TP.HCM: Phát triển khu vực kinh tế tập thể
Sở Công thương TP.HCM cho biết, tính đến ngày 30/6/2020, thành phố có 106 hợp tác xã (HTX) và 3 Liên hiệp HTX đang hoạt động trong lĩnh vực thương mại - dịch vụ. Về cơ cấu, HTX quy mô nhỏ với số vốn dưới 100 triệu đồng (chiếm 14,28%); HTX có quy mô vốn trung bình từ 100 triệu đồng đến dưới 1 tỷ đồng (chiếm 64,76%); HTX có số vốn từ 1 tỷ đến 6 tỷ đồng, kinh doanh hiệu quả (chiếm 15,23%); còn lại 5% là các HTX, Liên hiệp HTX có quy mô vốn lớn, có thương hiệu và uy tín trên thị trường. Các HTX thương mại - dịch vụ chủ yếu là cửa hàng mua bán nhỏ lẻ chiếm tỷ lệ 36%, số HTX có quy mô lớn chưa nhiều có khoảng 7% HTX nhận làm nhà phân phối cho các nhãn hàng như Unilever, Abbott, Kimberly Clark, Vinamilk, Masan, Ace-cook... Chỉ riêng Liên hiệp HTX thương mại TP.HCM (Saigon Coop) có 26 HTX thành viên, đang ngày càng mở rộng địa bàn kinh doanh; tính đến nay có 121 siêu thị Coop, 84 cửa hàng Coop Smile, 33 cửa hàng Cheers, 400 cửa hàng Coop Food, 4 đại siêu thị CoopXtra, 5 Trung tâm thương mại Sense City và hơn 3.000 cửa hàng Coop liên kết với Hội Phụ nữ phường, xã, thị trấn, đoàn thanh niên...
TP.HCM đang xây dựng và triển khai thí điểm mô hình HTX kiểu mới về kinh doanh, khai thác và quản lý chợ trên địa bàn thành phố |
Bên cạnh đó, đến nay TP.HCM cũng có 40 HTX đang hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp. Các HTX này hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực cơ khí sửa chữa, gia công kim loại, cao su (tiêu biểu có HTX Tẩu Thành - quận Tân Phú, HTX Cơ khí Đạt Thanh - quận 6) và một số sản phẩm nghề truyền thống như dệt, thêu ren, da (thuộc da, sản xuất các sản phẩm làm từ da), chạm khảm, gốm sứ tiêu dùng và mỹ nghệ, mây, tre, gỗ, chế biến thực phẩm, in trên bông vải. Đa phần các HTX trong lĩnh vực này hoạt động yếu kém, sử dụng nhiều lao động thủ công, lại không huy động được nguồn vốn để đầu tư máy móc thiết bị, công nghệ mới vào sản xuất nên sản phẩm làm ra không đáp ứng được nhu cầu thị trường. Tuy nhiên, vẫn có một số ít HTX có quy mô lớn, đạt doanh thu cao hàng năm như HTX Tấn Thành (sản xuất cao su thô, 250 tỷ đồng/năm), HTX cơ khí Đạt Thành (gia công kẽm, 30 tỷ đồng/năm).
Để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố nói chung và các đơn vị kinh tế tập thể nói riêng đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa, giải quyết hàng tồn kho do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, Sở Công thương đã phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức Chương trình kích cầu tiêu dùng năm 2020 với quy mô khoảng 650 gian hàng trưng bày, kinh doanh các sản phẩm nông nghiệp, công nghiệp chủ lực của thành phố cùng các mặt hàng thiết yếu, sản phẩm vùng miền từ các tỉnh, thành trên cả nước. Bên cạnh đó, ngành công thương TP.HCM tiếp tục triển khai Chương trình bình ổn thị trường nhằm gắn kết các đơn vị sản xuất hàng hóa theo chuẩn VietGap với các nhà phân phối như siêu thị, nhà hàng... tạo chuỗi cung ứng sản phẩm an toàn, đến nay, có 11 HTX trên địa bàn 5 huyện tham gia chương trình.
Cùng với đó, UBND TP.HCM cũng đã quyết định xây dựng và triển khai đề án thí điểm mô hình HTX kiểu mới về kinh doanh, khai thác và quản lý chợ trên địa bàn thành phố. Mô hình HTX chợ kiểu mới sẽ xã hội hóa toàn bộ hoạt động đầu tư, quản lý và khai thác chợ cho tập thể bà con thương nhân là những người trực tiếp kinh doanh tại đây - những người đã và sẽ gắn bó lâu dài với chợ vì chợ là cả cuộc sống của họ và gia đình. Có sự thống nhất cao về lợi ích giữa chủ thể quản lý chợ là HTX và thành viên HTX là các thương nhân sẽ tạo nên mô hình kinh tế tập thể phát triển hiệu quả.
“Trong thời gian tới, sở sẽ phối hợp với các sở, ngành, các đơn vị liên quan để hoàn thiện Đề án thí điểm mô hình HTX kiểu mới về kinh doanh, khai thác và quản lý chợ trên địa bàn thành phố, trình UBND thành phố. Sở Công thương tổng hợp một số khó khăn, vướng mắc liên quan đến nội dung Đề án và đề nghị các sở, ngành, đơn vị thành viên phối hợp rà soát, đề xuất các cơ chế, chính sách hỗ trợ HTX khi chuyển đổi theo mô hình kiểu mới. Đồng thời đề nghị UBND 24 quận, huyện căn cứ thực tế tại địa phương để lựa chọn, đề xuất 1 mô hình chợ tổng hợp (loại 2 hoặc loại 3) trên địa bàn để thí điểm mô hình HTX kiểu mới, làm cơ sở thực tiễn cho đề án”, ông Lê Huỳnh Minh Tú, Phó Giám đốc Sở Công thương TP.HCM cho biết.
Bên cạnh đó, để phát triển hiệu quả khu vực kinh tế tập thể, ông Tú khẳng định, sở sẽ đẩy mạnh triển khai các chương trình xúc tiến, hỗ trợ cho các HTX; tiếp tục vận động các HTX tham gia Chương trình bình ổn thị trường, tham gia Hội nghị kết nối cung cầu hàng hóa giữa TP.HCM và các tỉnh; Phối hợp với các sở, ngành liên quan thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn đối với khu vực kinh tế tập thể, HTX do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 theo chỉ đạo UBND TP.HCM ngày 3/8/2020.