Từ nhu cầu hạ tầng, bàn về PPP
Đảm bảo an toàn tín dụng với các dự án PPP | |
PPP gặp khó vì cơ chế quản lý tài chính | |
Nhà đầu tư y tế sợ rủi ro với PPP |
Tư nhân có thể lấp khoảng trống thiếu hụt
Việc đẩy mạnh đầu tư cho cơ sở hạ tầng (CSHT) giao thông vận tải (điện, đường, cảng…) là yếu tố cần thiết để giúp Việt Nam cải thiện và tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Thực tế trong các kỳ vọng về môi trường kinh doanh tại Việt Nam, CSHT cũng luôn là vấn đề hàng đầu được các nhà đầu tư (NĐT) phản ánh cần cải thiện. Một hệ thống CSHT tốt không chỉ sẽ giúp tạo thuận lợi và lợi thế cạnh tranh cho Việt Nam trong thu hút đầu tư mà ngay trong quá trình hiện đại hóa CSHT này cũng tạo ra những cơ hội rất lớn cho các NĐT tư nhân (trong đó có các DN FDI) tham gia.
Chính phủ cũng đang đặt ra các mục tiêu, kỳ vọng và có những giải pháp quyết liệt trong đầu tư vào CSHT. Dẫn chứng có rất nhiều, nhưng xin nêu ở đây một ví dụ mới nhất. Đó là Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo số 94 vào tuần trước, nêu các kết luận của thường trực Chính phủ về Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước) và Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình. Theo đó, hai công trình này được đưa vào diện các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải để quyết liệt triển khai trong thời gian tới theo phương thức PPP.
Phải giải quyết được nhanh chóng các vướng mắc trong cơ chế PPP |
Theo dự báo của Trung tâm Hạ tầng Toàn cầu, nhu cầu và lượng vốn đầu tư cho CSHT Việt Nam trong giai đoạn 2021-2040 sẽ vào khoảng 605 tỷ USD. Bên cạnh nguồn đầu tư từ NSNN, các khoản vay nước ngoài có bảo lãnh của Nhà nước, vốn vay ODA, hay một phần từ các nguồn nội địa khác thì vẫn còn một khoảng trống rất lớn mới đáp ứng đủ nhu cầu này và phần thiếu hụt này có thể và cần được huy động từ các nguồn bên ngoài. Trên và thực tế, cũng có rất nhiều dấu hiệu cho thấy các NĐT nước ngoài muốn tham gia đầu tư vào hệ thống CSHT, đặc biệt trong lĩnh vực năng lượng sạch, đường cao tốc.
“Phần thiếu hụt này cần được huy động từ các nguồn bên ngoài, bao gồm những nguồn vốn sẵn sàng đưa ra các điều khoản hấp dẫn và có mong muốn tham gia vào thị trường Việt Nam. Tuy nhiên, các nguồn vốn này đòi hỏi phải có các giải pháp về mặt phân bổ rủi ro, chẳng hạn như các nguồn vốn có thể có được từ các khoản đầu tư dưới hình thức PPP, và tính ổn định về chính sách của Chính phủ”, Sách Trắng 2022/2023 khuyến nghị.
Nhiều vướng mắc phải được giải quyết
Một điểm rất đáng lưu ý là Luật PPP đã có hiệu lực từ năm 2021, nhưng thực tế đến nay các dự án theo khuôn khổ PPP lại chưa có tiến triển nào đáng kể vì còn quá nhiều điểm nghẽn. Cơ chế PPP dù đã có hơn 2 năm hiệu lực nhưng lượng vốn mà NĐT sẵn sàng đổ vào các dự án hạ tầng vẫn rất hạn chế là điều rất đáng tiếc. Thậm chí theo phản ánh của Nhóm công tác Đầu tư và Thương mại thuộc VBF, trong những năm gần đây ngày càng có nhiều NĐT xin cấp phép thực hiện các dự án hạ tầng quy mô lớn theo cơ chế của Luật Đầu tư thay vì theo hình thức PPP do quy trình đầu tư theo PPP mất quá nhiều thời gian.
Điều này vừa cho thấy nhu cầu rất lớn của các NĐT muốn đầu tư vào các dự án CSHT, nhưng đồng thời cũng cho thấy sự cấp thiết phải giải quyết được nhanh chóng các vướng mắc trong cơ chế PPP để dòng vốn từ khu vực tư nhân chảy vào các công trình hạ tầng vốn cần nguồn vốn lớn và dài hạn này. Trở lại câu chuyện 2 dự án đường cao tốc kể trên, dù rất kỳ vọng sẽ thành công trong việc thực hiện theo phương thức PPP nhưng nếu các vấn đề không được giải quyết thì không loại trừ một thực tế trước đây – năm 2020 phải quyết định chuyển đổi 8 dự án thành phần của Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 từ đầu tư theo hình thức PPP sang đầu tư công - cũng có thể sẽ lặp lại.
Để thúc đẩy được các dự án theo hình thức PPP, EuroCham khuyến nghị cần thông qua một quy trình tập trung, sớm công bố danh mục các dự án trọng điểm quốc gia và khu vực được quy hoạch để triển khai dưới hình thức PPP. Cùng với đó, cần bố trí các dự án được chọn theo một quy trình đấu thầu cạnh tranh, minh bạch theo Luật PPP; áp dụng quy trình đánh giá nghiêm ngặt cho các dự án tiềm năng thông qua các quy trình chọn lựa thống nhất với các tiêu chuẩn quốc tế; cung cấp các biện pháp ưu đãi và hấp dẫn cho các lĩnh vực đang gặp khó khăn trong việc thu hút đầu tư theo hình thức PPP…
Bên cạnh đó, một vấn đề khác khiến các NĐT và tài trợ dự án tiềm năng trên thế giới quan ngại là tình trạng thiếu sự điều phối và cách tiếp cận thiếu nhất quán giữa các cơ quan quản lý, chính quyền địa phương nên rất dễ gây chậm tiến độ trong ký kết hợp đồng cũng như trong triển khai dự án trên thực tế. Đại diện các hiệp hội DN cũng cho rằng, một yếu tố khác khiến các NĐT lo ngại là các dự án theo hình thức PPP có thể bị “dẫn chiếu”, chi phối và tuân thủ bởi các luật khác như Luật NSNN, Luật Đầu tư công, Luật Doanh nghiệp, Luật Đất đai, Luật Xây dựng, Luật Đấu thầu (cùng với đó là nghị định, thông tư hướng dẫn của các luật này). Và việc “tham chiếu” giữa các văn bản pháp luật này có thể dẫn đến các điểm mâu thuẫn hoặc không chắc chắn cho NĐT. Do đó, việc gộp tất cả các quy trình và tiêu chí lựa chọn NĐT áp dụng cho các hợp đồng PPP và đầu tư theo hình thức PPP vào một văn bản hoàn chỉnh sẽ là cần thiết để tạo điều kiện thuận lợi cho loại hình đầu tư này.
Gia tăng được năng lực và giá trị trong hội nhập toàn cầu, đồng thời nâng cao được năng lực tự cường của nền kinh tế trong nước sẽ giúp xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ và góp phần hiện thực hóa được những khát vọng đặt ra cho giai đoạn 2030 và 2045. Thành công trong đầu tư, phát triển hệ thống CSHT hiện đại, đồng bộ vừa là điều kiện, vừa là thách thức phải hóa giải được trên con đường khát vọng này. Thành công ấy rất khó có được nếu không huy động được nguồn lực từ khu vực tư nhân. Theo nghĩa đó, mặc dù Luật PPP là đột phá quan trọng về mặt pháp lý, những bản thân luật này sẽ không tự động tạo chuyển biến thành công cho các dự án CSHT có sự tham ra của tư nhân nếu những vướng mắc trong triển khai và liên quan đến trên khai cơ chế PPP chưa thực sự được tháo cởi.