Việt Nam - Hàn Quốc: Đẩy mạnh hợp tác phát triển kinh tế xanh và sáng tạo
Diễn đàn kinh tế và thương mại Việt Nam - Hàn Quốc 2022 |
Nằm trong chuỗi sự kiện kỷ niệm 77 năm Quốc khánh Hàn Quốc (15/8/1945-15/8/2022), kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, nâng cấp quan hệ hai quốc gia lên “Đối tác chiến lược toàn diện”, ngày 18/10/2022 tại Hà Nội, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN phối hợp với Hội hữu nghị Việt Nam - Hàn Quốc, Đại học Quốc gia Pusan (Hàn Quốc), Hiệp hội doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (KORCHAM) tổ chức “Diễn đàn kinh tế và thương mại Việt Nam - Hàn Quốc 2022” (VIKOEF 2022) với chủ đề “Kinh tế Việt Nam - Hàn Quốc 2022: Sự chuyển đổi mô hình phát triển kinh tế hướng tới nền kinh tế xanh và sáng tạo”.
Phát biểu tại lễ khai mạc, TS. Vũ Tiến Lộc, Đại biểu Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam, Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam - Hàn Quốc cho biết, Hàn Quốc là đối tác chiến lược và sẽ là đối tác chiến lược toàn diện của Việt Nam. 59 tỉnh thành phố ở Việt Nam có quan hệ kinh tế thương mại trực tiếp với Hàn Quốc. Hàn Quốc là nhà đầu tư số 1, là đối tác viện trợ phát triển, là thị trường du lịch, hợp tác lao động đứng thứ 2, là thị trường xuất khẩu thứ 3.
Các doanh nghiệp Hàn Quốc hiện có mặt ở mọi lĩnh vực của nền kinh tế Việt Nam: dịch vụ, logistics, tài chính - ngân hàng, may mặc, xây dựng, chế tạo, công nghiệp chế biến… Trong đó, Bắc Ninh là địa phương dẫn đầu với 957 dự án, có tổng vốn đầu tư là 10,7 tỷ USD; thứ hai là Hải Phòng với 185 dự án, tổng vốn đầu tư 8,1 tỷ USD; thứ ba là Hà Nội với 2.327 dự án, tổng vốn đầu tư 7,78 tỷ USD. Tiếp theo là Đồng Nai, Thái Nguyên, TP. Hồ Chí Minh...
Đáng kể nhất là Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc (VKFTA) có hiệu lực từ ngày 20/12/2015, đã đưa tổng vốn đầu tư của Hàn Quốc vào Việt Nam tăng từ 43,7 tỷ USD năm 2015 lên 74,1 tỷ USD năm 2021. Trong vòng 1 đến 2 năm tới, Việt Nam và Hàn Quốc hoàn toàn có thể hiện thực hóa “mục tiêu kép”, đưa kim ngạch thương mại song phương và tổng vốn đầu tư lũy kế cùng cán mốc 100 tỷ USD.
Điểm nhấn quan trọng khác được ông Đặng Đình Tùng, Phó vụ trưởng Vụ Đánh giá, Thẩm định và Giám định công nghệ (Bộ Khoa học - Công nghệ) thông tin tới diễn đàn, trong số 37 giấy phép do Bộ Khoa học - Công nghệ cấp cho các doanh nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao, các doanh nghiệp có nguồn gốc từ Hàn Quốc chiếm tỷ trọng đa số.
Thêm nữa, khi kiểm soát nhập khẩu máy móc và dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng, thống kê cho hay, từ năm 2019 đến tháng 5/2022 có đến 80% lượng dây chuyền máy móc, thiết bị công nghệ (đã qua sử dụng, đáp ứng các tiêu chí của Chính phủ Việt Nam về an toàn, tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường) được nhập khẩu vào có nguồn gốc từ Hàn Quốc, thể hiện dòng dịch chuyển đầu tư của Hàn Quốc khá rõ nét và tạo nên điểm nhấn rất quan trọng trong quá trình dịch chuyển các nhà máy từ Hàn Quốc sang Việt Nam.
Khẳng định quan hệ kinh tế thương mại giữ vị trí trung tâm. Quan hệ kinh tế, thương mại Việt - Hàn không chỉ lớn về quy mô để có thể tính ra bằng số công ăn việc làm hay là đóng góp cho tăng trưởng, mà còn lớn hơn ở những giá trị vô hình, những giá trị văn hóa, công nghệ, mô hình phát triển và điều hành nền kinh tế mà chúng ta có thể học tập, chia sẻ với nhau, TS. Vũ Tiến Lộc bày tỏ.
Đáng kể nữa là, kỳ tích trong quá trình công nghiệp hóa của Hàn Quốc những năm 60 - 70 - 80 của thế kỷ trước và quá trình chuyển sang nền kinh tế hiện đại hàng đầu trên thế giới hiện nay, là những bài học tham khảo rất quý giá cho quá trình công nghiệp hóa và phát triển nền kinh tế đổi mới sáng tạo của Việt Nam trong những năm sắp tới.
Nhìn lại thực tế, Việt Nam đang cùng lúc phải thực hiện hành trình kép vừa tiếp tục quá trình công nghiệp hóa đất nước hình thành những ngành công nghiệp cơ bản của một nền kinh tế để bảo đảm tính tự chủ, tự cường, lại vừa đi tắt, đón đầu hướng tới một cơ cấu kinh tế tri thức sáng tạo hơn, bắt kịp những xu thế hàng đầu của nhân loại như chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, đề cao trách nhiệm xã hội.
TS. Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh, Việt Nam cần phải xây dựng một nền kinh tế không chỉ thông minh hơn, hiệu quả hơn mà còn phải nhân văn hơn, thân thiện với môi trường và hòa giải được với thiên nhiên. Dư địa cho sự hợp tác giữa Hàn Quốc và Việt Nam trên hành trình này là vô cùng lớn!
Nhiều doanh nghiệp hàng đầu của Hàn Quốc đã đến Việt Nam và chọn Việt Nam là quê hương thứ 2 của họ và Việt Nam đã trở thành một mắt xích không thể thiếu được trong chuỗi cung ứng toàn cầu mà các doanh nghiệp Hàn Quốc đang dẫn dắt. Nhưng, những công đoạn mà Việt Nam đang tham gia, nhìn chung, mới chỉ là những mắt xích sử dụng lao động giản đơn.
Việt Nam ghi dấu trong nền kinh tế toàn cầu, cho đến thời điểm này, vẫn chỉ là “công xưởng lắp ráp gia công”. Nếu dừng lại ở định vị như vậy thì Việt Nam sẽ không bao giờ thoát khỏi được bẫy thu nhập trung bình.
Nếu nhìn vào lịch sử phát triển của Hàn Quốc những năm 70 - 80 của thế kỷ trước, doanh nghiệp đầu tư vào Hàn Quốc là Nhật Bản, là các nước phương tây. Doanh nghiệp Hàn Quốc rất nhỏ và sơ khai nhưng đã nỗ lực học tập và hợp tác với doanh nghiệp nước ngoài, với tinh thần khởi nghiệp của các doanh nhân cùng sự định hướng và yểm trợ của Nhà nước kiến tạo, nền kinh tế Hàn Quốc đã phát triển thần kỳ, các chủ doanh nghiệp dân tộc đã vượt lên, làm chủ công nghệ, hợp tác và cạnh tranh bình đẳng trong nền kinh tế toàn cầu.
Chúng ta mong muốn bắt đầu một giai đoạn mới trong “hợp tác đầu tư” với nước ngoài đúng theo nghĩa của từ này chứ không chỉ là thu hút hay tiếp nhận đầu tư bằng mọi giá. Hàn Quốc đã đi đầu trong làn sóng đầu tư thứ nhất vào Việt Nam để biến Việt Nam thành “ công xưởng” và bây giờ chúng ta hy vọng Hàn Quốc sẽ đi đầu trong làn sóng thứ 2 cùng với Việt Nam xây dựng “hệ sinh thái” đổi mới sáng tạo ở đất nước này - TS. Vũ Tiến Lộc nêu quan điểm.
Muốn vậy, không chỉ doanh nghiệp Việt Nam phải từng bước tiếp nhận chuyển giao và trưởng thành về công nghệ, đặc biệt phải cộng sinh được với những tập đoàn hàng đầu của Hàn Quốc để có thể tham gia vào những phân khúc có giá trị gia tăng lớn hơn của chuỗi cung ứng toàn cầu.
Mà quan trọng hơn, cần phải xây dựng được một thể chế vững mạnh, trong đó Nhà nước giữ vai trò kiến tạo. Phải có được một cộng đồng doanh nhân có khát vọng khởi nghiệp, sáng tạo và có tinh thần dũng cảm của những chiến binh.