Giải pháp nào tránh đứt gãy chuỗi cung ứng? (Bài 1)
Nỗ lực cao nhất để không đứt gãy sản xuất | |
Cần giải pháp mạnh để giải cứu chuỗi cung ứng | |
Doanh nghiệp là một lực lượng thực hiện mục tiêu kép, không phải đối tượng bị kiểm soát |
Bài 1: Sản xuất - kinh doanh “tứ bề thọ địch”
Khó khăn tứ bề, nguy cơ đứt gãy đã xuất hiện
Những ngày vừa qua tại các tỉnh phía Nam đã chứng kiến cảnh những dòng người lao động tất tả rời các vùng dịch để trở về quê. Dịch dã khiến những chuyến trở về quê “không hẹn ngày trở lại” của người lao động cũng là một quan ngại lớn của các doanh nghiệp: Kiếm đâu ra đủ nguồn lao động khi hoạt động sản xuất - kinh doanh (SXKD) bình thường trở lại?
Nhưng đây không phải là khó khăn duy nhất của các doanh nghiệp lúc này. Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, chưa bao giờ cơ quan này tiếp nhận nhiều phản ánh các khó khăn, vướng mắc từ doanh nghiệp như hiện nay. Rất nhiều doanh nghiệp đang phải tạm dừng hoạt động vì không đáp ứng được “3 tại chỗ”, kéo theo vô số hệ lụy như: Không thanh toán được cho các nhà cung cấp; không thực hiện được các đơn hàng đã ký và cũng rất khó để ký được các đơn hàng gối đầu tiếp theo. Rủi ro mất đối tác, khách hàng đã hiện hữu. Nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng, sản xuất đã xuất hiện.
Khó khăn lớn nhất hiện nay của doanh nghiệp là lao động |
Ngay cả với những doanh nghiệp đủ điều kiện thực hiện được “3 tại chỗ”, nỗ lực SXKD theo mô hình này cũng không dễ dàng. Phó Tổng thư ký của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, hiện chỉ có khoảng 30% các doanh nghiệp thủy sản tại các tỉnh thành phía Nam đảm bảo được điều kiện “3 tại chỗ”, nhưng số lượng công nhân có thể huy động cũng chỉ 30-50% số lượng lao động; công suất sản xuất trung bình đã giảm chỉ còn 40-50% so với trước đây.
Ở ngành dệt may, có tới gần 90% doanh nghiệp phải đóng cửa vì không thực hiện được “3 tại chỗ”. Nhưng ở các doanh nghiệp đang hoạt động “3 tại chỗ” cũng chỉ duy trì được 60% công suất. Ông Lê Tiến Trường - Chủ tịch Tập đoàn Dệt may Việt Nam cho biết: “Duy trì sản xuất được nhưng chỉ ngắn hạn chứ khó có thể kéo dài”. Bởi chi phí 3 tại chỗ rất lớn, chi phí cho mỗi lao động bình quân tăng 2,2 lần, lên khoảng 20 triệu so với 8,5 triệu đồng bình quân/tháng trước đây.
Đã vậy cho dù cầm cự duy trì sản xuất thì doanh nghiệp lại thiếu nguyên vật liệu để sản xuất do việc vận chuyển hàng hóa bị kiểm soát chặt và do nhiều nơi cho rằng nguyên liệu sản xuất không phải hàng thiết yếu, không được phép lưu thông.
Linh hoạt, sáng tạo và đồng hành
Sớm được tiêm vắc-xin là mong mỏi lớn nhất của tất cả các doanh nghiệp lúc này. Vắc-xin là giải pháp cứu cánh và bền vững để giải quyết các khó khăn hiện nay. Tuy nhiên theo TS. Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI, ngay cả khi đạt được tỷ lệ tiêm chủng 60-70% dân số, dịch bệnh vẫn có thể kéo dài với những biến thể phức tạp. Vì vậy, cần xác định “cuộc chiến” cả về y tế và kinh tế này còn kéo dài, đòi hỏi cả những giải pháp cấp bách ngắn hạn cũng như những giải pháp dài hạn. “Rất có thể cuộc chiến này sẽ trường kỳ. Do đó, cả Chính phủ và doanh nghiệp đều cần chuyển trạng thái, tính tới các giải pháp, biện pháp dài hạn hơn, linh hoạt hơn để vừa phòng dịch vừa duy trì SXKD”, ông Lộc nói.
Xác định là sẽ phải sống chung với đại dịch lâu dài, ông Nguyễn Hoài Nam - Phó Tổng thư ký VASEP đề xuất, phải có chiến lược phát triển, phục hồi sản xuất trong bối cảnh mới và một kế hoạch chống dịch linh động theo sát thực tế các địa phương. Trong đó, một trong những yếu tố quan trọng là Bộ Y tế nên đưa ra Bộ quy tắc, hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện “Y tế tại chỗ” (như CDC Mỹ và một số quốc gia đã có). VASEP cũng đề nghị một sự phối hợp giữa CDC địa phương và doanh nghiệp. Trong đó, doanh nghiệp một mặt chủ động sử dụng tổ y tế, trạm y tế của mình để tự tổ chức xét nghiệm cho người lao động mỗi tháng 2 lần, mẫu xét nghiệm sẽ gửi cho cơ quan y tế và kết quả tự xét nghiệm của doanh nghiệp được công nhận để áp dụng trong sản xuất và lưu thông; mặt khác, phối hợp với CDC của địa phương để xét nghiệm cho người lao động trong doanh nghiệp mỗi tháng một lần. Như vậy sẽ đảm bảo mỗi công nhân được xét nghiệm 3 lần/tháng. Ngoài ra, Bộ Y tế cần hướng dẫn xử lý kịp thời khi phát hiện F0 để kiểm soát các nguồn lây nhiễm, đảm bảo an toàn dịch bệnh cho toàn nhà máy trong khi vẫn duy trì được SXKD để giảm tổn thất cho doanh nghiệp và bảo đảm sinh kế cho người lao động.
Ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công thương cho rằng, doanh nghiệp dừng sản xuất cũng ví như con người phải nín thở, nên sẽ không thể để quá lâu. Ngay lúc này phải đề ra một sách lược để thoát ra tình trạng này. “Cần có một giải pháp để cho phép các doanh nghiệp được phép hoạt động trở lại cùng với tiếp tục duy trì giãn cách tối đa, thực hiện các biện pháp phòng dịch chặt chẽ. Dù có thể vẫn phải chấp nhận quy mô công suất chưa đạt 100% nhưng có duy trì được sản xuất, duy trì được sản lượng và lực lượng lao động thì mới giúp các chuỗi cung ứng được khởi động trở lại, qua đó giúp đảm bảo mục tiêu kép đặt ra”, ông Hải nói.
Để vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế một cách an toàn, Ban Nghiên cứu và Phát triển Kinh tế tư nhân (Ban IV) vừa đề xuất với Chính phủ tới đây triển khai chiến dịch phát triển doanh nghiệp xanh. Theo ông Trương Gia Bình - Trưởng ban IV, việc thiết lập các doanh nghiệp xanh tiến tới hình thành các vùng xanh tại Việt Nam sẽ giúp duy trì sản xuất kinh doanh trong nước, tăng niềm tin từ các đối tác quốc tế.
Theo đề xuất này, doanh nghiệp xanh trước mắt gồm doanh nghiệp sản xuất xanh và doanh nghiệp vận tải/logistics xanh, tiến tới doanh nghiệp du lịch xanh, doanh nghiệp hàng không xanh, trang trại xanh... Trong đó, toàn bộ lái xe, nhân viên logistics, công nhân sản xuất, người lao động được tiêm đủ vắc-xin. Mọi hoạt động sản xuất, vận hành trong khu vực trụ sở doanh nghiệp được đưa về trạng thái bình thường kết hợp duy trì 5K trong quá trình giao tiếp với ngoài doanh nghiệp. Như vậy, có thể hiện quy trình ứng xử với Covid-19 tại trong các doanh nghiệp này áp dụng như với cúm mùa thông thường để tập trung tối đa nguồn lực cho sản xuất. Được cấp QR code về tình trạng tiêm chủng kèm tuân thủ quy định 5K lưu thông hàng hóa phục vụ tiêu dùng, xuất khẩu, nhập khẩu.
Ban IV đề xuất Chính phủ giao chỉ tiêu và trách nhiệm cho các địa phương về tỷ lệ doanh nghiệp xanh trên tổng số doanh nghiệp tại địa bàn. Trên cơ sở đó, chính quyền các tỉnh sẽ chủ động hơn trong việc tính toán, sắp xếp thứ tự ưu tiên, sử dụng hiệu quả nguồn lực vắc-xin để tổ chức tiêm cho người lao động nhằm tạo lập và phát triển các doanh nghiệp xanh.
Bài 2: Ách tắc nhìn từ Logistic