Văn Cao trong tâm tưởng người ở lại
Nhạc sĩ Văn Cao sinh ngày 15/11/1923 tại Hải Phòng. Năm 16 tuổi, Văn Cao đã viết “Buồn tàn thu”, rồi các ca khúc lãng mạn, trữ tình như “Bến xuân”, “Suối mơ”, “Thiên thai”, “Trương Chi”, “Thu cô liêu”, “Cung đàn xưa”… Trong thơ, năm 17 tuổi, ông viết “Một đêm đàn lạnh trên sông Huế”, rồi “Chiếc xe xác qua phường Dạ Lạc”..; Ông cũng viết thơ, viết văn đăng ở Tiểu thuyết thứ Bảy… Về hội họa, năm 19 tuổi, ông dự học không liên tục Trường cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, năm 20 tuổi ông đã có các bức tranh gây chú ý như “Cô gái dậy thì”, “Sám hối”, “Nửa đêm”, nhất là bức tranh “Cuộc khiêu vũ của những người tự tử”… Những bản nhạc của Văn Cao như “Buồn tàn thu”, “Suối mơ”, “Thiên thai”, “Trương Chi”... được in ra đều do ông trình bày bìa và đi rất gần với trường phái lập thể.
Năm 1944, Văn Cao tham gia Việt Minh, bằng bài hát “Tiến quân ca”. Cuối năm đó, Văn Cao đã có bước chuyển lớn lao từ phong cách lãng mạn, trữ tình và cả hiện thực phê phán sang phong cách cách mạng - kháng chiến cả trong nhạc, họa và thơ. Từ năm 1945 trở đi, ông viết “Bắc Sơn”, rồi các ca khúc, hành khúc như là sự tiên tri kỳ lạ: “Hải quân Việt Nam”, “Không quân Việt Nam”, “Công nhân Việt Nam”, “Chiến sĩ Việt Nam”, tiếp đó là “Làng tôi”, “Ngày mùa”, “Tiến về Hà Nội”, đặc biệt là ca khúc “Ca ngợi Hồ Chủ tịch” và “Trường ca sông Lô”…
Các nghệ sĩ trình diễn bài Tiến quân ca tại Quảng trường 19/8 trong đêm nhạc kỷ niệm 100 năm Ngày sinh nhạc sĩ Văn Cao |
Sau này nhạc sĩ Văn Cao còn viết một số tác phẩm khí nhạc dành cho piano như “Sông Tuyến”, “Biển đêm”, “Hàng dừa xa”..; sáng tác nhạc phim cho phim truyện "Chị Dậu" (1980), tổ khúc giao hưởng phim tài liệu “Anh bộ đội cụ Hồ” của Xưởng phim Quân đội Nhân dân...
Giai đoạn tiếp theo của Văn Cao, trong âm nhạc là tác phẩm nổi tiếng “Mùa xuân đầu tiên”…; trong hội họa là “Chân dung bà Băng”, “Cổng làng”, “Phố Nguyễn Du”, “Cây đàn đỏ”, “Cô gái và đàn dương cầm”… Ông vẽ hàng trăm bìa sách, hàng trăm bức minh họa, đồ họa Báo Văn nghệ. Trong thơ là “Ba biến khúc tuổi 65”, “Thời gian”, “Phố Phái”, “Những bó hoa”… Các bài thơ được tập hợp trong tập “Lá”, “Tuyển tập thơ Văn Cao”.
Là thế hệ sau, nhưng nhà thơ - nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha là người có nhiều cơ hội gặp gỡ, trò chuyện với nhạc sĩ Văn Cao. Theo ông, dù nhạc sĩ Văn Cao đã rời xa dương thế 28 năm (10/7/1995) nhưng hình như ông vẫn ở đâu đây, rất gần. “28 năm sau ngày mất và 100 năm Ngày sinh Văn Cao cũng chỉ là một chớp mắt của thời gian vô thủy, vô chung. Nhưng thời gian không những không lãng quên tên tuổi Văn Cao mà càng ngày càng qua thời gian, tên tuổi ông lại càng hiện diện, càng ngời sáng, càng lấp lánh như một vì sao trên đất nước thân yêu của mình”, nhà thơ Thụy Kha tâm sự.
Nhà lý luận, phê bình âm nhạc Nguyễn Thị Minh Châu cho rằng, di sản ca khúc của nhạc sĩ Văn Cao không đồ sộ về số lượng mà rất đặc sắc và đa sắc: lãng mạn và bi tráng, mượt mà và gân guốc, giản đơn và hoành tráng, khái quát và cụ thể, cổ thi và hiện đại, thoát tục siêu thực và cũng lại rất thực, rất đời. Văn Cao góp phần không nhỏ cho sự định hình thể loại trường ca trong âm nhạc, cũng như trong thơ hiện đại Việt Nam, với “Trường ca sông Lô” là một trong những đỉnh cao của thể loại quy mô này. Ngoài ra, còn một số thể loại cần ghi nhận vai trò của ông, đó là hành khúc với nhiều bài hát mang ý nghĩa lịch sử, là valse với các ca khúc trữ tình: “Thu cô liêu”, “Cung đàn xưa”, “Ngày mùa” và “Mùa xuân đầu tiên”.
Theo bà Châu, ý thức pha trộn màu sắc ở người có con mắt hội họa được bộc lộ rất sớm. Đơn giản nhất là sự tương phản trưởng - thứ giữa hai điệu tính cùng tên ở các tình khúc: “Thiên thai”, “Trương Chi”, “Suối mơ”... Nhiều ca khúc của Văn Cao đã trở thành bài ca đi cùng năm tháng bởi giá trị lịch sử và giá trị nghệ thuật. Giá trị lịch sử ở chỗ không chỉ khắc họa sự kiện lịch sử đất nước, mà còn in dấu những bước đi đáng ghi nhận của lịch sử nhạc mới Việt Nam. Giá trị nghệ thuật ở chỗ kết hợp sáng tạo cách biểu hiện của các loại hình nghệ thuật khác nhau, cũng như các truyền thống âm nhạc khác nhau, đạt tới tính thẩm mỹ cao mà vẫn giữ được tính quần chúng, vừa có hiệu quả xã hội đương thời vừa có sức sống bền lâu. Âm nhạc của ông đã và sẽ còn truyền cảm hứng, năng lượng cho các thế hệ khác nhau. Năng lượng ấy có thể cảm nhận mỗi khi ta nghiêm trang đặt tay lên ngực cất tiếng hát: “Đoàn quân Việt Nam đi…”.
Sự độc đáo, hấp dẫn ở ông có lẽ bắt nguồn từ biệt tài sáng tạo nghệ thuật mang tính “liên minh”: nhạc đầy chất thơ, thơ giàu tính nhạc và trong cả hai đều bắt gặp tư duy hội họa. Cũng như với thơ và họa, nhạc của ông không thiếu những khai mở khám phá. Với sức sáng tạo vô bờ và tư tưởng tiên phong, “người đi dọc biển” Văn Cao đã luôn bị hấp dẫn bởi những “lối cát chưa có dấu chân”.
PGS.TS. Nguyễn Thế Kỷ, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương cho rằng, với nhạc sĩ Văn Cao, chỉ cần lấy ngẫu nhiên các tác phẩm âm nhạc như “Thiên thai”, “Trương Chi”, “Tiến quân ca”, “Sông Lô”, “Mùa xuân đầu tiên”… đã thấy đó là những bảo chứng cho dấu ấn khai phá, mở lối, vượt lên chính mình, đặt nền móng rất quan trọng cho sự phát triển của nền tân nhạc và thơ ca Việt Nam, từ lãng mạn đến cách mạng - kháng chiến cho đến thời khắc rất sớm của thời kỳ đổi mới; của ca khúc, hành khúc và trường ca của nhạc, của thơ. “Với tài năng đa dạng, độc đáo, nhiều chiều kích, tích hợp nhuần nhuyễn giữa tư duy, thẩm mỹ, bút pháp; giữa hiện thực đời sống, sự cảm nhận, tri nhận và nghệ thuật biểu đạt; giữa âm nhạc - hội họa - thơ văn, Văn Cao được nhiều người khẳng định là một hiện tượng hết sức đặc biệt và hiếm có trong lịch sử văn nghệ Việt Nam hiện đại. Gọi ông là nghệ sĩ thiên tài cũng không có gì là ngoa ngôn, quá lời”, PGS.TS. Nguyễn Thế Kỷ ghi nhận.