Xuất khẩu gạo hợp lý để đạt mục tiêu kép
Việc xuất khẩu gạo cần phải xem xét kỹ lưỡng, thận trọng | |
Rà soát toàn bộ hoạt động xuất khẩu gạo | |
Tạm dừng ký hợp đồng xuất khẩu gạo mới |
Căn cứ kết quả rà soát và các ý kiến của các tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long, các doanh nghiệp, Đoàn kiểm tra liên ngành do Bộ Công thương chủ trì đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ phương án điều hành xuất khẩu gạo trong thời gian tới, trước mắt là tháng 4, tháng 5/2020.
Theo đó, Bộ giữ nguyên đề xuất cho phép tiếp tục xuất khẩu gạo nhưng phải kiểm soát chặt số lượng theo từng tháng. Lượng gạo xuất khẩu dự kiến trong tháng 4, tháng 5/2020 vào khoảng 800.000 tấn, giảm 40% so với cùng kỳ được phép xuất khẩu của năm 2019. Trong tháng 4 cho phép xuất khẩu 400.000 tấn. Vào tuần cuối cùng của tháng 4, căn cứ vào diễn biến dịch bệnh và báo cáo của các bộ, ngành, Thủ tướng sẽ xem xét, quyết định phương hướng điều hành xuất khẩu gạo cho tháng 5.
Nông dân mừng vì vụ đông xuân được mùa do xuống giống sớm |
Bộ Công thương cho hay, ngoài 300.000 tấn gạo dự trữ mà Tổng cục Dự trữ Nhà nước phải mua vào, cần giữ lại thêm 400.000 tấn gạo để dự phòng cho mọi tình huống có thể xảy ra trong tháng 4 và 5. Như vậy, tổng lượng gạo xuất khẩu giữ lại cho nhu cầu trong nước trong 2 tháng là 700.000 tấn.
Qua kết quả rà soát của đoàn kiểm tra liên ngành, từ tình hình sản xuất, sau khi trừ đi nhu cầu dự trữ và tiêu dùng, thì lượng gạo hàng hóa có thể xuất khẩu là khoảng 3 triệu tấn. Lượng hợp đồng đã ký kết của tất cả các doanh nghiệp xuất khẩu gạo nhưng chưa giao hàng là hơn 1,6 triệu tấn gạo. Các doanh nghiệp cũng đảm bảo duy trì dự trữ lưu thông tối thiểu 5% lượng gạo xuất khẩu trong 6 tháng trước đó và cam kết sẽ cung cấp ngay ra thị trường khi Chính phủ yêu cầu.
Đánh giá tác động của hạn hán và xâm nhập mặn vụ đông xuân là không đáng kể nhờ xuống giống sớm, lượng thóc gạo còn tồn trong dân và doanh nghiệp là hơn 1,65 triệu tấn, các doanh nghiệp cho biết nếu không có thu nhập từ tiêu thụ thóc gạo vụ đông xuân, nông dân sẽ không có tiền mua giống, vật tư để khởi động mùa vụ tiếp theo. Ở chiều ngược lại, đây có thể là nguy cơ cho an ninh lương thực quốc gia. Theo hướng đó, nhiều ý kiến đề nghị đoàn kiểm tra liên ngành xây dựng phương án “xuất khẩu có kiểm soát chặt chẽ” để báo cáo Thủ tướng Chính phủ, nhằm đạt mục tiêu kép, vừa thực hiện tốt nhiệm vụ an ninh lương thực trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp nhưng cũng vừa duy trì được sản xuất và tăng trưởng kinh tế.
Việc quản lý số lượng gạo được phép xuất khẩu sẽ do Tổng cục Hải quan kiểm tra thông qua cộng dồn và trừ lùi số lượng theo tờ khai hải quan hàng xuất khẩu. Còn Quản lý thị trường (Bộ Công thương), bộ đội biên phòng sẽ cùng có trách nhiệm giám sát, phòng ngừa và xử lý nghiêm nếu có hành vi buôn lậu gạo qua biên giới, đại diện Bộ Công thương nhấn mạnh.
Trước đó, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), đã có công văn số 336/XNK-NS ngày 1/4/2020 gửi Sở Công thương các tỉnh thành, các thương nhân xuất khẩu gạo để chuẩn bị và tận dụng hiệu quả cơ hội từ các đợt đấu thầu đối với gạo nhập khẩu của Hàn Quốc trong năm 2020.
Theo đó, Hàn Quốc cam kết trong vòng 10 năm kể từ năm 2020, mỗi năm nước này sẽ áp dụng mức suất thuế ưu đãi 5% cho khối lượng hạn ngạch 408.700 tấn gạo nhập khẩu từ 5 quốc gia, trong đó có Việt Nam. Cụ thể, trong khối lượng gạo 408.700 tấn, Hàn Quốc sẽ phân bổ 388.700 tấn theo cơ chế hạn ngạch quốc gia CSQ (Country-Specific Quota) cho 5 nước đã tham vấn, Việt Nam sẽ được phân bổ 55.112 tấn. Còn khối lượng nhập ngoài hạn ngạch sẽ áp thuế 513%, thực hiện theo nguyên tắc MFN.
Tổng hạn ngạch này sẽ được phân bổ hàng năm và thông qua nhiều đợt đấu thầu điện tử theo hạn ngạch và cho từng nước được chia nhỏ nhiều đợt do Tổng công ty Thương mại nông thủy sản và Lương thực Hàn Quốc (aT) thực hiện.
Tuy nhiên, do sự bùng phát của dịch Covid-19 nên kế hoạch này có thể sẽ phải thay đổi. Đối với gạo từ Việt Nam, Phòng Chính sách về ngũ cốc (aT) đang cân nhắc khả năng mời thầu đợt tháng 5 tới đây với lượng nhập khẩu dự kiến là 50% tổng hạn ngạch hơn 55.000 tấn dành cho Việt Nam năm nay.