Trợ lực ân tình của người nghèo (Bài 1)
Bài 1: Người Đan Lai đầu tiên thoát nghèo
Hiện mức sống người Đan Lai đang ở ngưỡng nghèo. Thế nhưng, thay vì nói ngưỡng nghèo, người Đan Lai tự “xếp hạng” mức sống của mình ở ngưỡng “quá nghèo”, nghĩa là dưới mức nghèo, rất nghèo. Người bộc bạch lời tâm huyết này là ông La Văn Thám, 62 tuổi, trú tại bản Thạch Sơn, xã Thạch Ngàn, huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An. Ông Thám là chủ hộ gia đình Đan Lai thoát nghèo từ năm 2014.
Ông La Văn Thám (bên phải) kể chuyện xin thoát nghèo. Bên cạnh là ông Lê Văn Hào, trưởng bản Thạch Sơn; ông Ngô Trí Đại, Phó chủ tịch xã Thạch Ngàn |
Thoát nghèo nhờ sử dụng năng động vốn vay
Quê gốc của ông Thám ở bản Cò Phạt, xã Môn Sơn, huyện Con Cuông. Năm 2007, hưởng ứng Đề án “Bảo tồn và phát triển bền vững tộc người thiểu số Đan Lai hiện đang sinh sống tại vùng lõi Vườn Quốc gia Pù Mát, huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An” của Thủ tướng Chính phủ, ông Thám cùng 145 hộ gia đình rời Cò Phạt, tái định cư. Quê mới của ông là bản Thạch Sơn, xã Thạch Ngàn, huyện Con Cuông hôm nay.
Trưa 29-8, khi đến thăm, chúng tôi thấy ông Thám đầu trần, áo cộc đang đứng phơi măng rừng dưới trời nắng nóng. Ông xoa xoa hai bàn tay thô ráp, bắt tay chúng tôi rất chặt. Ông bảo, “nắng thiêu đốt dài tuần quá nhưng trời càng nắng ta càng có nhiều măng khô xịn và đẹp nhập cho thương lái”. Rời giàn măng đang ngả màu vàng đậm, ông trải chiếu nhựa, mời chúng tôi ngồi trước thềm nhà.
Ông Ngô Trí Đại, Phó Chủ tịch phụ trách kinh tế nông nghiệp xã Thạch Ngàn, giới thiệu: “Ông Thám thoát nghèo năm 2014. Bản Thạch Sơn mới chỉ có duy nhất hộ ông Thám thoát nghèo thôi”. Ông Thám nở nụ cười thật thà của người miền núi: “Ta tiên phong thoát nghèo nhưng phải bình xét đấy. Giống như hồi vay vốn ở NHCSXH huyện Con Cuông phải được các thành viên trong tổ tiết kiệm và vay vốn của bản xét kĩ lắm. Xong đưa lên hội đoàn thể xét tiếp để hoàn thiện hồ sơ. Xong trình chủ tịch xã ký xác nhận rồi chuyển đến NHCSXH huyện duyệt lần cuối mới có tiền vay”.
Chúng tôi muốn biết trước khi thoát nghèo, gia đình ông nghèo đến cỡ nào?. Ông Thám không ngần ngại: “Cụ thể nhất của sự nghèo là thiếu ăn. Hàng tháng cứ trông chờ nhận 15 kg gạo cứu đói giáp hạt hoặc cứu đói đột xuất của Nhà nước để cứu cái bụng”. Chúng tôi đồng cảm với tâm trạng-nghèo thì không dễ thay đổi nhận thức, tư duy để tạo kế sinh nhai. Nghe vậy, ông Thám thốt lên: “Ta không nghĩ mình ở ngưỡng nghèo mà là “quá nghèo”. Không có tiền để làm kinh tế thì sự “quá nghèo” còn kéo dài lắm. May có NHCSXH huyện Con Cuông trợ lực”.
Hộ ông Thám vay vốn khi chưa tái định cư. Hồi đó, mức vay tối đa đối với người Đan Lai chỉ 2 triệu đồng/hộ. Ông Thám dùng 2 triệu đồng đó mua măng rừng của dân bản bán cho thương lái. Thương lái dưới xuôi lên mang theo hàng tạp hoá bán cho ông Thám. Ông Thám mở quán bán trong bản bởi ông nghĩ, dân bản làm sao đi 20 cây số đường mòn hoặc đi thuyền sông Giăng ra đến trung tâm xã để mua hàng. Năm 2007, khi tái định cư, ông Thám trả vốn vay lần một.
Lần hai, hộ ông Thám được vay 5 triệu đồng. Ông dùng vốn vay mới cộng vốn tích luỹ, xuống huyện Nam Đàn xa hơn 100 cây số mua cây sắn giống, chở đầy một xe tải. Về đến bản, nhiều người thấy lạ, hỏi: “Sao ông dám mua cả một xe cây sắn, gan thế”. Ông Thám giải thích: “Xã Thạch Ngàn chưa ai trồng sắn nên ta mua về trồng lấy củ và bán cây, vừa có ích cho dân bản, vừa có lợi cho nhà mình”. Mùa đầu tiên, ông thu lãi khá. Cứ 5.000 đồng/1 yến củ và 5.000 đồng/10 cây sắn. Người dân khắp xã Thạch Ngàn vào mua hết 3 ha sắn. Vừa bán sắn, vợ chồng ông Thám tiếp tục gom măng tươi, chọn lựa, tách ra phơi thành măng khô bán cho thương lái và không quên mở rộng dịch vụ hàng tạp hoá.
Ông La Văn Thám đón chuyến măng rừng của dân bản đến nhập |
Vốn vay khởi sắc, năm 2012 ông Thám được NHCSXH huyện Con Cuông cho vay lần ba, 30 triệu đồng. Có thêm vốn mới, ông Thám đầu tư 4 ha keo, 5 con bò. Ngoài thu mua măng, nay kinh doanh thêm chuối hột. Có lãi, ông Thám quyết định làm bể chứa nước sạch và nhà vệ sinh tự hoại. Sau hai năm vốn vay lại phát triển, năm 2014 ông Thám có của ăn, của để. Ngoài 4 ha keo, mở rộng diện tích trồng tràm. Người nhập măng, chuối ngày càng nhiều. Thương lái gọi điện thoại thường xuyên. Đây là cơ sở vững chắc để vợ chồng ông Thám làm đơn xin ra khỏi danh sách hộ nghèo. Gửi đơn xong, ông làm đơn vay vốn lần bốn, 50 triệu đồng.
Năm 2019, ông vay lần năm. Lần này NHCSXH huyện Con Cuông đánh giá quy mô làm kinh tế hiệu quả nên cho ông vay 100 triệu đồng, giúp ông vượt cận nghèo. Từ 5 con bò, ông phát triển thành đàn trâu, bò 15 con. Từ 4 ha keo nay có thêm 8 ha tràm. Từ măng, chuối hột giờ kinh doanh thêm đậu, lạc. Ông thuê người dọn cỏ, cắt keo, xuống mạ, gặt lúa, chở măng. Ông Thám kết thúc câu chuyện bằng một trải nghiệm vay vốn xoá nghèo: “Muốn xoá được nghèo thì phải có vốn vay. Muốn xoá nghèo bền vững thì vốn vay phải kinh doanh được nhiều mặt hàng khác nhau để tạo sản phẩm đa dạng, kể cả việc hỗ trợ người nghèo, giúp họ vượt lên. Ví như, cho họ vay cây sắn, khi bán củ, tôi thu mua. Keo, tràm cũng thế. Bây giờ, ngẫm lại càng thấm thía, nếu không được vay vốn NHCSXH huyện Con Cuông, vợ chồng tôi không dám viết đơn xin thoát khỏi hộ nghèo”.
Đã có 10 hộ người Đan Lai thoát nghèo “Hiện tộc người Đan Lai có 977 hộ/4.089 khẩu, cư trú tại bốn xã Môn Sơn, Lục Dạ, Thạch Ngàn, Châu Khê. 10 hộ đã thoát nghèo nhờ vay vốn NHCSXH huyện Con Cuông, trong đó hộ ông La Văn Thám và La Văn Linh là hai mô hình thoát nghèo sớm nhất, nổi bật nhất. Đây là tín hiệu vui không chỉ với tộc người Đan Lai”. Ông Trần Anh Tuấn, trưởng phòng Kinh tế hạ tầng, UBND huyện Con Cuông |
Không chỉ thoát nghèo
Để gặp được chủ hộ thứ hai là người Đan Lai thoát nghèo, chúng tôi “hạ” quyết tâm ngồi xe ôm “lóc xóc” vượt đường rừng Môn Sơn-Cò Phạt vô vàn khó khăn bởi dốc đá, bụi đất mù mịt mới tiếp cận bản Cò Phạt. Tại đây, ông La Văn Linh, Bí thư Chi bộ bản Cò Phạt nêu một chiêm nghiệm: “Đối với người Đan Lai ở bản gốc, muốn xuất khẩu lao động (XKLĐ) cần hai điều kiện. Đó là giúp họ hiểu được XKLĐ là đi làm kinh tế nên nhận thức cho đúng vốn vay. Vốn vay không phải vốn cho”. Theo ông Linh, hai việc này phải được lãnh đạo bản, cán bộ NHCSXH giải thích, truyên truyền, vận động. “Cán bộ NHCSXH huyện Con Cuông thì ủng hộ ta nhiệt tình rồi nhưng khi đến từng nhà vận động thì không ai chịu đi vì người Đan Lai bản gốc đang mặc cảm, tự ti, ngại tiếp xúc với người ngoài. Tôi nghĩ, mình là Bí thư Chi bộ nên phải nêu gương, phải vận động con cháu mình đầu tiên”, ông Linh nhớ lại.
Ông La Văn Linh: Người Đan Lai không chỉ biết thoát nghèo mà còn từ bỏ hủ tục hôn nhân cận huyết thống |
Hồi đó, ông Linh quay về nhà nói chuyện với con gái đầu La Thị Sài và con trai La Văn Thái. Hơn một giờ nghe cha “vận động”, hai chị em đồng ý mặc dù Sài vẫn sợ ra khỏi bản bị người ta bắt. Thế mà, năm 2017 khi con ông Linh “bay” sang Ả Rập Xê Út và Malaysia, ông đành “ngậm đắng, nuốt cay” bởi lời đồn của dân bản - “ông Bí thư bản bán con rồi, đừng tin ông Linh nữa”. Cho đến năm 2019, hai con và ba cháu của ông về, giúp ông làm ngôi nhà khang trang nhất bản thì dân mới vững tin.
Sau 5 người con cháu ông Linh XKLĐ, bản Cò Phạt có thêm 10 thanh niên làm nhân công công ty trong nước. Ông Linh nêu một thực tế thời sự và sinh động khác: “Hiện tại bản ta có 8 cặp lấy vợ, lấy chồng là người Thái, Khmer, Cơ Tu ở các vùng quê xa, không phải người Đan Lai anh em. Từ bản làng heo hút, người Đan Lai được hoà nhập thế giới cộng đồng để mở mang tri thức về kinh tế, văn hoá, xã hội. Kiến thức này giúp người trẻ từ bỏ hủ tục hôn nhân cận huyết thống… Có được đổi thay mới mẻ này cũng là nhờ vốn vay NHCSXH huyện Con Cuông đấy”.