WB công bố báo cáo đô thị tại khu vực Đông Á
Theo Báo cáo "Thay đổi cảnh quan đô thị Đông Á: Đánh giá một thập kỷ phát triển không gian” vừa được Ngân hàng Thế giới (WB) công bố ngày 26/1, gần 200 triệu người đã di chuyển đến các khu vực đô thị tại khu vực Đông Á trong giai đoạn 2000-2010, tương đương với số dân của một nước lớn thứ sáu trên thế giới.
Đây là lần đầu tiên có một dữ liệu so sánh các khu đô thị và dân số một cách nhất quán trên toàn khu vực Đông Á, từ đó giúp các Chính phủ và các nhà lãnh đạo đô thị hiểu biết tốt hơn về hình hài và quy mô tăng trưởng để họ có thể thực hiện đô thị hóa đúng đắn - tạo cơ hội cho tất cả mọi người.
“Đô thị hóa nhanh chóng là một thách thức đáng kể cho khu vực Đông Á, nhưng chúng ta không thể quản lý tốt những gì mà chúng ta chưa đo lường được" -Axel van Trotsenburg, Phó Chủ tịch WB khu vực Đông Á cho biết và nhấn mạnh: "Chúng tôi cung cấp dữ liệu này để lãnh đạo các đô thị có thể có được một bức tranh tốt hơn và hành động để đảm bảo rằng tăng trưởng đô thị mang lại lợi ích cho người dân đang di chuyển ngày càng nhiều đến các thành phố, đặc biệt là người nghèo”.
Theo báo cáo này, khu vực đô thị ở Đông Á tăng với tốc độ trung bình 2,4% mỗi năm trong thời gian nghiên cứu trên và tổng diện tích đô thị vào năm 2010 đã ở mức 134.800 km2. Dân số đô thị cũng tăng nhanh với mức tăng bình quân hàng năm là 3,0% và đạt 778 triệu vào năm 2010 – con số lớn nhất so với bất cứ khu vực nào khác trên thế giới.
Báo cáo cũng cho thấy mối liên hệ trực tiếp giữa đô thị hóa và tăng trưởng thu nhập và mối liên hệ giữa năng suất lao động cao hơn cùng với tỷ lệ dân số đô thị tăng lên.
Các Chính phủ đang cố gắng nắm bắt quá trình đô thị hoá để tìm các biện pháp phản ứng thích hợp. Nhưng một vấn đề mà các nước đang vấp phải là thiếu dữ liệu so sánh quốc tế do các nước sử dụng các định nghĩa khác nhau về khu vực và dân số đô thị.
Do đó, các bộ dữ liệu mới sẽ giúp giải quyết thách thức này bằng cách sử dụng hình ảnh và các kỹ thuật vệ tinh phục vụ lập mô hình phân bổ dân số, lập bản đồ tất cả các khu định cư nhằm nắm được xu hướng đô thị hóa. Cách tiếp cận này có thể thiết lập một cách có hệ thống địa bàn, tốc độ đô thị hóa và việc tăng dân số liên hệ như thế nào với gia tăng diện tích đất đô thị.
Tại Việt Nam, quá trình đô thị hóa cũng đang diễn ra nhanh chóng, cả về không gian và dân số. Theo nghiên cứu của WB trong giai đoạn 2000 – 2010, Việt Nam có dân số đô thị lớn thứ sáu trong khu vực Đông Á, với khoảng 23 triệu người.
Trong giai đoạn này, dân số đô thị tăng 7,5 triệu người. Tỷ lệ tăng dân số đô thị là 4,1% hàng năm là một trong những tỷ lệ cao nhất trong khu vực. Trong giai đoạn này, dân số đô thị của Việt Nam thay đổi từ 19% thành thị (sống trong khu vực đô thị có từ 100.000 người trở lên) lên 26%.
Việt Nam không có các thành phố cực lớn với 10 triệu người hoặc hơn nhưng các khu đô thị TP. Hồ Chí Minh (7,8 triệu người) và Hà Nội (5,6 triệu người) cũng nằm trong số các thành phố lớn nhất trong khu vực.
Một điều đáng chú ý nhất trong quá trình mở rộng đô thị ở Việt Nam là tốc độ tăng nhanh khu đô thị tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Tốc độ mở rộng của hai thành phố này (lần lượt là 3,8% và 4% hàng năm) lớn hơn nhiều so với tốc độ tăng tăng trưởng các khu đô thị của các nước khác trong khu vực, trừ Trung Quốc.
Nếu cứ tiếp tục tăng với tốc độ hiện nay, đến năm 2020 cả hai thành phố sẽ lớn gấp đôi so với năm 2000.