![]() |
Xuất khẩu thủy sản cầm cự chờ thời |
![]() |
Kim ngạch xuất khẩu sang thị trường CPTPP tăng mạnh |
![]() |
Tận dụng tốt hơn FTA để hỗ trợ xuất khẩu |
Trong khoảng 10 năm trở lại đây, chưa có năm nào diễn biến tình hình xuất nhập khẩu trong nước lại khó dự báo và xoay chuyển bất ngờ như năm 2022. Nếu như trong tuần cuối tháng 6, cả nước vẫn đang nhập siêu ở mức 1,3 tỷ USD, thì chỉ trong vòng 2 tuần tiếp theo, xuất siêu lớn đã kéo cán cân đổi chiều sang thặng dư 710 triệu USD. Liên tục từ tháng 7 cho tới cuối năm, cán cân thương mại thặng dư lớn đã bù đắp lại cho kết quả nhập siêu trong nửa đầu năm, song cùng với đó thì tốc độ tăng trưởng xuất nhập khẩu cũng bắt đầu giảm tốc. Những dấu hiệu này cho thấy, đã đến lúc các ngành hàng xuất khẩu cần chuẩn bị cho một đoạn đường không mấy bằng phẳng trong năm 2023.
Nhiều ngành hàng chật vật cán đích
Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, sau 3 tháng đầu năm tăng tốc mạnh mẽ, tăng trưởng xuất khẩu đã bắt đầu giảm từ mức 25,2% xuống chỉ còn 17,3% sau 6 tháng; và theo ước tính của Bộ Công thương, kết thúc 12 tháng, mức tăng chỉ là 10,5% so với cùng kỳ năm 2021. Ở chiều ngược lại, tăng trưởng nhập khẩu cũng ghi nhận sự giảm tốc; khi kết thúc 6 tháng mức tăng là 15,5%, nhưng tính chung cả năm 2022 chỉ còn tăng khoảng 8,5% so với cùng kỳ.
![]() |
Tăng trưởng xuất khẩu tại các thị trường mới đều đạt ở mức 2 con số |
Tăng trưởng xuất khẩu chậm lại chủ yếu do kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng chủ lực của Việt Nam đều chậm lại. Theo đó, tăng trưởng xuất khẩu điện thoại giảm mạnh từ mức 52% trong tháng 4 xuống 14,1% trong tháng 6; và kết thúc 11 tháng mức tăng chỉ còn 6,6%. Tương tự như vậy, xuất khẩu máy vi tính và điện tử hết tháng 6 tăng ở mức 14,1%, nhưng sau 11 tháng chỉ còn 11%; xuất khẩu máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác đang từ mức tăng trưởng 41,4% sau 5 tháng, giảm chỉ còn 23,3% sau 11 tháng.
Trong các tháng cuối năm, dệt may là một trong những ngành cảm nhận rõ rệt nhất về sự bất ổn của thị trường tiêu thụ thế giới. Số liệu từ Tập đoàn Dệt may Việt Nam ghi nhận, trong tháng 10/2022 lần đầu tiên xuất khẩu dệt may giảm 3,3% so với cùng kỳ năm ngoái và giảm 1% so với cùng kỳ năm 2019 trước khi bùng phát dịch Covid-19. Sự giảm tốc này dù đã nằm trong dự báo, song vẫn khá đột ngột. Ví dụ riêng với nhóm hàng may mặc, nếu như trong tháng 9 kim ngạch xuất khẩu vẫn còn tăng tới 19% so với cùng kỳ năm ngoái, thì sang tháng 10 chỉ còn tăng 1,7%; nhóm sợi tiếp tục đà giảm sâu tới 34% so với cùng kỳ. Phân chia theo thị trường, các thị trường xuất khẩu lớn của ngành dệt may đều ghi nhận sự sụt giảm, như Mỹ đã giảm 10% trong tháng 9 và tiếp tục giảm 14% trong tháng 10; Hàn Quốc giảm 9% trong tháng 10, mặc dù tháng trước đó vẫn còn tăng 16%; Trung Quốc giảm 35% trong tháng 10, nới rộng đà giảm 20% của tháng 9.
Ông Thân Đức Việt - Tổng Giám đốc Tổng công ty May 10 cho biết, vấn đề ở thời điểm hiện tại là các đơn hàng ký kết trong năm đã xuất đi gần hết, trong khi doanh nghiệp vẫn chưa có đơn “gối đầu” mới. “Trong năm 2023 tình hình sẽ khó khăn hơn vì hiện tại có những đơn hàng đã chốt nhưng khách hàng đã phải hoãn vì tồn kho lớn”, ông Việt chia sẻ. Tình trạng phổ biến trong ngành dệt may hiện nay là các khách hàng đều đặt đơn với số lượng nhỏ lẻ và thời gian ngắn theo kiểu “giữ mối”, nhiều nhà máy phải thu hẹp quy mô, cắt giảm lao động ngay trong mùa cao điểm cuối năm. Thách thức khác là hầu hết khách hàng đang đàm phán để giảm giá đối với các đơn đặt hàng mới.
Nhiều khó khăn nhưng vẫn có “cửa sáng”
Theo Tổng cục Thống kê, năm 2022 kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 371,85 tỷ USD, tăng 10,6% so với năm trước; trong khi kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 360,65 tỷ USD, tăng 8,4% so với năm trước. Nhờ đó năm 2022 ước tính xuất siêu 11,2 tỷ USD (năm trước xuất siêu 3,32 tỷ USD). |
Dự báo của các tổ chức quốc tế cho thấy, khó khăn của kinh tế thế giới và thương mại toàn cầu sẽ còn kéo dài sang năm 2023. Hoạt động xuất khẩu chịu ảnh hưởng tiêu cực khi kinh tế toàn cầu phục hồi chậm lại, thậm chí đối diện nguy cơ suy thoái ở các nền kinh tế lớn; thương mại sụt giảm bởi lãi suất tăng; căng thẳng địa chính trị (đặc biệt là xung đột Nga, Ukraine và phương Tây), khiến chuỗi cung ứng toàn cầu còn bị gián đoạn. Bối cảnh đó chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới nhiều ngành hàng xuất khẩu của Việt Nam. Nếu như năm 2022, tăng trưởng xuất khẩu có thể đạt mức 13-14%, thì sang năm 2023 dự báo tăng chậm hơn, khoảng 8-10%, theo số liệu của Viện Nghiên cứu và Đào tạo BIDV.
Tuy nhiên trong bức tranh chung nhiều điểm tối, vẫn có cửa sáng cho xuất khẩu. Đó là việc các ngành hàng đã khai thác thêm thị trường mới, mở rộng sản phẩm xuất khẩu nhờ sự mở đường của các hiệp định thương mại tự do (FTA). Số liệu của Bộ Công thương cho thấy, trong năm 2022 tăng trưởng xuất khẩu tại các thị trường mới đều đạt ở mức 2 con số, đặc biệt là thị trường các nước CPTPP và EVFTA. Mặc dù kim ngạch xuất khẩu vào các thị trường này còn tương đối nhỏ, song “góp gió thành bão”, trong giai đoạn biến động chung thì thị trường lớn hay nhỏ đều quý.
Bà Nguyễn Cẩm Trang, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công thương khẳng định, các thị trường xuất khẩu mới đều còn dư địa rất rộng cho các ngành hàng xuất khẩu của Việt Nam. Bởi nhìn chung cơ cấu hàng hoá xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và các quốc gia này đều có tính chất bổ trợ cho nhau. Thực tế cũng cho thấy các sản phẩm thế mạnh của Việt Nam như dệt may, giày dép, thuỷ sản, đồ gỗ… đều có mức tăng trưởng xuất khẩu lớn tại các thị trường này.
Song chuyên gia của Bộ Công thương cũng lưu ý, yêu cầu đặt ra của người tiêu dùng tại các thị trường mới và thị trường truyền thống sẽ ngày càng khắt khe hơn. Các doanh nghiệp, ngành hàng cần quan tâm tới vấn đề nguồn nguyên liệu đầu vào để chủ động sản xuất và đáp ứng quy tắc xuất xứ. Riêng thị trường EU có yêu cầu rất cao về tiêu chuẩn chất lượng, xu hướng tiêu dùng xanh sạch, sử dụng lao động, vệ sinh môi trường, truy xuất nguồn gốc… đó là các quy định mà với mỗi chủng loại mặt hàng cần tìm hiểu. Đây cũng là thị trường quan tâm nhiều tới thương hiệu nên việc định vị thương hiệu, xúc tiến thương mại là vấn đề cần quan tâm và chú trọng.
Ông Phạm Hùng Tiến, Phó Viện trưởng Viện FNF Việt Nam khuyến nghị, các doanh nghiệp xuất khẩu cần thay đổi ngay từ các chiến lược kinh doanh chứ không chỉ tập trung vào việc làm thế nào giảm giá thành sản phẩm hàng hoá. Bởi hiện nay người tiêu dùng tại các quốc gia phát triển rất quan tâm tới các vấn đề về trách nhiệm xã hội. Bạn hàng châu Âu quan tâm tới các yếu tố về lao động, môi trường, báo cáo tài chính với các kết quả hoạt động kinh doanh phải minh bạch.
Ngoài ra, mua hàng cũng rất chú trọng tới ngành công nghiệp hỗ trợ của một quốc gia. Khi nhập hàng tại Việt Nam, họ luôn so sánh giữa các điều kiện tương đồng ở các nước xung quanh như Indonesia, Trung Quốc… Vì vậy doanh nghiệp muốn tận dụng cơ hội thì ngoài quản trị nội tại, còn phải tăng cường hoạt động trong một hệ sinh thái mà các doanh nghiệp có thể bổ trợ lẫn nhau.
Bà Nguyễn Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và hội nhập thuộc Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam cho rằng, hiện chỉ có khoảng 1/3 số doanh nghiệp xuất khẩu vào EU đang hưởng lợi từ EVFTA. Nếu tận dụng được ưu đãi từ hiệp định này, các ngành hàng xuất khẩu trong nước chắc chắn vẫn sẽ mở rộng được thị trường ngay cả trong bối cảnh kinh tế thế giới khó khăn.
“Các doanh nghiệp đã hưởng lợi chủ yếu là nhờ họ đã vững mạnh từ trước, với quy trình sản xuất hiện đại và chủ động được nguồn nguyên liệu, trong khi phần lớn chưa chủ động tìm hiểu, thay đổi quy trình để được hưởng lợi. Có năm tỷ lệ tận dụng ưu đãi cao, có năm lại thấp, cho thấy dường như doanh nghiệp chưa có cơ chế ổn định, bền vững để tận dụng ưu đãi thuế quan, mà chủ yếu là may thì được hưởng không may thì thôi”, bà Trang khuyến cáo.
Khanh Đoàn
Nguồn: