Ngành thủy sản ứng phó với tác động từ dịch bệnh
Cần giúp nông dân tiêu thụ nông sản | |
Lo ngại virus corona, người dân hạn chế giao dịch tiền mặt | |
Ngân hàng cảnh báo hiện tượng lợi dụng thông tin dịch bệnh để lừa đảo |
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trung Quốc là một trong những thị trường lớn đối với các mặt hàng thuỷ sản xuất khẩu của Việt Nam, Báo cáo của bộ cho thấy, năm 2019, xuất khẩu thuỷ sản của nước ta sang thị trường 1,4 tỷ dân này có mức độ tăng trưởng 22% so với 2018. Trong đó, một số sản phẩm có mức tăng mạnh như tôm tăng 17%, cá tra tăng 61,5%; mực và bạch tuộc tăng 16,1%... Song, từ đầu năm 2020 đến nay, nhiều nhà nhập khẩu Trung Quốc đã thông báo cho các DN xuất khẩu thủy sản của Việt Nam tạm dừng việc giao hàng cho đến khi có thông tin tiếp theo, do những tác động từ tình hình dịch cúm nCoV.
Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến thủy sản Việt Nam (Vasep) cho biết, hiện tại tác động đối với việc hủy đơn hàng thủy sản do dịch cúm nCoV chưa có, nhưng đã xuất hiện tình trạng chậm đơn hàng, điều chỉnh đơn hàng từ phía các DN Trung Quốc.
Các DN phải chủ động có kế hoạch chế biến, trữ lạnh và đẩy mạnh việc tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ mới |
Thực tế, đến nay đã có một số hãng tàu biển lớn ngưng nhận các container hàng chở đi Trung Quốc. Trong khi đó, các khách hàng lớn ở Nhật Bản cũng đề nghị không đưa hàng qua Trung Quốc trước khi cập cảng nước này. Nhiều nhà nhập khẩu đến từ thị trường EU, Mỹ, mặc dù đầu năm 2020 có chương trình sang thăm, đánh giá nhà máy tại Việt Nam để lên kế hoạch nhập khẩu hàng hóa tiếp theo, nhưng trong bối cảnh hiện nay đã tạm ngưng.
Theo thông tin các DN báo cáo về Vasep, hàng loạt DN thủy sản có hàng xuất sang Trung Quốc với sản lượng lớn hiện đang bị tồn kho, phải chịu phí tồn kho khoảng 0,9-1,1 USD/pallet. Ông Nam cũng cho rằng, dịch cúm nCoV là rủi ro đối với nền kinh tế nói chung và ngành thủy sản nói riêng, nhưng qua đây, các nhà khai thác, chế biến thủy hải sản của Việt Nam có thể xem xét cơ cấu lại sản xuất, chuyển dần sang chế biến đồ hộp, đông lạnh, phù hợp với nhu cầu tiêu dùng hiện đang tăng cao, lại có thể bảo quản được lâu dài.
Bên cạnh đó, Trung Quốc là 1 trong 5 nước bán cá ngừ lớn, cạnh tranh với các DN đánh bắt cá ngừ của Việt Nam, nhưng hiện nay, việc tiêu thụ sản phẩm của các DN Trung Quốc không được thuận lợi, nên giá giảm sâu. Vì vậy, các DN cá ngừ Việt Nam có thể coi đây là cơ hội để gia tăng thị phần. Nhìn rộng hơn, các DN xuất khẩu thủy sản cũng cần đa dạng hóa, tránh phụ thuộc vào một thị trường nhất định để không bị rơi vào tình trạng khó khăn khi xảy ra sự cố.
Trước diễn biến phức tạp của dịch nCoV, vừa qua Bộ Công thương đề nghị các DN ngành thủy sản theo dõi sát diễn biến hoạt động xuất khẩu với Trung Quốc. Mặt khác, các DN cũng phải chủ động có kế hoạch chế biến, trữ lạnh và đẩy mạnh việc tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ mới. Theo Cục Xuất nhập khẩu, do hiện tại công tác phòng chống dịch đang được thực hiện nghiêm ngặt nên việc vận chuyển, giao nhận hàng hóa tại các cửa khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc bị hạn chế, nên việc ảnh hưởng đến hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa nói chung và thủy sản nói riêng khó tránh khỏi.
Chính vì vậy, Bộ Công thương cũng đưa ra khuyến cáo, các DN cần thực hiện nghiêm túc hoạt động xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc theo thông lệ quốc tế, nâng cao chất lượng, triển khai tốt các quy định về truy xuất nguồn gốc, cơ sở sản xuất cũng như các yêu cầu liên quan nhằm đáp ứng quy định, tiêu chuẩn đã thỏa thuận với nước nhập khẩu, tránh phát sinh rủi ro và giảm thiểu thiệt hại trong quá trình sản xuất, kinh doanh. Ngoài ra, cũng cần dự tính phương án ứng phó với khả năng dịch bệnh diễn biến phức tạp, lan rộng, kéo dài dẫn đến việc giao thương với Trung Quốc gặp khó khăn hơn nữa, thậm chí không thể thực hiện được, để từ đó có phương án kịp thời chuyển hướng xuất khẩu sang thị trường khác, đưa vào chế biến, trữ lạnh, tập trung chế biến đồ hộp, thậm chí lên phương án tiêu thụ trong nước để chủ động đối phó với tình hình.
Theo đánh giá của Bộ Công thương, tình hình dịch bệnh nCoV sẽ tiếp tục có diễn biến ngày càng phức tạp, khó dự đoán về thời điểm kiểm soát hiệu quả bệnh và sẽ gây ảnh hưởng trong ngắn hạn và dài hạn đến hợp tác thương mại, kinh tế giữa Việt Nam và Trung Quốc ở 3 phương diện: xuất khẩu các sản phẩm nông, thủy sản của Việt Nam sang Trung Quốc; giao lưu, trao đổi và giao dịch giữa DN hai nước; tiến trình thúc đẩy đàm phán mở cửa thị trường và tháo gỡ khó khăn đối với một số sản phẩm có thế mạnh của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc |