Xu hướng định hình chuỗi cung ứng toàn cầu
Doanh nghiệp Việt trước thách thức về chuỗi cung ứng | |
Ngành điện tử đón làn sóng dịch chuyển chuỗi cung ứng | |
Kết nối doanh nghiệp Việt tiếp cận chuỗi cung ứng toàn cầu |
Theo ông Andrea Tretti, Giám đốc Cung ứng, Công ty CEL, đại dịch Covid-19 và cuộc khủng hoảng kinh tế ở nhiều nước trên thế giới đã khiến các công ty vận tải và cảng biển lâm vào tình thế khó khăn. Không ít các doanh nghiệp trong lĩnh vực này chưa bao giờ từng nghĩ đến ngành vận tải biển sẽ gặp khó đến như vậy.
Ông Vinh Lê, quản lý logistics toàn cầu - khu vực APAC, Datalogic cũng cho rằng, dù nhiều Chính phủ đã cố gắng tạo điều kiện tốt nhất có thể cho các công ty vận chuyển, song phần lớn họ vẫn phải đối mặt với những tác động trực tiếp từ cuộc khủng hoảng kinh tế diện rộng.
Ảnh minh họa. |
Nhiều chuyên gia cũng nhận định, khi nhiều nền kinh tế tiếp tục có xu hướng suy thoái, nhu cầu của người tiêu dùng có thể sẽ giảm trong những tháng tới. Điều đó có thể khiến mọi thứ trở nên khó khăn hơn đối với ngành vận chuyển và cung ứng, hay nói cách khác là sự cạnh tranh sẽ ngày càng khốc liệt.
Ngoài ra, các vấn đề về khí hậu sinh thái cũng có thể là rào cản đáng chú ý cho các chủ hàng. Đơn cử như, mực nước thấp trong vùng biển của Đức làm hoạt động vận tải hàng hải bị ảnh hưởng. Hay ở Hoa Kỳ, mực nước sông Mississippi giảm khiến hơn 100 tàu thuyền tắc nghẽn và những đợt nắng nóng ở Trung Quốc khiến những cơn bão đang trở nên mạnh hơn bao giờ hết…Tất cả đều tiềm ẩn nguy cơ phá vỡ chuỗi cung ứng trên toàn thế giới.
Bàn về vấn đề này, ông Dũng Lương, Giám đốc Kinh doanh Aba Cooltrans nhận định, trong ngành vận tải biển, các vấn đề về lao động đang là bài toán nan giải cho rất nhiều công ty trong năm qua. Trong nhiều ngành công nghiệp, nhà quản lý, điều hành đang nỗ lực tìm cách tăng lương cho người lao động. Thực tế, không ít cuộc đình công đã diễn ra ở Mỹ, Anh, Đức, Nam Phi và Hàn Quốc do chế độ của người lao động không được đảm bảo. Thêm vào đó là hậu quả của cuộc xung đột Nga-Ukraine vì hai quốc gia này chiếm gần 15% lao động trên biển.
Tuy nhiên, báo cáo của công ty nghiên cứu và dữ liệu HIS đã đưa ra khả năng chính phủ các nước sẽ vẫn tiếp tục đưa ra các biện pháp can thiệp mạnh mẽ hơn trong tương lai, khi tình hình trở nên khó khăn hơn. Một trong những cách để đối phó với những thách thức hiện tại là xem xét kỹ hơn chuỗi cung ứng và khả năng phục hồi như một vấn đề trọng yếu của nền an ninh quốc gia.
Bên cạnh đó, theo các chuyên gia mùa lễ hội đang tới gần, đây là cơ hội cho các nhà bán lẻ lớn như Amazon khuyến khích người tiêu dùng mua sắm thông qua các chương trình như Prime Early Access Sale vừa ra mắt. Các kênh mua sắm, sàn thương mại điện tử lớn trên thế giới cũng bắt đầu “tung” ra các chiêu kích cầu, khuyến mãi, thu hút khách hàng. Điều này tạo động lực cho chuỗi cung ứng, vận chuyển hàng hóa trên khắp thế giới, bất chấp tình hình kinh tế toàn cầu vẫn còn ảm đạm.
“Đặc biệt, nhìn về lâu dài mọi việc sẽ diễn ra theo chiều hướng vận động đi lên. Dù cho lĩnh vực logistics sẽ không hoàn toàn trở lại “bình thường” như trước, nhưng có các dấu hiệu cho thấy chuỗi cung ứng năm 2023 nhìn chung sẽ tốt hơn. Những dự báo cho thấy quá trình “bình thường hóa” đang diễn ra khá thuận lợi và kinh doanh sẽ sớm trở lại quỹ đạo vốn có, bởi thực tế đến nay khoảng 50% tình trạng tắc nghẽn gây khó khăn cho ngành vận tải biển trong năm qua hiện đã được giải quyết và tốc độ phục hồi đang được cải thiện rõ rệt”, ông Andrea Tretti đưa ra dự báo.