chờ kinh tế hồi phục.
Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp còn dựa trên những nền tảng sẵn có cùng với văn hóa sáng tạo để làm nên những điều khác biệt giữa đại dịch. Ví dụ như Công ty Metran, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát cung cấp máy thở, Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) ủng hộ các sản phẩm sữa, Công ty Vũ Trụ Xanh sáng chế ra ATM gạo, Công ty ABC Bakery sản xuất bánh mỳ thanh long để giải cứu nông sản... Đó chính là những ví dụ cụ thể nhất để chứng minh cho sức mạnh của văn hóa doanh nghiệp.
Đã đến lúc “thức tỉnh”
Theo ông Hiếu, dịch Covid -19 gây ra một sự gián đoạn về giao tiếp, thay vì đến làm việc trực tiếp, người lao động phải cách ly, làm việc tại nhà. Vì vậy, qua đây sẽ xuất hiện những hành vi mới như làm online, tuyển cộng tác viên… Lúc này văn hóa doanh nghiệp sẽ tạo ra sự gắn kết để mỗi người trong công ty có thể làm việc hiệu quả mà không cần gặp mặt trực tiếp. Đồng thời, qua đây, mỗi doanh nghiệp cũng tự ý thức được sự cần thiết phải linh hoạt và thích nghi trong mọi hoàn cảnh.
Theo các chuyên gia, hiện vẫn còn nhiều doanh nghiệp chưa chú trọng đến việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp. Bên cạnh đó, cũng nhiều doanh nghiệp chưa hiểu rõ bản chất văn hóa doanh nghiệp. Dịch Covid-19 như một hồi chuông cảnh tỉnh mạnh mẽ để các nhà lãnh đạo nhận ra tầm quan trọng của văn hóa doanh nghiệp, nhất là trong khủng hoảng. Đây cũng là “khoảng lặng” hiếm hoi không chỉ để các doanh nghiệp có thể tái cấu trúc bộ máy, mà còn nhìn nhận lại và xây dựng văn hóa doanh nghiệp đúng tầm phục vụ cho mục tiêu phát triển ổn định.