Nỗ lực cao nhất để không đứt gãy sản xuất
Cảm ơn doanh nghiệp, doanh nhân
Đợt dịch Covid-19 lần thứ tư bùng phát và kéo dài với biến chủng mới đang khiến hoạt động sản xuất - kinh doanh - xuất khẩu của doanh nghiệp gặp muôn vàn khó khăn. Trong khi các nguồn lực dự trữ của doanh nghiệp đang cạn dần, sức chống chịu của doanh nghiệp suy giảm mạnh sau các đợt dịch trước đây. Không ít doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động, đóng cửa, rút khỏi thị trường. Số doanh nghiệp đang hoạt động cũng ở tình trạng cầm cự.
Không chỉ ngành hàng không, vận chuyển hành khách, du lịch, nhà hàng, khách sạn... mà các ngành sản xuất cũng đang đuối sức. Theo số liệu từ các hiệp hội ngành hàng và hiệp hội doanh nghiệp, ở 19 tỉnh phía Nam đang thực hiện giãn cách, chỉ có khoảng 30% số doanh nghiệp hoạt động được. Song các doanh nghiệp này cũng đang bị khó khăn bủa vây.
Bối cảnh hiện nay đặt ra yêu cầu và nhiệm vụ to lớn là chống dịch quyết liệt, hiệu quả, đồng thời cần giữ vững và phục hồi sản xuất kinh doanh, nỗ lực cao nhất để không đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị |
Với tinh thần đó, Thủ tướng Chính phủ đã trực tiếp chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc, làm việc với đại diện doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp và các địa phương để lắng nghe, chia sẻ, hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp trong bối cảnh đại dịch Covid-19.
Thủ tướng khẳng định, Chính phủ rất quan tâm, chia sẻ và luôn đồng hành, hỗ trợ các doanh nghiệp, doanh nhân khi gặp khó khăn. Đây là thời điểm “lửa thử vàng - gian nan thử sức”, “chớ thấy sóng cả mà ngã tay chèo” để vượt qua khó khăn, dự báo, nắm bắt cơ hội để phát triển doanh nghiệp và góp phần phát triển đất nước với tầm nhìn xa, trông rộng, gắn với dự báo tình hình trong thời gian tới.
“Trong thời gian qua, tôi đánh giá cao cộng đồng doanh nghiệp bằng bản lĩnh, trí tuệ vẫn duy trì được sản xuất, kinh doanh, không đứt gãy chuỗi sản xuất, bảo đảm cuộc sống của người lao động, góp phần vào tăng trưởng kinh tế những năm qua và 7 tháng đầu năm 2021. Nhưng tôi cũng rất chia sẻ, thấu hiểu với nhiều lĩnh vực kinh doanh dù nỗ lực đến đâu cũng không tránh được sự thua lỗ, thậm chí phá sản nếu không có sự hỗ trợ của Nhà nước, của nhân dân, đặc biệt là các ngành hàng không, du lịch...”, Thủ tướng phát biểu.
Chính phủ luôn đồng hành, quan tâm, hỗ trợ và giúp đỡ doanh nghiệp lúc khó khăn, trên tinh thần lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ. |
Chính vì vậy, hội nghị này là dịp quan trọng để Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, đề xuất, kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp, các hiệp hội, các địa phương, cơ quan, đơn vị. Tinh thần chung là phải đánh giá thực chất, khách quan, toàn diện những khó khăn, thách thức của doanh nghiệp; phân tích kỹ nguyên nhân, bài học kinh nghiệm và tìm cho được các giải pháp tháo gỡ cụ thể, thiết thực, hiệu quả trong tình hình cấp bách hiện nay cũng như lâu dài.
Không mất lạc quan, mất niềm tin chiến thắng
Tại hội nghị này, các doanh nghiệp đã bày tỏ những suy nghĩ, trăn trở về hướng đi, cách làm để làm sao vừa chống dịch quyết liệt nhưng vẫn giữ vững được sản xuất.
Theo phản ánh của đại diện các hiệp hội doanh nghiệp, dịch bệnh khiến nhiều công đoạn sản xuất bị đứt gãy; nhiều đơn hàng bị đối tác nước ngoài rút mất; hàng loạt công nhân bỏ nhà máy, bỏ việc về quê... Trong khi chi phí đầu vào ngày một tăng cao, nhiều khoản chi phí mới phát sinh như chi phí xét nghiệm, chi đầu tư trang thiết bị để đáp ứng các điều kiện về kiểm soát an toàn dịch bệnh tại doanh nghiệp…
“Điều lo lắng nhất là đình trệ, là đứt gãy. Trong đó đứt gãy lao động là đứt gãy đáng sợ nhất”, ông Nguyễn Hoài Nam - Phó Tổng thư ký của VASEP phát biểu.
Làn sóng dịch Covid-19 lần thứ tư đã khiến hoạt động sản xuất bị đình trệ |
Cũng bởi vậy theo đại diện các hiệp hội, điều quan trọng nhất đối với các doanh nghiệp chính là các biện pháp phòng, chống dịch hợp lý, không quá cực đoan để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp duy trì hoạt động. Bên cạnh đó là các biện pháp cấp thiết khác để ổn định sản xuất hạn chế tối đa số doanh nghiệp phải phá sản. Ưu tiên tiêm vaccine ở những khu vực có nguy cơ dịch bệnh cao, tập trung cho các chuỗi cung ứng, công nhân trong các khu, cụm công nghiệp, lao động trong một số lĩnh vực có tiếp xúc cao. Cho doanh nghiệp tự mua dụng cụ tự xét nghiệm để chủ động xét nghiệm; đẩy mạnh việc công nhận hộ chiếu vaccine; áp dụng chứng chỉ tiêm vắc-xin.
Một vấn đề "nóng" và quan trọng nữa là đơn giản hóa các thủ tục, đảm bảo tính minh bạch, rõ ràng và cần sự thống nhất giữa các địa phương về các quy tắc chống dịch, và lưu thông hàng hoá thông suốt, tránh tình trạng địa phương hoá quá mức khiến lưu thông bị cản trở, chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị bị gián đoạn.
TS.Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam cũng cho rằng, sự hỗ trợ mà doanh nghiệp mong đợi nhất đó là cải cách thể chế để tạo nền tảng, giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn, giúp chúng ta bứt phá sau này. “Cộng đồng doanh nghiệp rất mừng khi Chính phủ thành lập hai tổ công tác về rà soát vướng mắc chồng chéo về thể chế, và tổ công tác về tháo gỡ cho các dự án. Điều đó hơn giảm thuế và giảm lãi suất ngân hàng”, ông Lộc nhấn mạnh.
Kết luận hội nghị, Thủ tướng nhấn mạnh: “Đảng, Nhà nước rất thấu hiểu và chia sẻ khó khăn của cộng đồng doanh nghiệp. Đây là thời điểm khó khăn tác động mọi mặt đối với doanh nghiệp, nhưng không vì thế đánh mất lạc quan, bản lĩnh, mất niềm tin chiến thắng. Càng khó khăn, càng phức tạp càng phải giữ bản lĩnh, phát huy dân chủ, lắng nghe ý kiến, trí tuệ tập thể, sự đoàn kết của toàn dân chống dịch và sản xuất”.
Khẳng định, những gì thuộc thẩm quyền thì Chính phủ cố gắng giải quyết để hỗ trợ doanh nghiệp, song Thủ tướng cho biết sẽ thành lập tổ công tác đặc biệt để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. “Sau hội nghị này, thời gian tới, Chính phủ sẽ có phương án gặp doanh nghiệp theo từng lĩnh vực, từng nhóm ngành nghề để bàn sâu hơn, có giải pháp phù hợp hơn. Chính phủ luôn đồng hành, quan tâm, hỗ trợ và giúp đỡ doanh nghiệp lúc khó khăn, trên tinh thần lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/05/2020 của Chính phủ