Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu có thể đạt 600 tỷ USD
Những tín hiệu khả quan
Tính chung 4 tháng đầu năm 2021, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước tính đạt 103,9 tỷ USD, tăng 28,3% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 25,77 tỷ USD, tăng 12,8%, chiếm 24,8% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 78,14 tỷ USD, tăng 34,4%, chiếm 75,2%. Trong 4 tháng có 19 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 84,5% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Kim ngạch xuất khẩu nhóm nông, lâm, thuỷ sản tháng 4 ước đạt 2,167 tỷ USD, giảm 10,6% so với tháng 3 và giảm 6,4% so với cùng kỳ năm 2020, chiếm 8,5% tổng kim ngạch xuất khẩu; song tính chung 4 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này ước đạt 8,25 tỷ USD, tăng 7,9% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu thủy sản và hàng rau quả ghi nhận sự phục hồi tăng 6,1% và 9,5% so với cùng kỳ năm 2020, đạt 2,39 tỷ USD và 1,35 tỷ USD. Đặc biệt, xuất khẩu cao su trong 4 tháng đầu năm tăng tới 79,6% về lượng và tăng 111,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020, đạt 486 nghìn tấn, trị giá 817 triệu USD... Trong khi xuất khẩu gạo trong 4 tháng đầu năm dù giảm 10,8% về khối lượng chỉ đạt 1,89 triệu tấn, nhưng trị giá tăng 1,2% đạt 1,01 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước.
Điện thoại các loại và linh kiện là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam |
Đối với nhóm hàng công nghiệp chế biến - chế tạo, tính chung 4 tháng kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này đạt 89,73 tỷ USD, tăng 31,2% so với cùng kỳ, chiếm 86,4% tổng kim ngạch xuất khẩu chung của cả nước. Đáng chú ý trong nhóm hàng này, kim ngạch xuất khẩu nhiều mặt hàng chủ lực đạt mức tăng trưởng 2 con số như: Điện thoại các loại và linh kiện đạt 18,4 tỷ USD, tăng 19,4% so với 4 tháng năm 2020; Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 15,85 tỷ USD, tăng 30,8%; Máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác đạt 12 tỷ USD, tăng tới 76,9%; Gỗ và sản phẩm gỗ đạt 4,9 tỷ USD, tăng 50,5%; Sắt thép các loại tăng 87,9%...
Xuất khẩu các mặt hàng may mặc, giày dép cũng cho thấy sự phục hồi tốt trong 4 tháng đầu năm. Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt và may mặc tăng 9% so với cùng kỳ năm 2020, đạt 9,5 tỷ USD; giày dép các loại tăng 18,7%, đạt 6,39 tỷ USD; Xơ, sợi dệt các loại tăng 43,4%, đạt 1,64 tỷ USD; Nguyên phụ liệu dệt may, da giày tăng 14,1%, đạt 642 triệu USD.
Như vậy hầu hết các mặt hàng kể trên đều đã bằng hoặc lấy lại đà tăng trưởng so với thời điểm trước khi xảy ra đại dịch Covid-19. Điều này sẽ góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy xuất khẩu chung của Việt Nam trong năm 2021.
Nỗ lực nhưng không được chủ quan
“Chúng ta đạt được kết quả này là một sự kỳ tích, đánh dấu thành tích của chúng ta trong việc thực hiện mục tiêu kép của Chính phủ là: vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế. Đây là điều mà bạn bè thế giới và các đối tác của chúng ta trên toàn thế giới hết sức ngưỡng mộ”, PGS-TS. Phạm Tất Thắng - chuyên gia thương mại đánh giá.
Theo ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu Bộ Công thương, việc xuất siêu sang thị trường Liên minh châu Âu (EU) đạt 7,3 tỷ USD trong 4 tháng qua, tăng 19,3 % so với cùng kỳ năm trước cho thấy chúng ta đã tận dụng khá tốt Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) nói riêng và các FTA nói chung. "Kết quả đạt được bên cạnh sự nỗ lực của các doanh nghiệp cũng có sự nỗ lực của các cơ quan quản lý nhà nước, đặc biệt là trong khâu cắt giảm thủ tục hành chính và tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp sản xuất và xuất nhập khẩu", ông Hải cho biết.
Bên cạnh đó, khi nhìn vào kim ngạch nhập khẩu hàng hóa 4 tháng (ước tính đạt 102,61 tỷ USD, tăng 30,8 % so với cùng kỳ năm trước, trong đó nhóm hàng tư liệu sản xuất ước tính đạt 96,31 tỷ USD, tăng 31,4 % so với cùng kỳ năm trước) cho thấy hoạt động sản xuất kinh doanh trong nước đã có nhiều khởi sắc, tạo đà cho tăng trưởng xuất khẩu trong thời gian tới. Sản xuất công nghiệp tháng sau cao hơn tháng trước, trong đó tháng 4 tăng 24,1% so với cùng kỳ của năm trước. Tính chung 4 tháng đầu năm, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 10% so với cùng kỳ, trong đó ngành chế biến, chế tạo tăng 12,7 % càng cho thấy rõ điều này.
Với các kết quả khả quan những tháng đầu năm nay, ông Trần Thanh Hải cho rằng kim ngạch xuất nhập khẩu cả năm 2021 có khả năng đạt trên 600 tỷ USD. Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều yếu tố tác động khó lường. “Có thể nói là hoạt động xuất khẩu của chúng ta đang tăng trưởng rất là tốt. Cũng đã có ý kiến cho rằng, với tốc độ tăng trưởng như hiện nay, đến cuối năm chúng ta có thể đạt mức tổng kim ngạch xuất nhập khẩu 600 tỷ USD. Tuy nhiên, quãng thời gian từ nay đến hết năm còn khá dài và còn tiềm ẩn các yếu tố bất lợi mà chúng ta có thể chưa lường hết. Chính vì vậy, cả cơ quan quản lý nhà nước, các hiệp hội, địa phương đến các doanh nghiệp không được phép chủ quan”, ông Hải nói và cho biết, yếu tố quan trọng nhất để giúp chúng ta đạt thành tích đó chính là chống dịch. Chính vì vậy việc không lơi là, chủ quan với phòng chống dịch Covid-19 sẽ là một yêu cầu hết sức thiết yếu để làm nền tảng cho việc duy trì đà tăng trưởng xuất khẩu trong thời gian tới.
Đồng quan điểm này, PGS-TS. Phạm Tất Thắng cho rằng, cùng với gia tăng kim ngạch xuất nhập khẩu, cần có các giải pháp để nâng cao giá trị gia tăng của hàng hóa xuất khẩu, trong đó cần tập trung vào các biện pháp tạo thuận lợi cho hàng hóa thông quan nhanh, giảm chi phí logistic.
Về việc tận dụng cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do, PGS-TS. Phạm Tất Thắng khuyến nghị: các doanh nghiệp lớn đã có kinh nghiệm trong hội nhập kinh tế quốc tế và khai thác tốt các thị trường FTA nên là hạt nhân lôi kéo các doanh nghiệp nhỏ và vừa đi theo thông qua sự liên kết, hợp tác ở cả đầu vào lẫn đầu ra trong quá trình sản xuất và tiêu thụ hàng hóa.