Xuất khẩu gia vị: Tăng mạnh nhưng chưa đáng mừng
Xuất khẩu gia vị: Doanh nghiệp thiếu thông tin thị trường |
Sản xuất gia vị còn manh mún
Ông Hùng cho biết ngoại trừ hồ tiêu, các mặt hàng gia vị khác như quế, hoa hồi, ớt… chưa có định hướng chiến lược phát triển bền vững cấp quốc gia. Ngay với hồ tiêu, diện tích được tổ chức liên kết sản xuất đến thời điểm hiện tại cũng còn khá nhỏ, chỉ chiếm khoảng 10%.
Thực tế hiện nay là các doanh nghiệp vẫn yếu về công nghệ, thiếu vốn để đầu tư chế biến sâu nhằm nâng cao giá trị sản phẩm, kỹ thuật chuyên sâu; thiếu chuyên gia và tài liệu, thiếu cơ chế khuyến khích nghiên cứu để kịp thời hồi đáp nhu cầu thị trường. Việt Nam cũng chưa có những nghiên cứu đánh giá tiềm năng sản phẩm gia vị để thúc đẩy các giải pháp gia tăng giá trị .
Nhìn nhận về xuất khẩu gia vị trong thời gian tới, ông Lê Việt Anh - Chánh văn phòng VPSA cho rằng, các yếu tố bất ổn về địa-chính trị có thể là nguyên nhân chính tiếp tục gây ra những xáo trộn về giá. Trong khi đó, sự cạnh tranh từ các nước sản xuất gia vị lớn khác như Brazil, Indonesia và Trung Quốc ngày càng gia tăng.
Bên cạnh đó, diễn biến khó lường của biến đổi khí hậu sẽ là thách thức rất lớn đối với ngành nông nghiệp trên toàn cầu, trong khi các loại chi phí tiếp tục gia tăng sẽ tác động lớn đến nguồn cung.
Thị trường ngày càng khắt khe
Trong khi đó, theo các chuyên gia, các quy định khắt khe của thị trường nhập khẩu về rào cản phi thuế quan tiếp tục gia tăng, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến thuốc bảo vệ thực vật và kim loại nặng, hay các yêu cầu về môi trường.
Theo VPSA, châu Âu là một trong những khu vực nhập khẩu gia vị và hương liệu hàng đầu, chiếm khoảng 1/4 tổng lượng nhập khẩu của thế giới. Ngoài ra, giá nhập khẩu trung bình ở châu Âu cao hơn so với hầu hết các khu vực khác. Điều này khiến thị trường này trở thành mục tiêu cho các nhà xuất khẩu từ các nước đang phát triển, làm gia tăng cạnh tranh.
Ông Trần Văn Công - Tham tán Nông nghiệp Việt Nam tại châu Âu cho biết, khu vực này ngày càng tăng nhu cầu đối với các loại gia vị được sản xuất bền vững, có nguồn gốc mới, các sản phẩm gia vị có lợi cho sức sức khỏe.
Thực phẩm nhập khẩu vào châu Âu phải chịu những biện pháp kiểm soát khắt khe, bao gồm kiểm tra thường xuyên có thể được thục hiện khi nhập khẩu tại biên giới hoặc sau khi thực phẩm đã được phân phối lưu thông.
"Với tất cả các doanh nghiệp thực phẩm bên ngoài châu Âu, quá trình sản xuất từ đầu đã buộc phải áp dụng, thực hiện và duy trì một quy trình dựa trên nguyên tắc HACCP (hệ thống phân tích mối nguy và kiểm soát điểm tới hạn). Đây là biện pháp kiểm soát chính thức không được thay thế bằng các chứng chỉ khác. Quy định áp dụng HACCP là một yếu tố quan trọng trong hệ thống quản lý chất lượng của các công ty nhằm trở thành nhà cung cấp thành công cho thị trường châu Âu", ông Trần Văn Công chia sẻ.
Còn với Hoa Kỳ, ông Phạm Quang Huy - Tham tán Nông nghiệp Việt Nam tại Hoa Kỳ cho rằng, muốn tăng thị phần tại thị trường Hoa Kỳ cũng như đưa Việt Nam trở thành điểm đến được lựa chọn trong chuỗi cung ứng gia vị toàn cầu, bên cạnh các sản phẩm thô, cần đa dạng hóa sản phẩm gia vị phục vụ ngành công nghiệp thực phẩm, hóa mỹ phẩm, dược phẩm.