TP.HCM: Tín dụng bất động sản vẫn trong tầm kiểm soát
Ảnh: Lê Toàn |
Theo ông Minh, việc quản lý vốn tín dụng chảy vào bất động sản vẫn trong tầm kiểm soát.
Trong quá khứ, nhiều ngân hàng đã có những bài học “thấm thía” về cho vay bất động sản, nhất là trong những cơn sốt đất, do đó họ rất thận trọng cho vay để tránh nợ xấu. Theo đó, các ngân hàng thực hiện nghiêm túc các giới hạn sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn theo Thông tư 08/2020 của NHNN.
Tại buổi Tọa đàm "Tỉnh táo trong cơn sốt đất" do Báo Người lao động tổ chức ngày 8/4 ở TP.HCM, ông Phạm Lâm, Phó Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho rằng, nguyên nhân những cơn sốt đất thời gian qua ở một số địa phương một phần do người dân có dòng tiền nhàn rỗi và kỳ vọng về giá bất động sản tăng trong bối cảnh nền kinh tế hồi phục tích cực, kinh tế vĩ mô ổn định, tâm lý lạc quan.
Tuy nhiên, “sốt đất xảy ra cục bộ một số địa phương khi có thông tin về quy hoạch, giá có thể tăng vài trăm triệu đồng đến vài tỷ đồng nhưng không phải là giao dịch quy mô lớn mà chủ yếu là giao dịch nhỏ, do một nhóm người đưa ra những thông tin về quy hoạch, điều chỉnh giá đất để trục lợi, kiếm lời qua cơn sốt đất”, ông Phạm Lâm nói.
Cùng quan điểm, bà Nguyễn Hương, Tổng giám đốc Công ty Bất động sản Đại Phúc, cũng cho rằng nhà đầu tư cần thật tỉnh táo khi có những cơn sốt đất xảy ra, người người, nhà nhà rủ nhau đi mua đất sẽ tạo tâm lý đám đông, đến khi cơn sốt đi qua thì hệ lụy để lại là rất lớn. Đặc biệt là ở những vùng ven, tình trạng phân lô, bán nền luôn đi kèm rủi ro về trái quy hoạch do không nắm rõ pháp lý là rất lớn, trong khi giá trị bất động sản không nhỏ.
Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, nhu cầu đầu tư của mọi người dân và các thành phần kinh tế là chính đáng. Tuy nhiên, có nhiều nhà đầu tư lần đầu tham gia thị trường, xuất hiện tâm lý đám đông là điều dễ hiểu vì họ thiếu kiến thức, kinh nghiệm. Hệ lụy của tình trạng sốt giá đất đã từng xảy ra hơn 10 năm trước, như ở TP. Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai với 5 lần sốt giá và 5 lần xẹp “bong bóng” và nhà đầu tư cuối cùng không rút ra kịp đã bị mất tài sản. Nhiều nhà đầu tư bị thiệt hại, thậm chí phá sản trong khi nhà đất bị bỏ hoang. Bài học từ những cơn sốt giá đất trước đây, khi cơn sốt đi qua đất nông nghiệp bị bỏ hoang, không đưa vào sử dụng.
Để giảm thiểu những cơn sốt đất gây hại cho nhà đầu tư, ông Lê Hoàng Châu cho rằng Chính phủ cần nâng mức thuế chuyển nhượng lên, đối với nhà đầu tư mua đi bán lại sẽ bị đánh thuế cao trong 2-3 năm đầu khi chuyển nhượng. Đồng thời, nhà nước cũng cần đánh thuế những người có nhiều bất động sản và đánh thuế ở mức cao nếu không đưa đất vào sử dụng.
Mặt khác, nhằm tập trung vốn cho các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, ông Nguyễn Hoàng Minh cho biết, hàng năm NHNN luôn kiểm soát chặt tín dụng bất động sản thông qua quản lý các tổ chức tín dụng bằng hệ số rủi ro sử dụng vốn trong cho vay kinh doanh và đầu tư bất động sản.