Tín dụng ưu đãi: Trợ lực cho người có hoàn cảnh khó khăn
Tín dụng ưu đãi ở Yên Bái: Hướng tới mục tiêu giảm nghèo bền vững | |
Giá trị nhân văn từ tín dụng ưu đãi đặc biệt | |
Hiệu quả từ chính sách tín dụng ưu đãi đặc thù |
Đến huyện Kiến Xương, Thái Bình, hầu như ai cũng biết đến anh Lại Văn Điệp - Giám đốc Công ty TNHH Đồ gỗ mỹ nghệ người tàn tật, bởi tên tuổi của anh đã gắn với nhiều phần thưởng cao quý của Đảng và Nhà nước, của Trung ương Đoàn trao tặng như: 10 gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu; 20 thanh niên làm theo lời Bác; Bằng khen của Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH…
Tuy nhiên, ít ai biết rằng, để có được cơ sở sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ và ăn nên làm ra như hiện nay, anh Điệp đã phải không ngừng nỗ lực với ý chí nghị lực cao cùng sự hỗ trợ tích cực từ nguồn vốn ưu đãi của NHCSXH.
Nguồn vốn ưu đãi đã giúp anh Lại Văn Điệp viết nên câu chuyện cổ tích giữa đời thường |
Bản thân là một thanh niên khuyết tật, với thân hình teo rút ngay từ lúc sinh ra, song anh Điệp đã không ngừng tập luyện phấn đấu. Với niềm đam mê cháy bỏng là có thể tự lập nuôi sống bản thân, giảm gánh nặng cho gia đình và xã hội nên anh quyết tâm trở thành một người thợ chạm khắc gỗ mỹ nghệ. Và không dừng lại ở đó, anh còn thành lập Công ty TNHH Đồ gỗ mỹ nghệ người tàn tật và được Sở LĐ-TB&XH tỉnh Thái Bình cấp giấy chứng nhận sản xuất kinh doanh dành riêng cho người tàn tật.
Nhớ lại những ngày đầu thành lập công ty với số vốn ít ỏi, anh Điệp đã phải đi rất nhiều TCTD trên địa bàn để tìm hiểu và xin vay vốn đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, hầu hết các NHTM đều e ngại trong việc cho vay vì cho rằng công ty hoạt động với lao động chủ yếu là người khuyết tật sẽ không đem lại hiệu quả. Thế rồi, với sự giúp đỡ của tỉnh đoàn, huyện đoàn huyện Kiến Xương, Phòng giao dịch NHCSXH huyện Kiến Xương, anh Điệp đã được tiếp cận chương trình vay vốn Hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm dành cho người tàn tật từ nguồn vốn của Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh với lãi suất vay ưu đãi.
Như được tiếp thêm động lực, sau khi nhận vốn vay từ NHCSXH vào năm 2015 với số tiền 300 triệu đồng, anh Điệp đã mạnh dạn mở rộng đầu tư, mua máy móc, tuyển dụng lao động (chủ yếu là lao động khuyết tật) để sản xuất kinh doanh. Đến năm 2017, khi quy mô công ty được mở rộng và hiệu quả, anh tiếp tục vay thêm 195 triệu đồng từ nguồn vốn vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm nâng tổng số tiền vay tại NHCSXH lên 495 triệu đồng. Nhờ vào vốn vay ưu đãi mà công ty đã không ngừng phát triển về quy mô, sản xuất thêm nhiều mặt hàng thủ công mỹ nghệ cao cấp, tạo được việc làm cho người lao động (đặc biệt là lao động khuyết tật có cùng hoàn cảnh như bản thân).
“Được sự quan tâm của các cấp chính quyền địa phương, Phòng giao dịch NHCSXH huyện Kiến Xương, công ty không ngừng tăng trưởng và doanh thu hàng năm đạt 7 tỷ đồng, đáp ứng cho 30 lao động, trong đó 16 lao động là người khuyết tật với mức lương trung bình 7 triệu đồng/người/tháng. Đến nay tôi đã trả nợ trước hạn được cho NHCSXH số tiền 350 triệu đồng”, anh Điệp chia sẻ.
Câu chuyện “cổ tích” của anh Điệp - một trong số khách hàng của NHCSXH càng minh chứng rằng, nguồn vốn cho vay ưu đãi đang rất hiệu quả, tiếp thêm nghị lực ý chí cho những người có hoàn cảnh khó khăn và người lao động ở nông thôn.
Điểm giao dịch NHCSXH tại xã đem lại tiện ích cho người nghèo và các đối tượng chính sách |
Theo Phòng giao dịch NHCSXH huyện Kiến Xương, trên địa bàn huyện đã và đang thực hiện cho vay 9/9 chương trình tín dụng chính sách, với tổng dư nợ đạt gần 400 tỷ đồng với gần 16 nghìn hộ có dư nợ. Chất lượng tín dụng trên địa bàn huyện đảm bảo, tỷ lệ nợ quá hạn thấp chiếm 0,016% tổng dư nợ.
Có được kết quả trên, bên cạnh sự chỉ đạo sát sao của huyện ủy, HĐND, UBND huyện, còn là tinh thần trách nhiệm, sự vào cuộc quyết liệt của cả tập thể Ban đại diện HĐQT NHCSXH huyện, của cấp ủy, chính quyền cấp xã, sự cố gắng của Phòng giao dịch NHCSXH huyện. Cùng với đó là sự vào cuộc quyết liệt của Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên và các trưởng thôn, tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn với nhiều giải pháp, bám sát cơ sở, bám sát hộ vay tích cực vận động, giải thích giúp hộ vay nhận thức đúng đắn nghĩa vụ, trách nhiệm trong việc hoàn trả nợ cho nhà nước.
Ông Đặng Văn Tính - Phó chủ tịch, Trưởng ban đại diện HĐQT NHCSXH huyện Kiến Xương cho biết, để phát huy vai trò và nâng cao hiệu quả của tín dụng chính sách xã hội, các cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền, các cơ quan, ban ngành của các địa phương tiếp tục tổ chức thực hiện tốt chủ trương huy động các nguồn lực cho tín dụng chính sách xã hội gắn với phát triển nông nghiệp, nông thôn, phát triển giáo dục, dạy nghề, tạo việc làm, bảo đảm an sinh xã hội và giảm nghèo bền vững. Nâng cao trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng, chính quyền địa phương trong việc củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng chính sách xã hội; làm tốt công tác rà soát, xác định đối tượng được vay vốn, đào tạo nghề và chuyển giao công nghệ với hoạt động cho vay vốn của NHCSXH, giúp người vay sử dụng vốn có hiệu quả.
Các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác vốn vay có trách nhiệm thực hiện đầy đủ các nội dung được ủy thác; phối hợp chặt chẽ với NHCSXH và chính quyền địa phương trong việc củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng chính sách xã hội; hướng dẫn bình xét đối tượng vay vốn; tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc thu hồi nợ đến hạn, hướng dẫn người vay sử dụng vốn hiệu quả; lồng ghép với các chương trình, dự án của các tổ chức chính trị - xã hội. Đồng thời làm tốt công tác tư vấn, hướng dẫn xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất, kinh doanh điển hình, giúp nhau vươn lênthoát nghèo và làm giàu.
Bên cạnh đó, thường xuyên củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động của Ban đại diện HĐQT; Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát nội bộ; Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp cho cán bộ làm công tác tín dụng nói chung và cán bộ tổ tiết kiệm và vay vốn nói riêng. Cùng với đó là nâng cao hiệu quả phương thức ủy thác cho các tổ chức chính trị - xã hội; Duy trì tốt hoạt động tại các điểm giao dịch cấp xã; phát triển các sản phẩm, dịch vụ hỗ trợ đem lại tiện ích cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác.