Thương mại biên giới: Gập ghềnh qua ải thủ tục
Phiền toái và tốn kém
Có chính sách ưu tiên, giảm đầu mối hành chính và thủ tục không cần thiết… là các kiến nghị mà nhiều DN chuyển tới ngành hải quan, với mục đích khơi thông mạnh mẽ dòng chảy hàng hóa xuất nhập khẩu vốn đang chiếm khoảng 170% GDP của Việt Nam mỗi năm. Bởi trên thực tế, hoạt động Hải quan đang cho thấy nhiều phiền hà với DN.
Cắt giảm thời gian thủ tục để cải thiện môi trường kinh doanh
Đại diện một DN than phiền, ở các chi cục hải quan phía Bắc, thời gian khai hải quan, kiểm tra hàng hóa, chứng từ và giải tỏa hàng hóa mất đến 3 - 4 ngày làm việc; thời gian kiểm tra chất lượng và có kết quả về kiểm tra chất lượng hàng hóa mất khoảng 2 - 3 tuần. Theo vị này, việc tuân thủ các quy định của hải quan khiến DN mất nhiều chi phí, không chỉ là thời gian mà cả tiền bạc do lỡ nhịp sản xuất, đáp ứng đơn hàng…
Chia sẻ thêm, ông Trần Minh Tuân, Giám đốc chuỗi cung ứng Công ty LG Việt Nam cho biết, việc tái xuất những mặt hàng không đủ điều kiện sản xuất, bị lỗi trong quá trình vận chuyển của DN này gặp quá nhiều phiền toái. Cụ thể là hải quan vùng này cho phép tái xuất, nhưng vùng khác lại không. Do đó, DN phải xin ý kiến của Bộ Công Thương một lần nữa mới hoàn chỉnh giấy phép…
Thừa nhận điều này, nhưng ông Phạm Thanh Bình, cán bộ của Tổng cục Hải quan giải thích, có nhiều cơ quan Nhà nước tham gia vào quản lý xuất nhập khẩu, đồng thời cũng có nhiều văn bản điều chỉnh mà cơ quan hải quan phải thực hiện. Trong khi đó, các văn bản này nhiều khi lại không quy định thống nhất và đồng bộ với nhau. Điều này dẫn đến việc kéo dài thời gian thông quan của các lô hàng qua biên giới…
Thực tế, ngành hải quan đã chủ động giảm thiểu thời gian thông quan. Tại Cảng Hải Phòng, mấy năm trước các cán bộ tại đây đã bỏ tiền mua máy photo copy và giấy để photo chứng từ nhằm giảm thời gian làm thủ tục cho DN, các phần việc về kỹ thuật như nhập số liệu, thông tin chuyển sang làm buổi tối, nhưng vẫn chưa thể đáp ứng yêu cầu vì lượng hàng và giao dịch hải quan ngày càng nhiều.
Về thời gian thông quan, phía ngành hải quan thừa nhận, do chỉ nắm được số liệu về ngành mình nên đến nay kết quả đo đếm đến nay chưa thể công bố. Chỉ biết rằng, trong tổng số thời gian để 1 lô hàng hóa được giao dịch qua biên giới thì cơ quan hải quan chiếm khoảng 30%, tính từ khi hàng đến cho đến khi hàng đi. Ở các nguồn số liệu khác, một tham khảo là báo cáo của Dự án Chương trình quản trị tăng trưởng toàn diện của USAID.
Theo đó, thời gian xuất nhập khẩu của Việt Nam khi giao dịch thương mại qua biên giới là 21 ngày. Ông Olin McGill, chuyên gia quốc tế về phát triển môi trường kinh doanh tính toán: mỗi ngày chậm trễ thông quan hàng hóa sẽ làm giảm 1% giá trị về thương mại.
Cải cách không chỉ có hải quan
Ông Olin McGill nhận định, muốn xây dựng kế hoạch cắt giảm thời gian của các thủ tục liên quan đến xuất nhập khẩu qua biên giới thì trước hết phải hiểu được tầm quan trọng và lượng hóa được chi phí của việc trì hoãn thương mại. Các tính toán cho thấy, Việt Nam có thể giảm thời gian tuân thủ thủ tục hải quan từ 21 ngày hiện nay xuống 14 ngày. Theo đó, với mục tiêu giảm 7 ngày thì Việt Nam có thể tăng kim ngạch xuất khẩu khoảng 8,73 tỷ USD/năm (tính theo số liệu năm 2012). Với phía nhập khẩu cũng đạt con số tương ứng.
Kiến nghị đơn giản hóa thủ tục, theo các DN, hải quan cần có sự thống nhất giữa các bộ phận, giữa đội ngũ cán bộ của mình. Trong trường hợp DN đã được ký duyệt đồng ý của đội quản lý thuế hải quan áp mã HS tên nguyên liệu nhập về, thì đội nghiệp vụ hải quan khi mở tờ khai không thể yêu cầu sửa mã HS, tên hàng khai chi tiết hơn... Nếu làm vậy sẽ mất nhiều thời gian cho DN để hoàn thành thủ tục khai báo. Đồng thời, cần phải có sự thống nhất giữa đội quản lý thuế, đội nghiệp vụ và đội kiểm hóa về việc đăng ký mã hàng, tên hàng, mã HS trước khi nhập xuất lô hàng đầu tiên để tránh sau này không phải sửa chữa, khai báo, đăng ký lại ảnh hưởng cả đến quá trình thanh khoản.
Kỳ vọng, việc cải cách thủ tục hải quan sẽ làm thay đổi bảng xếp hạng của Việt Nam hiện nay. Tuy nhiên, việc tạo thuận lợi cho hàng hóa thông thương qua biên giới lại không chỉ là nhiệm vụ của cơ quan hải quan mà còn của nhiều bộ, ngành khác. Mà một trong những lý do chính khiến việc cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa hồ sơ hải quan đã được cải thiện nhiều, nhưng thực tế thời gian hàng hóa thông quan lại chưa được đẩy nhanh là bởi sự kết hợp giữa các cơ quan Nhà nước chưa chặt chẽ.
Chỉ số thương mại qua biên giới đo lường gồm: giấy tờ, chứng từ cần có để xuất nhập khẩu như chứng từ ngân hàng thông quan, về cảng và xếp dỡ, vận tải; thời gian cần có để xuất nhập khẩu (ngày) như xin, điền và nộp các chứng từ, vận tải nội địa, thủ tục thông quan, kiểm tra, cảng vụ và xếp dỡ (không bao gồm thời gian vận tải biển); chi phí để xuất nhập khẩu (đô la/công ten nơ) là tất cả chứng từ, chỉ có chi phí vận tải, thủ tục thông quan, kiểm tra cảng vụ và xếp dỡ (không bao gồm thời gian vận tải biển). Theo USAID, xếp hạng thương mại qua biên giới của Việt Nam được xác định: chứng từ xuất khẩu là 5 và xếp hạng 43; ngày để xuất khẩu 21 và xếp hạng 118, chi phí xuất khẩu 610 và xếp hạng 12. |
Hà Sơn