Tìm giải pháp thúc đẩy cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước tại doanh nghiệp
Cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước là chủ trương lớn, một trong 3 trụ cột trong quá trình tái cơ cấu nền kinh tế, đã được khẳng định trong Nghị quyết Đại hội XII; Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2020.
Toàn cảnh diễn đàn |
“Kết quả công tác cổ phần hóa, thoái vốn đã có tác động tích cực tới sự phát triển của thị trường chứng khoán, đồng thời nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp sau cổ phần hóa, hầu hết các doanh nghiệp nhà nước sau cổ phần hóa đều sản xuất, kinh doanh có hiệu quả, nộp ngân sách và thu nhập của người lao động được nâng lên”, ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính Doanh nghiệp (Bộ Tài chính), cho biết.
Theo ông Nguyễn Như Quỳnh, Tổng giám đốc Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội, doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa là trụ cột của thị trường chứng khoán Việt Nam. Nếu tính riêng số doanh nghiệp niêm yết thì hiện có đến 162 doanh nghiệp nhà nước, chiếm 44%, còn trên thị trường UPCoM thì có đến 457 doanh nghiệp cổ phần hóa, chiếm 54%.
Tuy nhiên, việc triển khai cổ phần hóa, thoái vốn còn chậm so với kế hoạch đề ra. Thông tin tới Diễn đàn, Tổng biên tập Tạp chí Tài chính Doanh nghiệp Hà Khắc Minh cho biết đến nay mới hoàn thành cổ phần hóa 35/127 doanh nghiệp, đạt 27,5% danh mục doanh nghiệp cổ phần hóa giai đoạn 2017-2020; hoàn thành bán vốn Nhà nước tại 88/403 doanh nghiệp, đạt 21,8% danh mục doanh nghiệp hoàn thành thoái vốn giai đoạn 2017-2020.
Đánh giá về những hạn chế, tồn tại của quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, ông Đặng Quyết Tiến cho hay, hiện một số bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước còn chưa thực sự nghiêm túc triển khai kế hoạch cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và chấp hành chế độ báo cáo.
Vẫn còn nhiều tồn tại trong quá trình tái cơ cấu |
Trong khi đó, vai trò, nhận thức, trách nhiệm của người đứng đầu doanh nghiệp, đơn vị còn chưa cao, chưa quyết liệt trong việc đổi mới hoạt động của doanh nghiệp, công khai minh bạch, đúng quy định pháp luật, đảm bảo nguyên tắc thị trường, chống lợi ích nhóm trong cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước.
Quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước cần có nhiều thời gian để xử lý vướng mắc về tài chính, đất đai, lao động trong giai đoạn trước cổ phần hóa làm kéo dài thời gian thực hiện cổ phần hóa. Đặc biệt là vấn đề xác lập hồ sơ pháp lý đất đai do UBND địa phương thực hiện chậm, kéo dài thời gian hơn so với quy định dẫn đến các doanh nghiệp phải điều chỉnh tiến độ cổ phần hóa.
Tỷ lệ vốn Nhà nước trong phương án cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước còn cao dẫn đến giảm sức hút đối với các nhà đầu tư mua cổ phần, ảnh hưởng đến thành công của việc cổ phần hóa.
Nhiều doanh nghiệp chậm đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán làm ảnh hưởng đến tính công khai, minh bạch của thị trường, chậm đổi mới công tác quản trị doanh nghiệp sau cổ phần theo thông lệ và chuẩn mực của các doanh nghiệp trên thị trường chứng khoán, cũng như hạn chế công tác giám sát của toàn xã hội đối với hoạt động của các doanh nghiệp này.
Ông Nguyễn Như Quỳnh đề xuất: Tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách liên quan đến cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước; Có biện pháp đôn đốc và xử lý nghiêm đối với những doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa từ trước đây nhưng vẫn chưa đưa cổ phiếu lên UPCoM.
“Cơ quan chức năng cũng cần có các giải pháp nhằm tăng tính thanh khoản của thị trường chứng khoán, đặc biệt là thị trường UPCoM. Cùng với đó là phải nâng cao tính công khai, minh bạch và chất lượng hoạt động, quản trị của doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa”, ông Quỳnh khuyến nghị.