Xuất khẩu gặp thách thức mới
Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu phải đối mặt với thách thức mới ngoài đơn hàng |
Nỗi lo chi phí vận tải tăng
Ông Ngô Thành Phát, Giám đốc điều hành Tổng công ty Cổ phần may Việt Tiến cho biết, với hơn 20 nhà máy trên cả nước và trên 31.000 lao động, việc ổn định thu nhập, việc làm cho công nhân là mục tiêu hàng đầu doanh nghiệp. Hiện, doanh nghiệp đang có đơn hàng rất dồi dào đến tháng 6/2024 và đang cố gắng tìm kiếm thêm đơn hàng cho 6 tháng cuối năm.
Mặc dù vậy, số lượng đơn hàng tăng nhanh nhưng các doanh nghiệp xuất khẩu lại gặp khó khăn khác và được ví “ập về như cơn lũ và rút nhanh như thuỷ triều” vì một số thách thức mới.
Theo đó, ngay từ đầu tháng 1/2024, cước vận tải từ Việt Nam sang một số thị trường xuất khẩu trọng điểm tăng phi mã khiến hoạt động xuất khẩu của doanh nghiệp ảnh hưởng nghiêm trọng. Theo khảo sát, trước đây, cước phí vận chuyển một container hàng sang châu Âu khoảng 2.000 USD thì nay đã tăng lên gần 4.000 USD, thậm chí, giá cước vận chuyển hàng từ Việt Nam sang Mỹ tăng đến 70%.
Ông Nguyễn Văn Kịch, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần thủy sản Cafatex cho biết, thông thường thời gian vận chuyển sang châu Âu là 28-30 ngày, nay các hãng tàu thông báo kéo dài lên 47-55 ngày, cước phí vận chuyển cũng tăng cao theo. Trong khi đó, có tới 80% lượng thủy sản của Việt Nam xuất đi bờ Đông Hoa Kỳ, Canada và Liên minh châu Âu (EU) và đều đi qua kênh đào Suez. Nếu tiếp tục đối diện với khó khăn về cước phí, doanh nghiệp không kham không nổi.
Tương tự, đại diện một doanh nghiệp xuất khẩu cho biết, doanh nghiệp có đơn hàng nhưng lời lãi ra sao vẫn chưa thể biết được vì đơn hàng đang bị chậm so với kế hoạch do hoạt động vận tải bị gián đoạn và nhiều đơn vị vận tải biển tăng quá cao cước vận tải. Do tác động ngoài mong muốn, doanh nghiệp đã đàm phán với các đối tác lùi thời gian giao hàng cũng như chi phí mới phát sinh do tác động ngoài mong muốn. Tuy nhiên, đối tác chỉ đồng ý hỗ trợ khoảng 30% chi phí cước phát sinh, phần còn lại doanh nghiệp phải bù đắp.
Cũng vì lý do cước vận tải tăng cao, thời gian giao hàng có thể kéo dài, một số khách hàng ép doanh nghiệp xuất nhập khẩu phải xuất hàng sớm và đưa ra những tiêu chuẩn khắt khe hơn. Nếu không đáp ứng được các yêu cầu này, đối tác có cớ huỷ hàng khiến doanh nghiệp thiệt hại lớn.
Theo nhận định của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), tình trạng này kéo dài có thể sẽ khiến các đối tác nhập khẩu tính đến phương án tìm nhà cung cấp thay thế để không phải đi qua khu vực Biển Đỏ và đối diện nguy cơ mất đơn hàng, hàng hóa sẽ bị ùn ứ nghiêm trọng.
Hỗ trợ bằng nhiều giải pháp
Trước tình trạng này, Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu Cục Hàng hải Việt Nam chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan khẩn trương triển khai nhiệm vụ hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là với doanh nghiệp xuất nhập khẩu. Các đơn vị có liên quan cũng đã tăng cường kiểm tra, kê khai và niêm yết giá cũng như các khoản phụ thu đối với hàng container, ngoài ra, kiểm soát ổn định giá dịch vụ khác trong giai đoạn thị trường biến động; làm việc với các hãng tàu nước ngoài có tuyến vận tải đi châu Mỹ, châu Âu để kêu gọi duy trì tuyến, bổ sung chỗ, vỏ container về Việt Nam, tạo điều kiện thuận lợi cho vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu.
Để đảm bảo giao thương thành công, các chuyên gia khuyến cáo, doanh nghiệp Việt Nam nên thông qua các đơn vị uy tín để xác minh đối tác, hiểu hơn về văn hóa doanh nghiệp, cũng như nội dung trong hợp đồng thương mại. Bên cạnh đó, luật chơi mới trong thương mại toàn cầu cũng đòi hỏi doanh nghiệp phải chủ động trước cơ hội cũng như rủi ro từ thị trường; cần thay đổi tư duy, quan tâm tới “tính xanh” của chuỗi cung ứng, trong thương mại quốc tế để đáp ứng được các yêu cầu kỹ thuật khắt khe của thị trường.
Ngoài ra, cần hướng đến thúc đẩy tăng trưởng xuất nhập khẩu bền vững trên cơ sở hài hòa về cơ cấu hàng hóa, thị trường; phát huy lợi thế cạnh tranh, lợi thế so sánh, phát triển thương hiệu, khai mở các thị trường, lĩnh vực mới, có tiềm năng, nâng cao vị thế quốc gia trong chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu; đẩy mạnh hàng hóa xuất khẩu thâm nhập sâu vào các hệ thống phân phối lớn tại nước ngoài.
Về phía các cơ quan quản lý, một số doanh nghiệp xuất nhập khẩu cũng mong muốn, các đơn vị sẽ đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền cho các địa phương, cộng đồng doanh nghiệp hiểu rõ hơn về thương mại quốc tế, các vấn đề cần lưu tâm khi tham gia vào thị trường quốc tế; cũng như các khuyến nghị liên quan đến thị trường xuất khẩu tiềm năng cho các lĩnh vực, ngành hàng cụ thể. Để từ đó đẩy mạnh hoạt động xuất nhập khẩu nói riêng và hoạt động phát triển kinh tế nói chung.