TP. Hồ Chí Minh: Vẫn lúng túng trong phát triển nhà ở xã hội
Dự án nhà ở xã hội vẫn gặp khó Gỡ khó cho thị trường bất động sản |
Vẫn nhiều nút thắt
Theo Sở Quy hoạch - Kiến trúc, những nút thắt trong đầu tư nhà ở xã hội hiện nay vẫn còn rất nhiều. Theo đó, rà soát các dự án nhà ở xã hội đầu tư giai đoạn 2016 – 2021 cho thấy đa số các đồ án quy hoạch phân khu trên địa bàn vẫn chưa xác định được vị trí, diện tích quỹ đất cho nhà ở xã hội. Hầu như tất cả các dự án đều vướng ở quy định bắt buộc tất cả các dự án đầu tư nhà ở thương mại tại các đô thị từ loại 3 trở lên phải dành 20% quỹ đất để xây dựng NƠXH (áp dụng theo Nghị định 100/2015/NĐ-CP và Nghị định 49/2021/NĐ-CP).
Theo các chuyên gia, điều này gây khó cho việc triển khai các cơ chế đặc thù đối với phát triển nhà ở xã hội tại một đô thị lớn, bởi nó loại trừ tính đặc thù và điều kiện của từng địa phương. Các dự án nhà ở thương mại có quy mô sử dụng đất nhỏ (dưới 2 hecta) tại các đô thị loại đặc biệt và loại I đều không thể dành diện tích để xây nhà ở xã hội vì không đủ diện tích tối thiểu để thực hiện theo tiêu chuẩn kiến trúc xây dựng. Chưa kể đối với các dự án nằm ở khu vực “đất vàng”, không khuyến khích loại hình nhà thấp tầng (do lãng phí quỹ đất và rủi ro lợi ích nhóm).
Nhiều dự án nhà ở xã hội chờ cơ chế mở để hoàn thiện các thủ tục đầu tư và đầy nhanh thi công |
TP. Hồ Chí Minh hiện nay có 9 dự án nhà ở xã hội đang được triển khai, trong đó có 5 dự án chuyển tiếp từ giai đoạn 2016-2020 nhưng tất cả đều đang vướng về thủ tục đầu tư và các thủ tục liên quan đến quy hoạch chi tiết. Nhiều dự án, mặc dù đã hoàn thành các thủ tục đầu tư, nhưng lại bị động về nguồn vốn do ngân sách hỗ trợ chưa giải ngân kịp thời, hoặc do không cân đối được giá thành và giá bán, từ đó gặp khó khăn trong việc xác định lợi nhuận định mức.
Ông Lê Hữu Nghĩa, Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng - Thương mại Lê Thành cho hay, đa số các dự án nhà ở xã hội khởi công là “để lấy ngày”, còn sau đó vẫn phải tiếp tục hoàn thành các thủ tục pháp lý và chuẩn bị nguồn vốn để thực hiện. “Đầu tư nhà ở xã hội hiện nay lãi 10%, nhưng thời gian làm mất khoảng 5 năm, mỗi năm lợi nhuận khoảng 2%, lợi nhuận này thua cả gửi tiết kiệm ngân hàng nên doanh nghiệp không mặn mà” – ông Nghĩa nói.
Tăng ngân sách và thúc từng dự án
Theo Sở Xây dựng TP. Hồ Chí Minh, hiện nguồn ngân sách dành cho phát triển nhà ở xã hội hạn chế. Sở đề xuất điều chỉnh tăng nguồn vốn ngân sách cho lĩnh vực này từ mức 1.177 tỷ đồng lên 3.770 tỷ đồng.
Cùng với đó, để bắt đầu triển khai một số cơ chế đặc thù đối với phát triển nguồn cung nhà ở xã hội, thành phố đã có những chỉ đạo đối với việc xác định vị trí các khu đất sẽ đầu tư các dự án nhà ở.
Cụ thể, đến đầu tháng 9/2023, TP. Thủ Đức và các quận huyện đã đề xuất thêm 13 khu đất để phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, nâng tổng số diện tích đất được đề xuất đầu tư lên mức gần 550 hecta (26 khu). Trong số này có 20 hecta tại các quận huyện nội thành, còn lại là các dự án dự kiến sẽ đầu tư tại các huyện ngoại thành như Bình Chánh, Nhà Bè, Hóc Môn, Củ Chi…
Thiếu nguồn cung nhà, cho vay gặp khó Theo Sở Xây dựng TP. Hồ Chí Minh, thiếu nguồn cung nhà ở xã hội là rào cản lớn dẫn tới hoạt động cho vay mua, thuê mua nhà ở xã hội không đạt hiệu quả như kỳ vọng. Các ngân hàng chỉ có thể cho vay khi dự án đã thành hình. Trong khi đó, trong tổng số 53,7 triệu m2 sàn nhà ở hoàn thành được trong giai đoạn 2016-2020 chỉ có 2% là nhà ở xã hội với 1,23 triệu m2 sàn (gần 15.000 căn hộ). Còn lại, 72% diện tích là nhà dân tự xây và 26% là nhà ở thương mại. |
Nhằm tháo gỡ nút thắt cho các dự án đang xây dựng dang dở hoặc đang hoàn thiện các thủ tục pháp lý, UBND thành phố mới đây đã có văn bản trực tiếp chỉ đạo tháo gỡ khó khăn cho 5 dự án chuyển tiếp từ giai đoạn 2016-2020 (bao gồm các dự án của Công ty Lê Thành, đầu tư tại Bình Chánh và Bình Tân và một số dự án đầu tư tại quận Bình Thạnh và quận 12).
Sở Xây dựng và Sở Quy hoạch-Kiến trúc cũng kiến nghị Bộ Xây dựng cho phép các chủ đầu tư các dự án nhà ở thương mại nếu có nhiều dự án đang được triển khai trên cùng một quận, huyện được hoán đổi diện tích đất để xây dựng nhà ở xã hội tập trung vào một dự án. Điều này được kỳ vọng sẽ tạo điều kiện cho chủ đầu tư tháo gỡ được nút thắt về diện tích xây nhà ở xã hội và thuận tiện hơn trong kinh doanh, khai thác và vận hành khi dự án hoàn thiện.