Tiếp tục củng cố ổn định để phát triển lâu dài bền vững
Vì sự phát triển an toàn, lành mạnh hệ thống Quỹ tín dụng nhân dân | |
Chính sách bảo hiểm tiền gửi: Thúc đẩy sự phát triển của QTDND |
Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú |
Trong tương lai, đây vẫn là một kênh dẫn vốn cần thiết để huy động vốn tại chỗ, giải quyết cho vay phục vụ sản xuất tiêu dùng, cho vay hộ gia đình, góp phần hạn chế tín dụng đen… Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú chia sẻ với phóng viên Thời báo Ngân hàng.
Thưa ông, ông có thể chia sẻ với bạn đọc về kết quả phát triển của hệ thống QTDND sau gần 30 năm hình thành và phát triển?
Có thể nói trong những năm qua, Đảng, Nhà nước và Chính phủ đã quan tâm sâu sắc đối với khu vực kinh tế hợp tác nói chung và loại hình QTDND nói riêng. Điều này có thể thấy qua việc hoàn thiện hành lang pháp lý cho hoạt động của mô hình HTX, từ các văn bản luật đến các nghị quyết của Đảng để nâng cao hiệu quả của mô hình. Với hệ thống QTDND, Bộ Chính trị có riêng Chỉ thị 57-CT/TW về củng cố, hoàn thiện và phát triển hệ thống QTDND. Cùng với đó là các chỉ đạo của Chính phủ riêng về hệ thống QTDND mà mới nhất là Chỉ thị 06/CT-TTg của Thủ tướng đầu năm 2019.
Đặc biệt, trong vai trò cơ quan chủ quản, NHNN đã xác định củng cố, hoàn thiện và phát triển QTDND là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành Ngân hàng nên đã tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện các chính sách của Đảng, Chính phủ. Từ việc kịp thời xây dựng, ban hành các cơ chế, quy chế và các văn bản hướng dẫn liên quan đến tổ chức và hoạt động của hệ thống QTDND, đến việc chỉ đạo kiên quyết các giải pháp củng cố, chấn chỉnh hoạt động của hệ thống QTDND một cách thường xuyên, qua đó khắc phục được một bước những tồn tại, yếu kém trong hoạt động của QTDND. Đồng thời, tiến hành hoàn thiện mô hình hệ thống QTDND phù hợp với từng giai đoạn để phát huy vai trò của QTD trong việc khai thác và cung ứng vốn tại chỗ cho các lĩnh vực nông nghiệp-nông thôn, vùng kinh tế khó khăn trong cả nước.
Những trợ lực bằng nguồn vốn, bằng cơ chế, chính sách đã góp phần đưa hệ thống QTDND phát triển cả về chất và lượng so với ngày đầu chuyển đổi mô hình năm 1993, mà đặc biệt rõ nét là sau khi triển khai Chỉ thị 57. Tính đến nay, hệ thống QTDND có gần 1.200 quỹ hoạt động trên 57/63 tỉnh thành phố, với gần 1,6 triệu thành viên. Dư nợ cho vay của hệ thống QTDND tăng dần qua từng năm, từ 2.633 tỷ đồng vào năm 2003 đến nay đã đạt trên 90.483 tỷ đồng, tăng gấp hơn 34 lần.
Thưa ông, khi tổng kết việc triển khai Nghị quyết 13-NQ/TW và thực thi Luật HTX, người ta bàn nhiều đến mô hình và hiệu quả trong bối cảnh mới của nền kinh tế và hội nhập. Vậy vấn đề này có được đặt ra với hệ thống QTDND, nhất là sau một số vụ việc sai phạm của một số QTDND vừa qua?
Phát triển kinh tế tập thể là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước trong giai đoạn tới, trong đó có hệ thống QTDND. Tuy nhiên trải qua 26 năm, các điều kiện kinh tế - xã hội đã thay đổi rất nhiều so với ngày đầu thành lập hệ thống QTDND. Đó là sự phát triển mạnh mẽ của hệ thống các TCTD với sự xuất hiện của NHCSXH và các tổ chức tài chính vi mô, đã phần nào chiếm lĩnh thị trường truyền thống của các QTDND.
Cùng với đó là xu hướng mở rộng hoạt động kinh doanh về nông thôn của hệ thống các NHTM, các công ty tài chính đã tác động đáng kể đến thị phần và nhu cầu sử dụng các dịch vụ ngân hàng của các thành viên, khách hàng của QTDND. Việc tăng cường ứng dụng công nghệ trong hoạt động ngân hàng cung ứng các sản phẩm tín dụng nhỏ lẻ đến từng bản làng vùng xâu, vùng xa của các TCTD cũng đang ảnh hưởng đến vai trò của QTDND tại nhiều địa phương.
Những đột phá trong công nghệ đặc biệt là CMCN 4.0 đang làm thay đổi phương thức cung cấp dịch vụ tài chính, ảnh hưởng lớn đến hoạt động của hệ thống TCTD, trong đó có QTDND khiến các QTDND đứng trước những áp lực bên ngoài về cạnh tranh và bên trong là đổi mới hoạt động, nâng cao năng lực nội tại và hiệu quả hoạt động.
Những sự thay đổi này khiến cơ chế quản lý và tổ chức vận hành hệ thống QTDND hiện nay có nhiều chỗ không còn phù hợp. Đây cũng là một nguyên do khi một số quy định được ban hành song khó thực thi, tạo kẽ hở để xảy ra một số sai phạm của một số QTD trong thời gian vừa qua.
Vì vậy, cần phải đặt sự phát triển của hệ thống QTDND trong một bối cảnh mới, trong một nhận diện mới để phân tích thấu đáo về thực trạng của QTD tại mỗi địa phương để có những sắp xếp, quy định và chế tài hợp lý, khả thi. Từ đó từng bước định hướng phát triển cũng như tìm ra cơ chế quản lý mới, hoặc phải đổi mới cơ chế tổ chức vận hành hệ thống QTDND trong điều kiện mới cho phù hợp yêu cầu hiện tại.
Đổi mới cơ chế tổ chức vận hành hệ thống QTDND phù hợp với yêu cầu mới |
Vậy chắc hẳn những chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, NHNN cũng như việc sửa đổi ban hành hàng loạt các văn bản pháp luật vừa qua đều là hướng đến mục tiêu này, thưa ông?
Các chỉ đạo của Chính phủ, NHNN cũng như hàng hoạt các văn bản quy phạm pháp luật mới được ban hành cho hệ thống QTDND vừa qua, đặc biệt là Thông tư 21 vừa mới ban hành nhằm tạo ra bước chuyển tiếp cho hệ thống trước khi bước vào một giai đoạn phát triển mới. Nói cách khác là những giải pháp này nhằm giải quyết trước mắt những vấn đề tồn tại đang hiện hữu trong hệ thống QTDND và cũng là để thực hiện Đề án tái cơ cấu các TCTD cũng như đề án cơ cấu lại hệ thống QTDND nhằm đảm bảo ổn định an toàn lành mạnh và hiệu quả, tránh đổ vỡ và an toàn hệ thống.
Theo đó, NHNN đã xây dựng và chuyển dần sang cơ chế quản lý theo quy mô, cấp độ gia tăng tài sản có của mỗi QTD; hoàn thiện cơ chế tăng cường gắn kết trách nhiệm và quyền lợi giữa các thành viên của QTDND cũng như liên kết giữa mỗi QTDND, NHHT, Hiệp hội QTDND, Quỹ bảo toàn để tạo sự an toàn hệ thống QTD.
Thời gian tới, NHNN cũng sẽ rà soát đánh giá quy mô thị trường trên từng địa phương để tiếp tục sắp xếp lại, xác định sự cần thiết khách quan số lượng QTDND tại từng tỉnh, thành phố bằng các hình thức tổ chức lại hợp lý, áp dụng các điều kiện, quy định cho yêu cầu an toàn, ổn định là mục tiêu trước mắt. Đồng thời, tăng cường các chính sách, cơ chế hỗ trợ khi gặp khó khăn về thanh khoản, tương trợ lẫn nhau trong quá trình hoạt động giữa các QTDND cho đúng với bản chất mô hình của loại hình tín dụng hợp tác.
Vậy thưa ông, mục tiêu xa hơn mà NHNN đặt ra đối với hệ thống QTDND là gì?
Trước yêu cầu cần một mô thức quản lý mới, vừa qua, chúng tôi có đợt đi khảo sát ở Tập đoàn Desjardins, Canada, là mô hình QTD mà chúng ta vận dụng vào Việt Nam những năm cuối thế kỷ 20. Đáng nói là gần 30 năm qua, hệ thống QTD ở nước bạn đã thay đổi rất nhiều để thích ứng và đóng góp lớn vào sự phát triển của đất nước, thì ở Việt Nam chúng ta hầu như vẫn giữ nguyên mẫu hoặc là đổi mới không đáng kể.
Đến thời điểm hiện tại, Desjardins có hơn 5 triệu thành viên và đưa ra nhiều quyền lợi để chăm sóc thành viên để họ gắn bó với quỹ. Trong đó, có việc cung cấp gần như tất cả các loại dịch vụ tài chính, ngân hàng cho khách hàng và thành viên của quỹ với các loại hình đa dạng như các sản phẩm tiết kiệm và tín dụng cơ bản; các dịch vụ bảo hiểm nhân thọ và bảo hiểm tai nạn; các dịch vụ uỷ thác, quỹ tương hỗ, tín dụng nông nghiệp, đầu tư và hoạt động ‘‘liên quỹ’’; các dịch vụ tự động, chứng khoán, tư vấn, kinh doanh quốc tế... Liên đoàn có vai trò kết nối hỗ trợ và định hướng hoạt động cho cả hệ thống quỹ cũng làm tốt công tác an sinh xã hội cho chính địa phương có thành viên của mình, và chia cổ tức cho thành viên nên đã thực sự tạo mối gắn kết bền chặt giữa thành viên với QTD.
Tuy nhiên, nguyên tắc quán triệt bất di bất dịch của họ là QTD không có chuyện cho vay ra ngoài thành viên, huy động ngoài thành viên.
Vai trò liên kết hệ thống của NHHTX Việt Nam cũng chủ yếu là trong việc cho vay hỗ trợ các QTDND khi thiếu vốn và một vài chức năng khác. Trong khi đó, Liên đoàn QTD của Canada có vai trò rất lớn, có rất nhiều chính sách ràng buộc hệ thống chặt chẽ và có nguồn lực rất lớn để làm “bà đỡ” cho hệ thống. Vốn của Liên đoàn góp vào quỹ khoảng 30%, cung cấp sự hỗ trợ về công nghệ và các dịch vụ có liên quan nhằm giúp các quỹ ngày càng phát triển, đối phó tốt hơn với sự cạnh tranh gay gắt của các ngân hàng thương mại.
Khi một quỹ suy yếu, lập tức Liên đoàn can thiệp bơm vốn vào, khi quỹ làm sai thì Liên đoàn đưa người xuống tiếp quản, rồi trực tiếp tuyển cán bộ lãnh đạo các cấp của quỹ. HĐQT do thành viên bầu, nhưng giám đốc thì phải đáp ứng đủ các điều kiện tiêu chuẩn của Liên đoàn và tuân theo những quy định khá chặt chẽ nếu như không muốn nói là khắt khe.
Từ thực tế của Việt Nam và những khảo nghiệm mô hình QTDND ở một số nước, tới đây chúng tôi sẽ có những nghiên cứu tổng thể, thấu đáo về mọi phương diện. Tất cả để hướng tới xây dựng một nền tảng quản lý tổ chức vận hành mới cho sự phát triển của hệ thống QTDND theo kinh tế thị trường và phù hợp chung tiến trình tái cơ cấu các TCTD; Tiếp tục củng cố giữ vững bản chất loại hình tổ chức theo quy tắc tín dụng hợp tác xã, liên kết hệ thống phát huy vai trò của hệ thống QTD.
Tuy nhiên, nó phải được đặt trong một cơ chế quản lý và tổ chức vận hành với khuôn khổ pháp lý chặt chẽ đảm bảo cho sự an toàn, lành mạnh và phát triển bền vững chung với hệ thống các TCTD. Chúng tôi cũng sẽ hoạch định, sắp xếp mạng lưới các TCTD sao cho hợp lý, đảm bảo sự tồn tại và tiếp tục phát huy được vai trò tác dụng của hệ thống QTDND. Đồng thời, xây dựng hệ thống liên kết đủ mạnh, vì chỉ có vậy mới có thể tồn tại và phát triển bền vững.
Tuy nhiên, việc cải cách hệ thống QTD hướng đến các mục tiêu lâu dài là việc làm cần có lộ trình phù hợp, không làm ảnh hưởng đến vai trò và những kết quả tích cực hiện nay đối với các quỹ vẫn đang hoạt động ổn định lành mạnh và phát triển.
Xin cảm ơn những chia sẻ của Phó Thống đốc!