Xử lý tài sản nợ xấu vẫn khó khăn
“Chợ” mua bán nợ xấu: Giờ G sắp điểm | |
VAMC tập trung toàn lực hoàn thành mục tiêu năm 2021 |
Nhiều tài sản đảm bảo nợ vay đã trở thành nợ xấu nhiều năm nhưng không xử lý được nguy cơ rủi ro quay lại chính ngân hàng |
Mệt mỏi với điệp khúc “chọc gậy bánh xe”
Theo ông Nguyễn Văn Hải - Giám đốc mảng xử lý nợ, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB), mặc dù trong những năm gần đây hoạt động xử lý nợ xấu ở nhiều tổ chức tín dụng đã đạt được một số kết quả tích cực. Tuy nhiên, những khó khăn trong quá trình thi hành án; thu giữ, phát mại tài sản đảm bảo vẫn tồn tại phổ biến và có nguy cơ không giải quyết được nếu thiếu các giải pháp trực tiếp và cụ thể.
Theo ông Hải, hiện tại SCB có rất nhiều trường hợp khách hàng vay vốn bị nợ xấu, ngân hàng kiện ra tòa để giải quyết và được tòa xử thắng kiện. Nhưng khi cơ quan Thi hành án đang thực hiện thủ tục cưỡng chế, kê biên tài sản thì phát sinh tranh chấp với bên thứ ba. Khi đó, việc thi hành án bị tạm hoãn để giải quyết tranh chấp. Tuy nhiên, hầu hết các nội dung tranh chấp, khiếu kiện của bên thứ ba đều chỉ mang tính hình thức. Mục đích cốt yếu là để kéo dài thời gian thi hành án nhằm trục lợi.
“Có những vụ việc tài sản cần thi hành án là căn nhà lớn, giá cho thuê 80-100 triệu đồng/tháng. Khách hàng cứ khởi kiện rồi lại rút đơn ba bốn lần, kéo dài cả 5-6 năm nay vẫn không xử lý được”, ông Hải nói.
Tại tọa đàm “Thực trạng, giải pháp và các vấn đề pháp lý cần lưu ý liên quan đến hợp đồng tín dụng, xử lý nợ xấu, tài sản đảm bảo tại Tòa án và Thi hành án” do Hiệp hội Ngân hàng tổ chức mới đây, đại diện Sacombank, Techcombank, Agribank… đều phản ánh, tình trạng khách hàng tạo ra “tranh chấp giả” để kéo dài thời gian thi hành án khá phổ biến. Nhiều vụ việc kéo dài cả chục năm nhưng không xử lý triệt để được.
Luật sư Nguyễn Văn Trình - Trưởng Phòng Pháp lý Sacombank cho biết, ngân hàng này đang có 8 hồ sơ xử lý nợ tại Tòa án đã khởi kiện từ năm 2018, nhưng chưa giải quyết xong; 13 hồ sơ khác đã khởi kiện trong giai đoạn từ năm 2010 – 2016 nhưng tới nay vẫn được xét xử hoặc chưa thi hành án. Nguyên nhân chính là vì việc xác minh địa chỉ cư trú hoặc triệu tập bị đơn gặp khó khăn, khách hàng vay bất hợp tác hoặc cố tình kéo dài thời gian để vượt qua khung thời hạn thụ lý của Tòa án. Ngoài ra, khi tòa đã xử xong, khách vay cố tình tạo ra tranh chấp giả để việc thi hành án bị ngừng lại rất phổ biến. Nhiều vụ việc thiệt hại tiền tỷ cho ngân hàng.
Cần bảo vệ quyền lợi bên thứ ba ngay tình
Theo Cục Thi hành án Dân sự TP.HCM, trong 3 năm gần đây, tỷ lệ các vụ việc thi hành án liên quan đến tổ chức tín dụng trên địa bàn được giải quyết mới đạt hơn 24%/năm. Nhiều vụ việc thi hành án đã thụ lý trên 3 năm nhưng đến nay vẫn chưa thể giải quyết dứt điểm. Số tiền thu hồi theo đó cũng đạt rất thấp, có năm chỉ đạt gần 10%... Điều này cho thấy hoạt động thi hành án, xử lý phát mãi tài sản đảm bảo của các khoản nợ xấu thời gian qua gặp nhiều trở ngại và tốc độ xử lý nợ xấu thông qua khởi kiện tại Tòa án vẫn chậm hơn nhiều so với kỳ vọng của các ngân hàng.
Đáng lo hơn, theo bà Nguyễn Hồ Thu Thủy - Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ Pháp chế Ngân hàng, hiện việc bảo vệ quyền lợi của bên thứ ba ngay tình không được ngành Tòa án thống nhất cách hiểu và cách xử lý.
Theo đó, mặc dù Tòa án Nhân dân Tối cao đã có văn bản số 64/2019/ TANDTC-PC hướng dẫn xử lý những trường hợp chủ cũ và chủ mới của tài sản đảm bảo nợ xấu phát sinh tranh chấp. Trong trường hợp chủ mới của tài sản đảm bảo đã được được cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản và đã thế chấp tài sản đó cho ngân hàng theo đúng quy định pháp luật thì Tòa không được tuyên vô hiệu đối với các giao dịch thế chấp này. Nhưng trên thực tế, một số cấp tòa án cho rằng, khi có căn cứ có thể tuyên hủy hợp đồng thế chấp với lý do chưa rõ ngân hàng có phải là bên thứ ba ngay tình hay không?
Bà Thủy cho rằng, cách hiểu trên của một số cấp tòa án, các ngân hàng sẽ rất lo ngại vì có thể một số khoản nợ lớn (có khi đến hàng nghìn tỷ đồng) của khách hàng bỗng dưng sẽ thành nợ không có tài sản đảm bảo. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của các ngân hàng bởi khi nhận thế chấp tài sản, các ngân hàng chỉ dựa trên giấy chứng nhận sở hữu tài sản đã được cơ quan có thẩm quyền cấp cho bên bảo đảm, chứ không có điều kiện để biết và lường trước được sự việc sẽ phát sinh tranh chấp liên quan đến quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản giữa bên bảo đảm và chủ cũ sở hữu.
Ở góc độ bán tài sản đảm bảo là nợ xấu, ông Phan Văn Thụy - Phó Trưởng phòng Nghiệp vụ, Cục Thi hành án Dân sự TP.HCM cũng nhận định, hiện nay việc bán đấu giá tài sản đảm bảo là nợ xấu cũng gặp nhiều khó khăn. Ngoài việc con nợ cố tình chây ì như các ngân hàng phản ánh ở trên thì nhiều vụ án khi đã xử lý đến khâu bán đấu giá tài sản để thu hồi nợ cũng không dễ dàng thực hiện. Có những tài sản phải giảm giá nhiều lần nhưng vẫn không có người mua do giá trị quá lớn hoặc do tâm lý e ngại. Tất cả những điều này làm cho quá trình xử lý thu hồi nợ xấu của ngân hàng luôn bị kéo dài, tốn kém chi phí và thiếu hiệu quả.
Ông Phan Tấn Trung - Phó Chánh Thanh tra, giám sát ngân hàng thuộc NHNN chi nhánh TP.HCM cho biết, hiện nay VAMC và DATC vẫn là hai cơ quan xử lý nợ xấu chính. Việc xử lý nợ xấu gặp nhiều vướng mắc đã ảnh hưởng đến khả năng cung ứng vốn của hệ thống ngân hàng ra nền kinh tế, nhất là trong điều kiện dịch bệnh các doanh nghiệp đang cần vốn để phục hồi sản xuất kinh doanh.
Theo số liệu thống kê của NHNN, lũy kế từ 15/8/2017 đến 31/12/2020 toàn hệ thống ngân hàng đã xử lý được 331.870 tỷ đồng nợ xấu xác định theo Nghị quyết số 42, trong đó xử lý nợ xấu nội bảng (không bao gồm xử lý bằng sử dụng dự phòng rủi ro và bán nợ cho VAMC) chiếm tỷ trọng khoảng 53% tổng nợ xấu đã xử lý, xử lý nợ xấu ngoại bảng khoảng 47% tổng nợ xấu đã xử lý. Riêng tại địa bàn TP.HCM, tổng nợ xấu đã xử lý theo Nghị quyết số 42 chiếm khoảng 60% tổng số nợ xấu trong phạm vi cả nước. Trong đó, chủ yếu là xử lý các khoản nợ hạch toán nội bảng bằng hình thức khách hàng tự trả nợ, còn lại việc xử lý khoản nợ theo phương án bán cho VAMC, chiếm khoảng 40% tổng số nợ xấu xử lý theo Nghị quyết số 42. |