Xu hướng “tiêu dùng xanh” lên ngôi
Theo một nghiên cứu gần đây của Công ty Nielsen Việt Nam, khoảng 80% người tiêu dùng Việt sẵn sàng chi trả nhiều hơn để mua các sản phẩm có nguyên liệu đảm bảo thân thiện với môi trường, có thương hiệu “xanh” và “sạch”.
Thực tế, với sự phát triển của cuộc sống, các sản phẩm nội địa cũng như nhập khẩu ngày càng đa dạng và cạnh tranh nhau về chất lượng, mẫu mã, bao bì, giá cả. Trước nhiều lựa chọn hơn, người tiêu dùng yêu cầu ngày càng cao với sản phẩm và vấn đề bảo vệ môi trường, hướng tới ứng phó với biến đổi khí hậu.
Các sản phẩm làm từ chất liệu thân thiện với môi trường luôn nhận được sự ủng hộ của người tiêu dùng |
Theo ước tính, mỗi năm có khoảng 78 triệu tấn bao bì nhựa được sản xuất trên toàn thế giới nhưng chỉ có một tỷ lệ rất thấp được tái chế sau khi sử dụng, còn lại sẽ kết thúc vòng đời tại các bãi chôn lấp, trôi nổi ra đại dương hoặc đưa vào các lò đốt.
Theo khảo sát, giá của ống hút nhựa hay cốc nhựa rất rẻ, chỉ từ vài chục nghìn đồng/bịch 100 cái ống hút nên được nhiều nhà hàng, tiệm cà phê sử dụng. Ngoài ra, trong những năm gần đây ngành F&B phát triển ngày càng mạnh mẽ, cùng với đó là nhu cầu giao đồ ăn online cũng tăng cao, việc sử dụng đồ nhựa trong quá trình vận chuyển được nhiều người ưu tiên để tiết kiệm chi phí. Theo các chuyên gia, chính điều này đã làm ảnh hưởng và gây sức ép lớn tới công tác xử lý môi trường.
Trước thực trạng trên, một bộ phận lớn người dùng đã thay đổi thói quen sử dụng đồ nhựa mà chuyển sang các sản phẩm “xanh”, làm từ vật liệu thân thiện với môi trường.
Bạn Phạm Văn Bình (Đống Đa, Hà Nội) cho biết, đã từ rất lâu không còn thói quen lấy túi nilon khi đi chợ hoặc đi siêu thị mua đồ. Bên cạnh đó, khi mua đồ ăn hoặc cà phê, luôn luôn sử dụng bình giữ nhiệt, các hộp nhựa để đựng. Theo Bình, nhận biết được xu hướng này, hầu hết các thương hiệu cà phê nổi tiếng cũng đã chấm dứt việc dùng ống hút nhựa, cốc nhựa mà chuyển sang dùng ống hút, cốc làm từ bã mía, giấy… là những vật liệu bảo vệ môi trường.
Có thể kể đến như Starbucks, nếu cầm bình nước cá nhân để mua đồ uống ở các của hàng của hãng thì được giảm giá 10.000 đồng. Hay The Coffee House, Cộng cà phê… cũng đã chuyển hẳn sang dùng cốc giấy để “take away”.
Đại diện một số quán cà phê cho biết, thói quen dùng các đồ dùng từ nhựa của khách hàng đặc biệt là giới trẻ hiện đã không còn, thậm chí nếu các quán tiếp tục sử dụng còn đối mặt với làn sóng chỉ trích. Việc sử dụng các vật liệu từ bã mía hay giấy được khách hàng nhiệt liệt hưởng ứng.
Không chỉ các quán cà phê, tại các siêu thị lớn như CoopMart hay Lotte Mart, nhiều loại túi nilon đựng thực phẩm đã được thay bằng lá chuối, túi vệ sinh tự hủy; các khay bằng xốp cũng được thay bằng khay làm từ bã mía… và nhận được phản ứng tích cực của khách hàng.
Gần đây, sản phẩm nước uống có vỏ đựng là nhựa tái chế cũng đã ra mắt trên thị trường, dự báo xu hướng mới trong “tiêu dùng xanh”. Một số khách hàng cho biết đây là một điều tích cực và cần được ủng hộ để cùng chung tay bảo vệ môi trường.
Tuy nhiên, nếu vật liệu nhựa đã bị tẩy chay từ khá lâu thì các hộp đựng thức ăn bằng xốp lại trở nên phổ biến, được các quán ăn dùng khi giao đồ ăn. Thực tế, theo giới chuyên gia, túi nilon còn thu hồi, tái chế thành loại bao bì khác, nhưng vật liệu xốp không tái chế được. Hơn nữa, những mảnh xốp vụn không được thu gom và xử lý, thậm chí còn nguy hại hơn cả túi nilon, nó sẽ trôi xuống dòng nước, ra sông, biển sẽ gây nguy cơ ô nhiễm môi trường rất lớn, gây hại với các loại thủy sản. Theo đó, thói quen sử dụng hộp xốp để đựng đồ ăn mang đi cũng rất cần được thay đổi. Một số chủ cửa hàng đồ ăn cho biết, các hộp đựng bằng giấy hay bã mía có chi phí cao hơn đồ xốp một chút, có thể phải tính thêm phần nhỏ phụ phí nhưng hầu hết khách hàng đều rất ủng hộ.
Bên cạnh đồ ăn, các sản phẩm sử dụng hàng ngày được làm từ chất liệu bảo vệ môi trường cũng xuất hiện ngày càng nhiều và được người tiêu dùng lựa chọn. Đơn cử như túi, mũ làm từ bèo tây, bẹ ngô hay các mô hình, sản phẩm được thiết kế, sản xuất thủ công từ nguyên liệu có sẵn từ thiên nhiên, như: tre, nứa, gỗ…
Theo khảo sát, các start up liên quan đến “tiêu dùng xanh”, lối sống xanh, thân thiện với môi trường ngày càng nhiều. Tuy chi chí nghiên cứu, sản xuất các chất liệu mới, sản phẩm mới là không nhỏ, giá thành các sản phẩm thiên nhiên cũng cao hơn mặt bằng chung nhưng người tiêu dùng vẫn sẵn sàng chi trả. Chính vì vậy, thực tế tiềm năng của lĩnh vực này ở Việt Nam còn rất lớn. Mặt khác, các ý tưởng kinh doanh xanh luôn nhận được sự ủng hộ và ưu đãi từ chính sách của Nhà nước, giới chuyên gia cho rằng các bạn trẻ muốn khởi nghiệp có thể đi lên từ điều này. Tuy nhiên, cũng cần nắm bắt xu hướng, thị hiếu của thị trường, thiết kế ra các sản phẩm chất lượng, an toàn và hướng tới kinh doanh bền vững.