Việt Nam là một phần không thể thiếu của chuỗi cung ứng toàn cầu
Ông Julien Brun |
Bức tranh chung của chuỗi cung ứng toàn cầu trong bối cảnh hiện nay là gì, thưa ông?
Nền kinh tế thế giới đang có sự chuyển dịch mạnh mẽ, xu hướng toàn cầu hóa ngày càng diễn ra nhanh chóng với nhiều thách thức. Thế giới đang bước vào một thời kỳ mới với những nguy cơ suy thoái có thể được báo trước, các nước cũng đang tìm cách chế ngự lạm phát.
Mặc dù, tất cả các doanh nghiệp trong mọi lĩnh vực, ngành nghề đều hy vọng sẽ có chuyển biến tích cực hơn trong năm 2023 - nhưng vẫn họ biết vẫn đang phải đối mặt với rất nhiều thách thức lớn. Đó là lý do tại sao các công ty cần có chiến lược đầu tư, vận hành phù hợp cho thời kỳ mới. Riêng đối với chuỗi cung ứng, các doanh nghiệp đang có một danh sách dài những việc cần chuẩn bị cho chuỗi cung ứng “5 sao” trong tương lai (bền vững, minh bạch, nhanh chóng, linh hoạt, hiệu quả). Trong đó, việc tăng tính minh bạch và khả năng phục hồi cho chuỗi cung ứng đầu cuối là hai ưu tiên hàng đầu.
Theo ông, doanh nghiệp Việt Nam đang ở đâu trên bản đồ chuỗi cung ứng trên thế giới?
Xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng từ Trung Quốc sang các nước châu Á khác, trong đó có Việt Nam trong vài năm qua đã được khẳng định và có thể điều này sẽ tiếp tục trong ít nhất 10 năm tới, dù các lĩnh vực khác nhau sẽ có tốc độ dịch chuyển khác nhau. Vì vậy, năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt cần phải được quan tâm đúng mức ngay từ bây giờ, nếu không sẽ đánh mất cơ hội. Các lĩnh vực đã và đang chứng kiến sự dịch chuyển lớn là sản xuất đồ nội thất, dụng cụ gia dụng, may mặc, giày dép, thiết bị công nghiệp…
Trong bối cảnh này, đổi mới sáng tạo là yếu tố then chốt để đảm bảo rằng Việt Nam có thể hội nhập sâu hơn nữa và trở thành một phần không thể thiếu của chuỗi cung ứng toàn cầu, từ đó phát triển kinh tế bền vững.
Như vậy rõ ràng, giáo dục là nơi bắt đầu tất cả. Sau đó, cần có nhiều hỗ trợ hơn để khuyến khích các công ty tăng năng suất bằng các giải pháp kỹ thuật số.
Doanh nghiệp trong khối sản xuất cần chuẩn bị tốt để đa dạng hóa chuỗi cung ứng |
Vậy, các doanh nghiệp Việt Nam cần chuẩn bị gì để ứng phó với những thay đổi?
Chuỗi cung ứng bán lẻ gặp thách thức lớn trong 2023 là nhu cầu tiêu thụ giảm dẫn đến tăng trưởng thấp hơn, thậm chí suy giảm ở cả thị trường trong nước và xuất khẩu dẫn đến chi phí tồn kho cao hơn và dòng tiền âm; cùng với đó là các ảnh hưởng từ giá nhiên liệu và vật liệu. Chiến lược xử lý tồn kho trong chuỗi cung ứng ngành bán lẻ sẽ linh hoạt để thích ứng nhanh chóng trong 2023 với chuỗi cung ứng tích hợp, mạng lưới phi tập trung để phục vụ nhanh hơn, thay cho chiến lược “hàng có sẵn" với mức dự trữ hàng sau đại dịch.
Chuỗi cung ứng ngành bán lẻ cần tiếp tục chuyển đổi số mạnh mẽ hơn với việc số hoá các quy trình vận hành để đạt mức độ minh bạch, hiển thị dữ liệu, tích hợp cao hơn, cũng như áp dụng phân tích dữ liệu cao cấp; ứng dụng trí tuệ nhân tạo và máy học vào việc lập kế hoạch dự báo nhu cầu, cân đối cung cầu, tối ưu hoá chuỗi cung ứng đầu cuối như công nghệ SimCEL…
Doanh nghiệp trong khối sản xuất cần chuẩn bị tốt để đa dạng hóa chuỗi cung ứng, quản lý hàng tồn kho; các chiến lược đối phó với suy thoái cũng như hàng loạt gián đoạn khác, các thách thức về lực lượng lao động, về chuyển đổi số. Bên cạnh đó, cần phải chuẩn bị để đáp ứng các điều chỉnh vĩ mô, và phải quan tâm hơn nữa về ESG (Environment – môi trường, Social – xã hội và Governance – quản trị doanh nghiệp) - bộ 3 tiêu chuẩn để đo lường những yếu tố liên quan đến định hướng, hoạt động phát triển bền vững của doanh nghiệp.
Các công ty sản xuất cũng cần chuẩn bị năng lực sản xuất để sẵn sàng tâm thế cho các biến động, tăng cường tính minh bạch trong chuỗi, đảm bảo truy xuất nguồn gốc của chuỗi cung ứng một cách hiệu quả nhất...
Xin cảm ơn ông!