Doanh nghiệp thủy sản vượt khó
Ngành thủy sản ứng phó với tác động từ dịch bệnh | |
Thủy sản không đạt mục tiêu nhưng không thất vọng | |
Vì hoạt động đánh bắt thủy sản bền vững |
Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep) cho biết, ảnh hưởng của dịch bệnh tại Trung Quốc (một trong những thị trường nhập khẩu thủy sản lớn nhất của Việt Nam) đã khiến kim ngạch xuất khẩu thủy sản sang thị trường này ngừng trệ, kéo tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản trong tháng 2/2020 giảm 12,5% so với cùng kỳ năm 2019. Hiện nay, vẫn còn nhiều doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc đang bị tồn kho. Chi phí bảo quản đông lạnh đang là áp lực, dù doanh nghiệp có kho lạnh hay phải đi thuê. Chưa hết, những doanh nghiệp đã xuất khẩu hàng (cá ngừ, cá tra, tôm….) đi trong năm lại đang bị chậm thanh toán hợp đồng từ các ngân hàng Trung Quốc.
Thêm vào đó, một số hãng tàu biển lớn trên thế giới cũng tạm dừng nhận hàng đi Trung Quốc. Thậm chí, một số khách hàng nhập khẩu thủy sản lớn (như đối tác tại Nhật Bản) đã đề nghị tàu hàng không đi qua Trung Quốc. Mặc dù từ nay đến hết tháng 3/2020, những tác động của dịch bệnh đến xuất khẩu thủy sản chưa quá trầm trọng, vì thông thường, sớm nhất cũng phải sau tháng 3, tháng 4 hàng năm, các đơn hàng nhập thủy sản của Trung Quốc mới bắt đầu tăng đơn đặt hàng lên, nhưng hiện doanh nghiệp ngành thủy sản cũng đang bắt đầu tìm biện pháp khắc phục khó khăn.
Dịch bệnh đang ảnh hưởng sâu đến xuất khẩu thủy sản Việt Nam |
Ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch Hội đồng Quản trị công ty cổ phần thực phẩm Sao Ta (doanh nghiệp xuất khẩu tôm) cho rằng, nếu tình hình dịch bệnh có thể kiểm soát tốt trong tháng tới, thì nhóm sản phẩm thủy sản xuất khẩu lớn của Việt Nam như tôm, cá tra sẽ không ảnh hưởng nhiều, vì đang còn đầu năm, chưa vào chính vụ thu hoạch. Ngược lại, nếu dịch bệnh kéo dài đến tháng 4, tháng 5 thì doanh nghiệp sẽ thiệt hại đáng kể. Cần nhắc lại rằng, Trung Quốc là một trong 4 thị trường xuất khẩu thủy sản lớn nhất của Việt Nam (chiếm 16% - 17% tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản), nên những diễn biến từ đây sẽ tác động rất lớn đến sản xuất và xuất khẩu của Việt Nam. Để ứng biến với khó khăn thấy trước này, doanh nghiệp thủy sản trước mắt có hai cơ hội có thể nắm bắt. Đó là, chuẩn bị nguồn lực (nguyên liệu, trang thiết bị) để sản xuất hàng đông lạnh, đồ hộp. Bởi khi có dịch bệnh, thói quen ăn uống của người dân sẽ thay đổi, nhiều khách hàng chuyển sang dùng đồ hộp thay vì hàng tươi sống. Cơ hội thứ hai là một số mặt hàng xuất khẩu của Trung Quốc cạnh tranh trực tiếp với hàng Việt Nam (như cá ngừ) đang bị giảm sâu cả về số lượng và kim ngạch tại các thị trường lớn như Mỹ, nên doanh nghiệp Việt có nhiều hơn cơ hội tăng đơn hàng xuất vào đây.
Những cơ hội khác mà doanh nghiệp thủy sản có thể khai thác tăng xuất khẩu cũng được Vasep cụ thể hóa như, năm 2020 thế giới sẽ diễn ra nhiều sự kiện lớn như, Thế vận hội Olympic Tokyo 2020, vòng chung kết bóng đá Châu Âu (Euro 2020)… Đây là dịp thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng thủy sản trên thị trường Nhật Bản và các nước EU, trong đó có nhóm sản phẩm thế mạnh của Việt Nam là tôm, vốn rất được người tiêu dùng EU và Nhật Bản ưa chuộng. Ngoài ra, do dịch bệnh bùng phát nên hầu hết thị trường tiêu thụ lớn trên thế giới (Mỹ, EU, Nhật Bản, Úc, Trung Đông…) giảm nhập hàng hóa từ Trung Quốc ít nhất là đến hết 2020. Doanh nghiệp Việt có thể tận dụng cơ hội này để tăng xuất khẩu.
Theo ông Trương Đình Hòe, khó khăn trong việc xuất khẩu thủy sản là không thể tránh khỏi trong bối cảnh hiện nay, vì vậy bên cạnh việc tìm giải pháp giữ ổn định xuất khẩu, doanh nghiệp cần tập trung gia tăng thị phần ở thị trường nội địa. Thực tế là gần đây, người tiêu dùng trong nước hiện bắt đầu chú ý và đón nhận nhóm sản phẩm thủy hải sản đông lạnh và chế biến sẵn, nhất là nhóm hàng xưa nay thường chỉ dành để xuất khẩu như cá thu, cá ngừ đại dương, cá trứng, bạch tuộc…; hay nhóm sản phẩm giá trị gia tăng cao từ cá tra (chả, lạp xưởng cá…), tôm (chạo, bánh phồng, tôm bọc cốm…). Chú ý chuyển hướng đến thị trường nội địa này, doanh nghiệp có thêm cơ hội tìm hiểu thói quen tiêu dùng của người dân trong nước, để thực hiện song song cả sản xuất, chế biến hàng xuất khẩu và tiêu thụ nội địa.