Xây dựng “vùng xanh” doanh nghiệp
Giải pháp nào tránh đứt gãy chuỗi cung ứng? (Bài 2) | |
Giải pháp nào tránh đứt gãy chuỗi cung ứng? (Bài 1) | |
Nỗ lực cao nhất để không đứt gãy sản xuất |
Chủ động chống dịch
Hiện nay, dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, đặc biệt các ca nhiễm xuất hiện tại một số doanh nghiệp trong KCN đã ảnh hưởng lớn tới hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội. Theo UBND TP. Hà Nội, trong bối cảnh dịch Covid bùng phát mạnh cần phải có phương án cho doanh nghiệp trong khu công nghiệp vừa tiến hành sản xuất, vừa phải đảm bảo công tác phòng, chống dịch theo đúng quy định.
Là địa bàn có nhiều lao động trong KCN, cũng là địa bàn luôn có số ca nhiễm SARS-CoV-2 lớn nhất thành phố Hà Nội trong mỗi lần dịch bùng phát, huyện Đông Anh đã nhanh chóng xây dựng và thực hiện các phương án phòng chống dịch bệnh, nhất là tại các doanh nghiệp trong KCN. Chủ tịch UBND huyện Đông Anh Nguyễn Xuân Linh cho biết, trên địa bàn có KCN Thăng Long với trên 70.000 lao động, có các chuyên gia nước ngoài và người lao động đến từ nhiều tỉnh, thành phố nên nguy cơ lây nhiễm trong nhà máy và khu vực dân cư lân cận rất cao. Để đảm bảo phòng chống dịch, đảm bảo điều kiện sản xuất của doanh nghiệp trong khu công nghiệp, tất cả doanh nghiệp đều phải xây dựng phương án sản xuất kết hợp với phòng, chống dịch và phương án đó phải được Chủ tịch UBND huyện phê duyệt.
Tổng Công ty May 10 quyết tâm thực hiện “Nhà máy xanh – Công nhân xanh” |
Theo đại diện UBND huyện Đông Anh, hiện huyện đang triển khai phương án “3 tại chỗ” với các doanh nghiệp. Các nhà máy, xí nghiệp, cơ sở sản xuất trong các khu/cụm công nghiệp phải xây dựng phương án sản xuất an toàn “3 tại chỗ: Sản xuất, ăn uống, nghỉ ngơi tại chỗ” hoặc “1 cung đường 2 điểm đến” được UBND quận, huyện, thị xã phê duyệt và thực hiện nghiêm theo phương án đã được phê duyệt. Sẵn sàng phương án, kịch bản duy trì sản xuất an toàn trong trường hợp nhà máy bị phong tỏa, cách ly, lấy nhà máy là nơi cách ly và ổn định sản xuất. Cùng với việc chủ động các biện pháp phòng, chống dịch, các doanh nghiệp kiến nghị thành phố ưu tiên tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho lực lượng lao động, bởi bên cạnh khẩu trang, khử khuẩn, giãn cách… trong sản xuất, thì vắc xin là giải pháp vô cùng quan trọng bảo đảm không đứt gãy chuỗi sản xuất. Huyện đề nghị Thành ủy, UBND thành phố quan tâm ưu tiên thêm từ 70 - 100 nghìn liều vắc xin phòng Covid-19 để tiêm cho công nhân và nhân dân 4 xã xung quanh KCN.
Trên thực tế, để duy trì hoạt động sản xuất trong bối cảnh dịch Covid lan rộng đòi hỏi các doanh nghiệp cần phải tuân thủ nghiêm ngặt các phương án phòng chống dịch của thành phố.
Ông Thân Đức Việt, Tổng Giám đốc Tổng Công ty May 10 chia sẻ, xây dựng các “vùng xanh” an toàn đang là giải pháp mà nhiều tổ chức, đơn vị đang triển khai nhằm chủ động hơn trong công tác phòng, chống dịch Covid-19. Để đảm bảo thực hiện mục tiêu kép, May 10 đã thực hiện quyết liệt vừa phòng, chống dịch, vừa phát triển kinh tế, chủ động lên kịch bản để ứng phó với khó khăn, duy trì sản xuất, kinh doanh mà ưu tiên số một bảo vệ sức khỏe, an toàn tính mạng người lao động. Do vậy, đến thời điểm này toàn thể đội ngũ người lao động vẫn được bảo toàn, không để xảy ra một trường hợp F0 tại doanh nghiệp. Toàn thể cán bộ, công nhân viên đều quyết tâm thực hiện “Nhà máy xanh - Công nhân xanh”, đồng lòng vượt qua đại dịch.
Do đặc thù là doanh nghiệp sản xuất may mặc xuất khẩu nên tổng công ty vẫn duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh để thực hiện các hợp đồng kinh tế đã ký kết với các khách hàng. Về nhiệm vụ thời gian tới, với mục tiêu chống dịch và đảm bảo an toàn sức khỏe cho người lao động là hàng đầu, May 10 tiếp tục triển khai tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19 cho người lao động trong doanh nghiệp. Xây dựng và sẵn sàng các phương án sản xuất tùy tình hình dịch. Giãn cách, 50% lao động đi làm, 3 tại chỗ, nghỉ toàn nhà máy. Tìm mọi biện pháp để tăng năng suất lao động, nhưng kiểm soát tốt công tác chất lượng và tiến độ giao hàng… ông Thân Đức Việt cho biết thêm
Hỗ trợ kịp thời
Theo thông tin từ UBND TP. Hà Nội, trước những khó khăn của doanh nghiệp gặp phải, thành phố đã triển khai nhanh, kịp thời các giải pháp hỗ trợ của Chính phủ, như giãn, hoãn thuế, cơ cấu nợ, giảm lãi suất tín dụng… Đặc biệt ngành Ngân hàng trên địa bàn đã nỗ lực đồng hành cùng doanh nghiệp trong việc giải ngân vốn, hỗ trợ lãi suất, cơ cấu lại nợ… Để kịp thời hỗ trợ cho doanh nghiệp, Ngân hàng Chính sách Xã hội TP. Hà Nội đã ra quyết định cho 2 đơn vị vay vốn để trả lương ngừng việc cho 2.394 lao động, với số vốn cho vay là 10,58 tỷ đồng. Mới đây, Thường trực HĐND TP. Hà Nội đã thống nhất với đề xuất của UBND TP. Hà Nội về việc bổ sung 500 tỷ đồng nguồn vốn ngân sách năm 2021 ủy thác qua Chi nhánh NHCSXH thành phố để cho vay đối với người lao động có nhu cầu vay vốn để phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh, khắc phục khó khăn do dịch bệnh Covid-19, tạo việc làm và thu nhập ổn định.
Đại diện NHNN chi nhánh Hà Nội cho biết, các tổ chức tín dụng trên địa bàn tiếp tục đẩy mạnh triển khai nhiều biện pháp hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay, tạm thời giữ nguyên nhóm nợ đối với các khoản vay phù hợp quy định của NHNN và xem xét cho khách hàng vay vốn để duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh. Tính đến hết tháng 7/2021, tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn thành phố đạt 2.362 nghìn tỷ đồng, tăng 1,2% so với tháng trước và tăng 7,2% so với thời điểm kết thúc năm 2020. Trong đó, dư nợ cho vay đạt 2.147 nghìn tỷ đồng (chiếm 90,9% trong tổng dư nợ), tăng 1,4% và tăng 7,9%. Đồng thời, các TCTD điều chỉnh giảm lãi suất nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp và cá nhân tiếp cận nguồn vốn với chi phí thấp hơn. Lãi suất huy động bằng VND phổ biến ở mức 0,1-0,2%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; 3,1-3,8%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng; 4,0-6,0%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng; kỳ hạn từ 12 tháng trở lên ở mức 5,6-6,8%/năm.
(Thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/05/2020 của Chính phủ)