Giải pháp nào tránh đứt gãy chuỗi cung ứng? (Bài 2)
Giải pháp nào tránh đứt gãy chuỗi cung ứng? (Bài 1) |
Bài 2: Ách tắc nhìn từ logistics
Vận tải an toàn - lái xe không tiếp xúc
Theo thông tin từ Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân tập hợp từ cộng đồng doanh nghiệp và các hiệp hội doanh nghiệp thì 100% doanh nghiệp, hiệp hội được hỏi tại các tỉnh, thành cho biết, việc cung ứng hàng hóa diễn ra đặc biệt khó khăn trong đợt bùng dịch lần này.
Giao thông vận tải hàng hóa sụt giảm mạnh trong 2 tháng qua do tắc các cung đường để chờ xét nghiệm, kiểm tra giấy tờ, phân luồng, hay do lái xe thành F0, F1, F2... chưa kể các doanh nghiệp lĩnh vực này hoặc các chủ hàng phải gánh chịu thêm chi phí rất lớn để xét nghiệm cho lái xe vì hầu hết các tỉnh yêu cầu kết quả PCR có giá trị trong vòng 2-3 ngày.
Lái xe chen chúc chờ xét nghiệm |
Để ngăn dịch bệnh lây nhiễm, nhiều tỉnh đã kiểm soát chặt việc lưu thông qua tỉnh với những yêu cầu lái xe phải có xét nghiệm, có kết quả PCR âm tính… nhưng thời hạn, loại xét nghiệm mỗi nơi một khác khiến nhiều khi xe đến nơi đi tiếp không được, quay đầu không xong. “Tờ kết quả xét nghiệm đã trở thành giấy thông hành làm khổ doanh nghiệp”, giám đốc nhiều doanh nghiệp cho biết. Theo Hiệp hội Vận tải Việt Nam, các biện pháp kiểm soát bằng giấy xét nghiệm này ở các địa phương vừa làm giảm hiệu quả của công tác vận tải, ách tắc lưu thông còn tăng nguy cơ lây nhiễm bệnh cho đội ngũ lái xe khi phải chen chúc ở các điểm xét nghiệm.
Các chuyên gia y tế cũng thấy rằng việc sử dụng kết quả xét nghiệm sàng lọc Covid (gồm cả kết quả xét nghiệm nhanh hay xét nghiệm PCR) như là giấy thông hành hiện nay là chưa đúng với bản chất ý nghĩa của việc xét nghiệm và tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Trong bối cảnh đó, song cũng rất chia sẻ với áp lực của các địa phương trước nhiệm vụ nặng nề phải đẩy lùi dịch bệnh, Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam, Hiệp hội Ô tô - Vận tải Việt Nam đã đề xuất “quy trình vận tải an toàn - lái xe không tiếp xúc” theo hướng doanh nghiệp vận tải và lái xe thực hiện nghiêm chỉnh quy định “người điều khiển phương tiện vận chuyển hàng hóa ghi chép lại hành trình vận chuyển, danh sách các trường hợp có tiếp xúc; đảm bảo thông thoáng phương tiện, thường xuyên mở cửa sổ phương tiện; hạn chế tiếp xúc với người khác; thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch (đeo khẩu trang trong suốt quá trình vận chuyển và bốc dỡ hàng hóa, sát khuẩn tay thường xuyên, khai báo y tế, khử khuẩn phương tiện vận chuyển hàng ngày” tại Công văn 898/BYT-MT. Đặc biệt lái xe thực hiện nguyên tắc không rời khỏi cabin khi ra/vào, giao nhận hàng hóa tại vùng dịch. Đơn vị giao/nhận hàng hóa tại địa phương chịu trách nhiệm về bốc xếp hàng hóa, không tiếp xúc lái xe.
Đề xuất này đã được đông đảo các doanh nghiệp và Ban IV đồng tình và cùng kiến nghị tới Thủ tướng cho thực hiện quy trình này.
Cần tạo điều kiện cho lưu thông hàng hóa
Bên cạnh quy trình lái xe an toàn, Hiệp hội Vận tải ô tô kiến nghị, việc kiểm soát phương tiện trên đường cần phải có những nguyên tắc và phối hợp thống nhất giữa các địa phương; cần áp dụng công nghệ để giảm thiểu tới mức thấp nhất số lượng phương tiện phải dừng, thời gian một lần dừng. Phương tiện đi ra từ vùng dịch thì kiểm tra tại gốc, khi kiểm tra xong nhập dữ liệu vào hệ thống để các trạm khác không kiểm tra nữa.
Bên cạnh đó cần phải đồng bộ trong việc thực hiện những quy định của các bộ, ngành. Tránh tình trạng như vừa qua khi Bộ Y tế đã có quy định chấp nhận giấy chứng nhận xét nghiệm theo cả phương pháp Test nhanh hay PCR đối với lái xe, nhưng một số địa phương vẫn chỉ chấp nhận kết quả xét nghiệm PCR.
Gỡ vướng cho lưu thông là một vấn đề nóng được nêu lên tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ vừa diễn ra hôm 11/8/2021. Tại cuộc họp báo, Thứ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Nguyễn Duy Lâm cho biết, Bộ đã khẩn trương có các văn bản gửi UBND các địa phương, Ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 tại các địa phương thực hiện đồng loạt một số giải pháp chủ yếu để tạo thuận lợi trong lưu thông hàng hóa. Trong đó đề nghị không thực hiện kiểm tra tại các chốt kiểm soát, trên tất cả các tuyến đường đối với các phương tiện đã được cấp mã QR do ngành giao thông cấp. Phương tiện vận chuyển hàng hóa nào chưa được cấp mã QR, lái xe phải trình giấy xét nghiệm kết quả âm tính với virus SARS-CoV-2 còn hiệu lực trong 72 tiếng.
Bộ cũng yêu cầu các đơn vị liên quan phải theo dõi và nắm bắt kịp thời các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và hướng dẫn của Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống Covid-19, của Bộ Y tế để có tham mưu kịp thời đưa ra phương án tổ chức giao thông vận tải hàng hóa, đảm bảo không xảy ra tình trạng ùn tắc.
Tuy nhiên “dù Chính phủ, các bộ, ngành đã có nhiều văn bản về việc tạo thuận lợi trong lưu thông hàng hóa thiết yếu, nhưng trên thực tế, trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhiều địa phương áp dụng các quy định khác nhau gây ra khó khăn trong lưu thông hàng hóa và sản xuất công nghiệp vì nguyên liệu phục vụ sản xuất bị ách tắc”, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải nói. Thứ trưởng cho biết, ngay từ khi dịch bệnh bùng phát, Bộ đã có văn bản trao đổi với Bộ Y tế, Bộ Giao thông - Vận tải, các địa phương, các hiệp hội, ngành hàng và doanh nghiệp để có biện pháp tháo gỡ khó khăn trong lưu thông hàng hóa nhưng chưa khắc phục được hoàn toàn tình trạng này.
Ngày 27/7 vừa qua, Bộ Công thương đã có văn bản 4482 gửi Thủ tướng Chính phủ đề xuất Chính phủ có văn bản chỉ đạo về việc tạo thuận lợi cho việc lưu chuyển hàng hóa. Chính phủ đã hành động rất quyết liệt khi chỉ 2 ngày sau, ngày 29/7, Phó Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản chỉ đạo trên cơ sở đồng ý với ý kiến đề xuất của Bộ Công thương. Từ đó lưu thông hàng hóa về cơ bản đã thuận lợi hơn. Nhưng “vẫn còn hiện tượng tài xế gặp khó khăn khi lưu thông qua một số chốt kiểm dịch tại một số địa phương”, Thứ trưởng Hải cho biết.
Tại cuộc họp báo này Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải tha thiết mong muốn và đề nghị các địa phương bên cạnh việc tập trung kiểm soát dịch bệnh Covid-19 tại địa phương mình, cần thực hiện mục tiêu kép mà Chính phủ yêu cầu. Đó là "vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế" bằng việc tạo điều kiện cho hàng hóa, nguyên liệu sản xuất lưu thông thuận lợi, nhanh chóng.
Đó cũng chính là điều doanh nghiệp mong chờ.