Vốn hỗ trợ tạo việc làm: Giúp chuyển hướng sản xuất hàng hóa ở nông thôn
Ý nghĩa nhân văn từ vốn tạo việc làm | |
Sẽ nâng mức cho vay, kéo dài thời hạn với chính sách hỗ trợ việc làm | |
Vay tạo việc làm: Đề xuất tối đa 100 triệu đồng/người lao động |
Với vùng thuần nông như huyện Vụ Bản (Nam Định) thì nguồn vốn ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) càng có ý nghĩa đặc biệt, giúp người nông dân tăng gia sản xuất, phát triển các mô hình trồng trọt, chăn nuôi hiệu quả, giải quyết việc làm.
Mô hình nuôi thỏ của anh Triệu Đình Hợi, xã Hợp Hưng, huyện Vụ Bản mang lại hiệu quả kinh tế cao |
Về thôn Vụ Nữ, xã Hợp Hưng, huyện Vụ Bản hỏi tới anh Triệu Đình Hợi hầu như ai cũng biết bởi anh đang rất thành công với mô hình nuôi thỏ. Cũng như nhiều nông dân chân lấm tay bùn làm bạn với cây lúa, cuộc sống của gia đình anh Hợi từng gặp vô vàn khó khăn. Nhưng cùng với sự hỗ trợ của nguồn vốn NHCSXH, anh đã biết cách vươn lên làm giàu. Đầu tiên là từ chủ trương dồn điền đổi thửa của xã, gia đình anh Hợi mạnh dạn nhận khoán hơn 16 nghìn mét vuông đất công với thời gian 5 năm để xây dựng chuồng trại để chăn nuôi giống thỏ New Zealand. Tuy nhiên, thời gian đầu, mọi việc rất khó khăn bởi thiếu vốn đầu tư, bản thân anh chưa có kinh nghiệm và kiến thức về chăn nuôi và quản lý trang trại.
Năm 2018, thông qua Hội Nông dân xã, anh Hợi đã được tiếp cận 50 triệu đồng vốn vay ưu đãi hỗ trợ việc làm từ Phòng giao dịch NHCSXH huyện Vụ Bản. Cùng thời điểm đó, được sự giới thiệu của NHCSXH huyện, anh đã ký kết hợp đồng với Công ty NIPONGZOKY - một công ty của Nhật Bản chuyên thu mua thỏ phục vụ cho việc chế tạo vacxin. Có nguồn vốn để đầu tư và không phải lo sản phẩm đầu ra, anh quyết định nâng cấp, mở rộng quy mô chuồng trại, mua sắm trang thiết bị, máy móc và chuyên tâm chăm sóc đàn thỏ.
Không phụ những cố gắng nỗ lực của bản thân anh và gia đình, đàn thỏ sinh trưởng phát triển tốt. Sau 2 năm vay vốn NHCSXH anh Hợi đã có 6.000 con thỏ, trong đó 800 con thỏ bố mẹ. Hàng tháng, anh xuất cho công ty từ 1.500-1.600 con thỏ thương phẩm, mỗi con có trọng lượng 2,2kg, giá 187 nghìn đồng/con. Tổng thu hàng tháng đạt khoảng 300 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí, nhân công lao động, khấu hao chuồng trại… còn khoảng trên 65 triệu đồng/tháng. Mô hình nuôi thỏ của anh Hợi đã tạo việc làm thường xuyên cho 7-8 lao động với mức lương 4 - 4,5 triệu đồng/tháng.
Chia sẻ về sự thành công của mô hình nuôi thỏ, anh Hợi cho biết, có được kết quả như ngày hôm nay, ngoài sự nỗ lực quyết tâm thoát nghèo, làm giàu chính đáng của bản thân, của gia đình, còn là sự quan tâm ủng hộ, tạo mọi điều kiện tiếp cận vốn của NHCSXH huyện Vụ Bản.
"Vốn vay phù hợp, lãi suất thấp, thời gian vay dài hạn mà không phải thế chấp nên tôi có nhiều thuận lợi để phát triển kinh tế. Đặc biệt, các anh chị cán bộ Hội Nông dân huyện, xã và cán NHCSXH huyện đã tận tình hướng dẫn để tôi sử dụng đồng vốn vay có hiệu quả nhất", anh Hợi chia sẻ.
Dõi theo từng dòng vốn của ưu đãi của gia đình anh Hợi, bà Triệu Thị Nhạn - Tổ trưởng tổ vay vốn thôn Vụ Nữ, xã Hợp Hưng nhận xét: Gia đình anh Hợi là một trong số rất nhiều thành viên của tổ TK&VV đã phát huy hiệu quả nguồn vốn vay để vươn lên làm giàu. Bên cạnh đó, anh còn có trách nhiệm, chia sẻ kinh nghiệm, giúp đỡ và vận động bà con, các thành viên trong tổ sử dụng vốn đúng mục đích, chấp hành tốt các quy ước hoạt động của tổ đã đề ra, góp phần giảm nghèo bền vững và vươn lên làm giàu chính đáng trên mảnh đất quê hương.
Ông Trần Duy Hưng, Giám đốc NHCSXH Nam Định cho biết, chương trình cho vay hỗ trợ tạo việc làm giúp giảm tỷ lệ thất nghiệp, tăng thu nhập, mở rộng sản xuất, phát triển các ngành nghề, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, thay đổi cơ cấu kinh tế theo hướng sản xuất hàng hóa ở nông thôn. Trong 5 năm qua, ngoài nguồn vốn của Trung ương, NHCSXH Nam Định đã nhận nguồn vốn ủy thác từ ngân sách địa phương các cấp để cho vay tạo việc làm, giải ngân cho 4.860 khách hàng, số tiền 190,1 tỷ đồng, thu hút, tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm cho 5.683 lao động. Dư nợ đến 31/3/2020 đạt 118,4 tỷ đồng, tăng 45,3 tỷ đồng so với 31/12/2015, với 2.978 khách hàng còn dư nợ.
Nguồn vốn tín dụng ưu đãi nói chung và vốn cho vay giải quyết việc làm nói riêng ở Nam Định mang lại hiệu quả còn nhờ việc lồng ghép, phối hợp giữa tín dụng ưu đãi của nhà nước với phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Theo ông Trần Lê Đoài, Phó Chủ tịch UBND kiêm Trưởng Ban đại diện HĐQT NHCSXH Nam Định, hiện nay, khu vực nông thôn đã có nhiều chuyển biến rõ nét trong đời sống người dân, đặc biệt người nghèo. Có được thành công này là nhờ thông qua việc cấp tín dụng ưu đãi cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác góp phần khai thác tiềm năng đất đai, lao động và tài nguyên thiên nhiên; tạo điều kiện phát triển ngành nghề truyền thống, ngành nghề mới, góp phần giải quyết việc làm cho người nghèo lao động ở nông thôn. Việc triển khai chính sách này là mối liên kết tốt giữa Nhà nước thông qua NHCSXH với các Hội đoàn thể và người nghèo, là một giải pháp hữu hiệu giảm nghèo hiệu quả và bền vững.
Bên cạnh hoạt động cho vay vốn, để giúp hộ vay sử dụng hiệu quả, tổ chức hội các cấp đã chủ động phối hợp với ngành Nông nghiệp, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội, các tổ chức kinh tế, các nhà khoa học, đặc biệt là đội ngũ cán bộ khuyến nông, khuyến ngư, khuyến lâm, khuyến công tổ chức các buổi tập huấn, hướng dẫn, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho các hộ vay vốn. Ngoài ra, các cấp hội còn xây dựng các mô hình phát triển kinh tế có hiệu quả để tổ chức cho hội viên tham quan, trao đổi kinh nghiệm. Hàng năm, các cấp hội đã tham gia tổ chức và trực tiếp dạy nghề cho lao động nông thôn. Từ những hoạt động trên đã tạo ra sự lan tỏa, cuốn hút hộ vay tham gia thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, từng bước làm quen với sản xuất hàng hóa, sử dụng vốn đúng mục đích, nhiều hộ đạt mức thu nhập cao đã thoát nghèo, từng bước vươn lên làm giàu.
Ban Đại diện HĐQT NHCSXH Nam Định cũng đề nghị Chính phủ, NHCSXH Việt Nam, cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm bổ sung nguồn vốn cho vay hỗ trợ tạo việc làm để người dân mở rộng các mô hình sản xuất, kinh doanh, đảm bảo việc làm thường xuyên cho người lao động địa phương.