Trách nhiệm của ngân hàng trong quản lý thuế: Cần có hướng dẫn cụ thể
Quy định mới về cung cấp thông tin tài khoản ngân hàng cho cơ quan Thuế |
Nghị định 126/2020/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 5/12/2020 quy định, các NHTM và tổ chức trung gian thanh toán có trách nhiệm cung cấp thông tin về tài khoản thanh toán của người nộp thuế mở tại ngân hàng cho cơ quan quản lý thuế theo đề nghị của cơ quan quản lý thuế, bao gồm: tên chủ tài khoản, số hiệu tài khoản theo mã số thuế đã được cơ quan quản lý thuế cấp, ngày mở tài khoản, ngày đóng tài khoản. Việc cung cấp thông tin về tài khoản được thực hiện lần đầu trong thời gian 90 ngày kể từ ngày nghị định có hiệu lực thi hành. Việc cập nhật các thông tin về tài khoản được thực hiện hàng tháng trong 10 ngày của tháng kế tiếp. Phương thức cung cấp thông tin được thực hiện dưới hình thức điện tử.
Ảnh minh họa |
Bên cạnh đó, NHTM cung cấp thông tin giao dịch qua tài khoản, số dư tài khoản, số liệu giao dịch theo đề nghị của thủ trưởng cơ quan quản lý thuế để phục vụ cho mục đích thanh tra, kiểm tra xác định nghĩa vụ thuế phải nộp và thực hiện các biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế theo quy định của pháp luật về thuế. Cơ quan quản lý thuế có trách nhiệm bảo mật thông tin và hoàn toàn chịu trách nhiệm về sự an toàn của thông tin theo quy định của Luật Quản lý thuế và quy định của pháp luật có liên quan.
Theo các chuyên gia, quy định này là cần thiết và không hề mâu thuẫn với các quy định về bảo mật thông tin khách hàng của các ngân hàng. “Thông tin về tài khoản tiền gửi chỉ bí mật với những người không có thẩm quyền, không có chức trách, nhiệm vụ. Còn những người như nhân viên ngân hàng, công an, viện kiểm sát, toà án, thi hành án, NHNN,... đều có quyền được biết”, một chuyên gia cho biết.
Tuy nhiên, theo phản ánh của nhiều lãnh đạo ngân hàng, hiện các ngân hàng vẫn cung cấp thông tin tài khoản và thông tin giao dịch tài khoản của người nộp thuế khi có văn bản của thủ trưởng cơ quan thuế cưỡng chế thuế, thi hành án, thanh tra, và chủ tịch UBND tỉnh thành phố ra văn bản xử phạt vi phạm hành chính. Liên quan đến các quy định mới, cần có hướng dẫn cụ thể hơn cũng như xây dựng quy trình quy định cung cấp thông tin tài khoản của người nộp thuế cho cơ quan quản lý thuế để các ngân hàng dễ thực hiện. Ngoài ra, đối với cơ chế báo cáo cập nhật thông tin vào 10 ngày đầu của tháng kế tiếp, cơ quan thuế và các TCTD cần xây dựng một đường truyền dữ liệu kết nối thông tin để thực hiện cơ chế báo cáo thông suốt.
Một yêu cầu nữa của Nghị định 126 đó là việc khấu trừ, nộp thay nghĩa vụ thuế phải nộp của nhà cung cấp ở nước ngoài không có cơ sở thường trú tại Việt Nam có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử (TMĐT), kinh doanh dựa trên nền tảng số với tổ chức, cá nhân ở Việt Nam. Luật sư Trương Thanh Đức - Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty luật Basico, cho rằng giải pháp NHTM thực hiện khấu trừ thuế đối với các giao dịch TMĐT xuyên biên giới phần nào chống được thất thu thuế từ lĩnh vực này, đồng thời nâng cao ý thức đối với người nhận thu nhập khi có tình trạng né thuế.
Thực tế thời gian qua nhiều cá nhân nhận được thu nhập từ Google, YouTube... hay các công ty đa quốc gia này khai thác dịch vụ quảng cáo trực tuyến với doanh thu hàng tỉ USD tại Việt Nam mà không đóng thuế là điều không thể chấp nhận được. Việc đưa quy định NHTM cung cấp thông tin tài khoản, khấu trừ, nộp thay thuế vào Luật Quản lý thuế sẽ có tính pháp lý cao hơn, thực hiện bài bản hơn.
Tuy nhiên để quy định đi vào cuộc sống, ông Trương Thanh Đức cho rằng phía Tổng cục Thuế sẽ phải làm việc với các tập đoàn xuyên biên giới có phát sinh doanh thu tại thị trường Việt Nam để đưa ra một tỷ lệ thu thuế, từ đó tạo điều kiện cho NHTM có thể thực hiện được việc khấu trừ. Khoản thu nhập TMĐT xuyên biên giới được xác định đóng thuế nhà thầu, ở đây có nghĩa người bán hàng hóa, dịch vụ phải thực hiện nghĩa vụ thuế và người mua chỉ có thể nộp thay. Do đó, cơ quan thuế cần có sự thống nhất với nhà cung cấp ở nước ngoài về tỷ lệ thuế phải đóng, nếu không dễ xảy ra trường hợp cá nhân thanh toán bị khấu trừ tiền thuế dẫn đến số tiền thanh toán không đủ trả cho phía nước ngoài và không được cung cấp hàng hóa, dịch vụ.
Lãnh đạo nhiều ngân hàng cũng cho rằng, ngân hàng chỉ nên thực hiện khấu trừ thuế khi có quyết định của Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, không nên quy định là ngân hàng nộp thuế thay cho các giao dịch TMĐT xuyên biên giới. Thực tế, cơ quan thuế xác định đối tượng chịu thuế, ngân hàng sẽ xác định thông tin tài khoản dựa trên mã số thuế và khấu trừ trên tài khoản của tổ chức cung ứng dịch vụ TMĐT theo yêu cầu của cơ quan thuế.