Vì sao nhà đầu tư không mặn mà với dự án hạ tầng
Động lực phát triển từ các dự án hạ tầng giao thông Đầu tư các dự án hạ tầng trọng điểm: Lo thiếu tiền hay cơ chế?! |
Hiện có bốn loại hình nhà đầu tư tổ chức thường cung cấp tài chính, trực tiếp hoặc gián tiếp, cho các dự án cơ sở hạ tầng trên khắp thế giới bao gồm: quỹ cơ sở hạ tầng, quỹ hưu trí, công ty bảo hiểm, và các quỹ đầu tư. Trong đó, ông Phạm Anh Tuấn, Phó chủ tịch Hội pháp luật xây dựng Việt Nam cho biết, các quỹ đầu tư nói chung ở khu vực châu Á có nguồn lực lớn nhất cần được khơi thông.
Việc phát hành trái phiếu xanh của EVN thành công chứng tỏ rằng một công cụ nợ được thiết kế và cấu trúc tốt sẽ có khả năng thu hút các nhà đầu tư tổ chức |
Tuy nhiên ông Phan Vinh Quang, Giám đốc quốc gia dự án AEO, Cơ quan Phát triển Quốc tế của Hoa Kỳ (USAID) cho biết “Các nhà đầu tư tổ chức đủ điều kiện để trở thành nhà đầu tư vốn cổ phần trong các doanh nghiệp dự án hoặc tập đoàn phát triển cơ sở hạ tầng, nhưng rất ít nhà đầu tư tổ chức quốc tế đầu tư trực tiếp vào các dự án cơ sở hạ tầng tại Việt Nam”.
Báo cáo huy động nguồn lực tài chính mới cho các dự án cơ sở hạ tầng tại Việt Nam của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và USAID cho thấy có ba lý do chính khiến nhà đầu tư có tổ chức nước ngoài không mặn mà với đầu tư vốn cổ phần. Báo cáo chỉ ra một lỗ hổng lớn trong khung thể chế hiện tại của Việt Nam là việc thiếu năng lực xác định và chuẩn bị các dự án cơ sở hạ tầng khả thi và phù hợp với thị trường. Các cơ quan chính phủ thiếu cả chuyên môn và nguồn lực để chuẩn bị các dự án cơ sở hạ tầng nhằm đáp ứng kỳ vọng của các nhà đầu tư tổ chức quốc tế để xem xét đầu tư. Hai là ngày càng có nhiều nhà đầu tư đặt yêu cầu về môi trường và xã hội của các dự án cơ sở hạ tầng lên ngang hàng với yếu tố lợi nhuận tài chính. Các nhà đầu tư coi vấn đề ESG (Môi trường, xã hội, quản trị) là một phần không thể thiếu trong chiến lược đầu tư của họ. Tuy nhiên, ESG vẫn chưa nhận được sự quan tâm thích đáng tại Việt Nam. Các phân tích xã hội và môi trường trong nghiên cứu khả thi của các dự án cơ sở hạ tầng được chuẩn bị cho mục đích duy nhất là đáp ứng các yêu cầu luật định của Việt Nam. Bên cạnh đó, các nhà đầu tư tổ chức quốc tế có một số lo ngại liên quan đến tính rõ ràng và hiệu quả của các quy định pháp lý hiện hành để bảo vệ quyền lợi của họ đối với tài sản cơ sở hạ tầng ở Việt Nam.
Với thị trường trái phiếu mặc dù đã có sự phát triển vượt bậc trong những năm gần đây nhưng cũng không có nhiều cơ hội đầu tư cho các nhà đầu tư tổ chức. Nguyên nhân là vì thị trường trái phiếu Việt Nam với đặc điểm quy mô nhỏ, hạn chế về chủng loại sản phẩm, chủ yếu tập trung vào các kỳ hạn ngắn. Các dịch vụ hỗ trợ quan trọng như xếp hạng tín nhiệm, bảo lãnh phát hành, dịch vụ tư vấn phát hành, quỹ quản lý tài sản chưa được phát triển đồng bộ. Rất ít tổ chức phát hành trái phiếu ở Việt Nam được xếp hạng tín nhiệm từ một tổ chức xếp hạng tín nhiệm có uy tín...
Hiện có khoảng 47 quỹ quản lý tài sản trong nước và quốc tế, tuy nhiên, rất ít quỹ đầu tư tập trung vào cơ sở hạ tầng hoặc nắm giữ danh mục tài sản liên quan đến cơ sở hạ tầng. Điều này phản ánh rằng thị trường trong nước thiếu tài sản cơ sở hạ tầng “chất lượng” có thể đáp ứng yêu cầu đầu tư của các nhà đầu tư tổ chức.
Song, thành công của đợt phát hành trái phiếu xanh (greeen bonds) của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vào tháng 7/2022 chứng tỏ rằng nếu một công cụ nợ được thiết kế và cấu trúc tốt, sẽ có khả năng thu hút các nhà đầu tư tổ chức.
Vì vậy, để thu hút các nhà đầu tư tổ chức tài chính vào các dự án cơ sở hạ tầng ở Việt Nam, ông Phan Vinh Quang - đại diện nhóm nghiên cứu Báo cáo huy động nguồn lực tài chính mới cho các dự án cơ sở hạ tầng tại Việt Nam khuyến nghị, Chính phủ Việt Nam cần chuẩn bị một danh mục các dự án đầu tư bền vững, giới thiệu các công cụ đầu tư có cấu trúc tốt và phát triển một thị trường vốn.
Việc tạo ra một môi trường thuận lợi, việc phát triển các cơ hội và công cụ tài chính lành mạnh là rất quan trọng để thu hút các nhà đầu tư tổ chức quốc tế. Chính phủ cần nâng cao năng lực chuẩn bị dự án để đưa ra thị trường các dự án cơ sở hạ tầng đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế ESG. Hơn nữa, chính phủ cần tăng cường vận hành và quản lý thị trường vốn để cải thiện niềm tin của nhà đầu tư khi đầu tư vào các công cụ tài chính, chẳng hạn như trái phiếu doanh nghiệp hoặc dự án tại Việt Nam.
Bên cạnh đó Việt Nam cần phát triển và cải thiện các dịch vụ hỗ trợ cho thị trường vốn. Ngoài việc phát triển các tổ chức xếp hạng trong nước, Chính phủ có thể xem xét cho phép các tổ chức xếp hạng quốc tế thực hiện và giải quyết các vấn đề trong nước do các tổ chức trong nước chưa được các nhà đầu tư quốc tế thừa nhận. Quản trị doanh nghiệp cũng cần được tăng cường để bảo vệ nhà đầu tư. Đồng thời cải thiện và củng cố hơn nữa năng lực của cơ quan quản lý trong việc phát hiện, thanh tra, điều tra và truy tố gian lận chứng khoán.